Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích

Kiều Trang - Ngày 02/11/2023 10:43 AM (GMT+7)

Bố mẹ đừng vội vui mừng khi con cái có biểu hiện "già trước tuổi".

Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích - 1

Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ không ít những ông bố bà mẹ đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện tình huống trẻ đưa ra những lời nhận xét, đánh giá giống như "ông/bà cụ non". Điều mà không phải đứa trẻ nào ở cùng độ tuổi cũng nói ra được.

Khi thấy con trẻ có những suy nghĩ, lời nói và hành động được thể hiện như một người lớn có sự hiểu biết, nhiều bậc bố mẹ tỏ ra rất hài lòng, vui sướng vì cho rằng đây là dấu hiệu của một đứa trẻ trưởng thành, thông minh. Tuy nhiên nhiều trường hợp, dễ bị nhầm lẫn giữa đứa trẻ thông minh và trẻ "già trước tuổi".

Trẻ thông minh sớm sẽ là một tín hiệu tốt, nhưng nếu trẻ trưởng thành sớm, có lời nói và hành động như “một triết gia tí hon” thì cần phải lưu ý. Bởi điều quan trọng là trẻ giữ được nét trẻ thơ, hồn nhiên ở độ tuổi của mình.

Trẻ nhỏ nên được giáo dục đúng với lứa tuổi, trưởng thành sớm hay quá già dặn đều sẽ không tốt cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện của trẻ về sau (Ảnh minh hoạ).

Trẻ nhỏ nên được giáo dục đúng với lứa tuổi, trưởng thành sớm hay quá già dặn đều sẽ không tốt cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện của trẻ về sau (Ảnh minh hoạ).

Theo nhiều nghiên cứu, sự già dặn trước tuổi có thể gây ra một số thách thức cho con trẻ. Chẳng hạn như trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tương tác với bạn đồng trang lứa, cảm thấy áp lực từ việc đáp ứng các kỳ vọng của người lớn, hoặc thiếu cơ hội để phát triển các năng lực phù hợp với độ tuổi của mình.

Do đó, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra những lời khuyên cụ thể về vấn đề này, nhằm giúp bố mẹ có định hướng để nuôi dạy phù hợp với lứa tuổi, tạo điều kiện để trẻ phát triển lành mạnh hơn trong tương lai.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích - 4

Ngày nay cùng với nhiều sự tác động từ cuộc sống, một số trẻ suy nghĩ già dặn, chín chắn hơn so với độ tuổi của mình. Từ góc nhìn của nhà tâm lý, chuyên gia có thể cho biết một số tác động đó là gì?

Trẻ già trước tuổi được hiểu là trẻ quá hiểu chuyện như người trưởng thành, trong khi tuổi còn nhỏ. Điều này giúp trẻ có thể chín chắn hơn trong cách hành xử của mình, nhưng đổi lại trẻ sẽ đánh mất đi những niềm vui của tuổi thơ, vì những thú vui của trẻ con không làm cho trẻ hứng thú.

Đồng thời cũng khiến trẻ khó hoà đồng với bạn bè đồng trang lứa, vì không có chung sở thích và tham gia các hoạt động cùng nhau nữa.

Ngoài ra, việc trưởng thành sớm về mặt tâm lý cũng ảnh hưởng đến việc trẻ muốn làm những việc chưa phù hợp với tuổi sinh lý và tuổi xã hội của mình, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển hài hoà nơi trẻ.

Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích - 5

Biểu hiện nào ở trẻ khiến mọi người xung quanh nhận xét trẻ là những "ông cụ non/bà cụ non"?

Những biểu hiện để nhận biết những “ông cụ non”, “bà cụ non” là trẻ sử dụng ngôn ngữ của người lớn để bày tỏ quan điểm, cách đánh giá con người và sự việc quá già dặn so với lứa tuổi.

Trẻ không thích những món đồ chơi, hay tỏ ra không hứng thú khi tham gia vào các hoạt động phù hợp lứa tuổi của mình.

Thay vào đó, trẻ lại bị thu hút bởi những hoạt động của lứa tuổi lớn hơn. Hay chê những bạn đồng trang lứa là trẻ con, và hầu như không cảm thấy phấn khởi, nhiệt tình tham gia các hoạt động vui chơi cùng các bạn.

Trẻ thích tỏ ra như người lớn qua cách ăn mặc, chải chuốt cũng như qua dáng vẻ chững chạc khi xuất hiện trước mọi người.

Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích - 6

Có đúng khi nói rằng, sự già dặn vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm đối với quá trình phát triển tính cách, lối sống và tâm lý của trẻ?

Đúng là sự già dặn vừa là ưu điểm cho mặt này, vừa là điểm hạn chế cho mặt kia trong quá trình phát triển nhân cách, lối sống và tâm lý của trẻ. Việc chín chắn trong suy nghĩ sẽ giúp trẻ tránh những hành vi bồng bột của tuổi trẻ, nhưng lại khiến trẻ phải lo nghĩ quá nhiều cho cuộc sống, tương lai và có thể trở thành người gánh vác cho gia đình.

Những đứa trẻ biết điều, già dặn thường hay chịu thiệt thòi vì luôn biết suy nghĩ cho người khác. Khi con cái có dấu hiệu trưởng thành nhiều hơn thì thường bố mẹ cũng sẽ đặt kỳ vọng nhiều hơn ở trẻ, so với những đứa trẻ sống vô tư.

Hơn thế nữa, với nhiều người, kỷ niệm về tuổi thơ vô tư hồn nhiên là một tài sản quý giá để nghĩ về khi họ trưởng thành, nhưng nếu sự trưởng thành tâm lý đến quá sớm thì trẻ sẽ không còn kỷ niệm vô giá ấy nữa.

Trẻ có thể ít hài lòng hơn với cuộc sống, khi những mong muốn và nhu cầu ít được đáp ứng, hoặc thậm chí bị ngăn cản với lý do không phù hợp lứa tuổi. Nhưng những hoạt động phù hợp với lứa tuổi thì trẻ lại không thích thú tham gia. Đồng thời, trẻ có thể cảm thấy cô đơn khi không ai hiểu mình, và không có bạn bè phù hợp do trẻ trưởng thành hơn các bạn.

Bố mẹ đừng vội mừng khi trẻ là “cụ non”, chuyên gia Việt có lời giải thích - 7

Để giữ cho con sự hồn nhiên, trong sáng, phát triển đúng với lứa tuổi, bố mẹ nên làm gì?

Bố mẹ không muốn con phải trưởng thành quá sớm thì cần để ý đến cách tương tác với con, không yêu cầu con phải nhanh lớn để đáp ứng những kỳ vọng của bố mẹ, của gia đình, song song với việc để trẻ được lớn đúng với lứa tuổi của mình.

Bố mẹ cũng cần chú ý kiểm soát những nội dung con tiếp cận, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội vì ngày nay trẻ nhỏ được sử dụng Internet từ khá sớm, để tránh việc trẻ xem những nội dung quá tuổi của mình dẫn đến bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần chấp nhận là trẻ con thời nay sẽ phát triển sớm hơn thời trước nên đôi khi cần phải thấu hiểu và cảm thông, hướng dẫn con có những hành vi ứng xử phù hợp, tránh tình trạng để con phải một mình đối diện với tất cả những khó khăn do sự phát triển sớm mang lại.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia