Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa?

Kiều Trang - Ngày 28/09/2023 11:39 AM (GMT+7)

Theo chuyên gia tâm lý, đứa trẻ được bố mẹ tin tưởng có tỷ lệ thành công cao trong tương lai hơn so với đứa trẻ luôn lớn lên trong sự nghi ngờ của bố mẹ.

Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa? - 1

Nhà văn nổi tiếng người Anh, Charles Dickens đã từng nói: "Trong cuộc sống có 4 thứ không bao giờ được phá vỡ. Đó là tin tưởng, quan tâm, lời hứa và tình yêu. Bởi khi bị phá vỡ, chúng chẳng phát ra âm thanh nào nhưng sẽ gây đau đớn tột cùng". Và đúng thật như thế, nhu cầu thiết yếu nhất của con người là mong muốn được tin tưởng và sự quan tâm từ người thân, đặc biệt là bố mẹ.

Đây là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý, hình thành nhân cách, cũng như tình cảm của trẻ. Nhưng trên thực tế lại có không ít bố mẹ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên không hiểu gì.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, đến một độ tuổi nhất định, khi nhận thức của trẻ dần hoàn thiện thì việc bản thân được bố mẹ nhìn nhận như thế nào, đặt lòng tin ra sao sẽ vô cùng quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ. 

Hiện nay, có một vấn đề mà nhiều phụ huynh dễ mắc đó là, dù cho trẻ có hành động đúng hay sai, bố mẹ luôn nghi ngờ, sử dụng lời nói gây tổn thương, hay vội vàng đổ lỗi. Điều này đã gây nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý và lối sống của trẻ.

Lòng tin của bố mẹ đối với con cái quyết định rất lớn đến sự thành bại của con về sau (Ảnh minh hoạ).

Lòng tin của bố mẹ đối với con cái quyết định rất lớn đến sự thành bại của con về sau (Ảnh minh hoạ).

Nếu bố mẹ không thể thấu hiểu được những suy nghĩ và tình cảm bên trong của con, áp đặt quan điểm riêng của mình để đánh giá con cái là tốt hay xấu, sẽ khó đưa ra nhìn nhận khách quan, từ đó tác động đến việc xây dựng niềm tin với con cái.

Trước vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh sẽ có những lời khuyên dưới đây dành cho các bậc bố mẹ. Giúp bố mẹ tiếp cận vấn đề từ góc độ chuyên môn và sâu sắc hơn, có thể bố mẹ sẽ biết bản thân cần làm gì để con cái phát triển một cách toàn diện và lành mạnh, bằng chính niềm tin và tình yêu thương.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa? - 4

Thưa chuyên gia, ngay trong chính nhiều gia đình, bố mẹ mang tâm lý hay nghi ngờ, không có niềm tin vào con cái của mình, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Để có thể trả lời chính xác cho từng trường hợp và hoàn cảnh, cần có thời gian tìm hiểu rõ về bối cảnh và tiền sử gia đình. Nhìn chung một cách khái quát, bố mẹ có thể trở nên hoài nghi hoặc thiếu niềm tin vào con cái vì một số lý do sau đây:

- Hành vi trong quá khứ: Nếu một đứa trẻ từng nhiều lần có hành vi không đúng đắn trong quá khứ, bố mẹ sẽ cảm thấy khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào trẻ.

- Mức độ lo lắng của bố mẹ: Bố mẹ có thể lo lắng quá mức về sự an toàn và sức khỏe của con mình, điều đó khiến họ trở nên thận trọng, luôn trong trạng thái tâm lý lo sợ, ngờ vực mọi thứ.

- Phong cách nuôi dạy con cái: Một số bố mẹ có phong cách nuôi dạy con độc đoán, điều này có thể khiến họ khó tin tưởng vào khả năng phán đoán và quyết định của con mình.

- Thiếu giao tiếp: Giao tiếp không hiệu quả giữa bố mẹ và con cái có thể dẫn đến hiểu lầm, và làm "sợi dây" niềm tin mỗi ngày dần "mỏng" hơn.

- Yếu tố văn hóa: Các chuẩn mực văn hóa - xã hội có thể ảnh hưởng đến niềm tin của bố mẹ, ví dụ một số nền văn hóa nhấn mạnh sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ đối với hành động của trẻ em.

- Kỳ vọng của bố mẹ: Những kỳ vọng không thực tế về sự hoàn hảo, có thể khiến bố mẹ hình thành sự nghi ngờ thái quá khi con mắc lỗi.

Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa? - 5

Khi không được bố mẹ tin tưởng, trẻ sẽ có những ảnh hưởng trong quá trình hình thành nhân cách và tâm lý ra sao?

Khi con cái dần lớn lên và thường không cảm thấy được bố mẹ tin tưởng, điều đó có thể gây ra một số ảnh hưởng bất lợi đến tính cách và tâm lý của trẻ:

- Lòng tự trọng thấp: Thiếu sự tin tưởng của bố mẹ có thể dẫn đến cảm giác thiếu tự tin, và suy giảm cảm giác tốt đẹp về chính bản thân mình ở trẻ.

- Nổi loạn hoặc có nhiều bí mật: Một số trẻ có thể chống lại sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ bằng sự nổi loạn hoặc thách thức. Và ngược lại, những trẻ khác có thể trở nên khép kín hơn, có nhiều bí mật giấu giếm nhằm né tránh sự phán xét của bố mẹ.

- Lo lắng và căng thẳng: Sự hoài nghi thường xuyên của bố mẹ có thể tạo ra sự lo lắng và căng thẳng ở trẻ, vì trẻ cảm thấy mình luôn phải chứng tỏ bản thân nhưng chưa bao giờ được bố mẹ nhìn nhận.

- Không có chính kiến: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển kỹ năng đưa ra quyết định độc lập, và nói ra chính kiến nếu bố mẹ không tin tưởng vào khả năng của con.

- Mối quan hệ bố mẹ và con cái bị tổn hại: Các vấn đề về niềm tin có thể làm căng thẳng mối quan hệ bố mẹ và con cái, khiến trẻ khó tìm kiếm được sự kết nối, sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn từ bố mẹ.

- Các hành vi tiêu cực và rủi ro: Trong những trường hợp cực đoan, sự thiếu tin tưởng có thể đẩy trẻ đến những hành vi nguy hiểm hoặc phạm pháp, khi trẻ cố gắng tìm kiếm sự công nhận hoặc quyền tự chủ bên ngoài gia đình.

Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa? - 6

Thưa chuyên gia, có phải đứa trẻ được bố mẹ tin tưởng sẽ dễ thành công hơn trong tương lai so với những đứa trẻ khác? 

Các chuyên gia nghiên cứu và phát triển trẻ em cho rằng, những đứa trẻ được bố mẹ tin tưởng đúng mực và thực tế sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Niềm tin và sự khích lệ sẽ thúc đẩy một môi trường tích cực để nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh ở trẻ. Khi bố mẹ tin tưởng con cái, điều đó có thể mang lại những tác động tích cực sau:

- Sự tự tin: Sự tin tưởng của bố mẹ sẽ giúp trẻ tăng cường sự tự tin vào giá trị bản thân, điều này rất quan trọng để trẻ có thể gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.

- Tự chủ: Sự tin tưởng của bố mẹ cho phép trẻ phát triển tính tự chủ, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng ra quyết định.

- Sức bền tâm lý và khả năng phục hồi: Sự tin tưởng của bố mẹ giúp trẻ phát triển khả năng tự phục hồi tinh thần khi đối mặt với thử thách, vì trẻ tin vào khả năng vượt qua trở ngại của chính mình.

- Các mối quan hệ lành mạnh: Niềm tin của bố mẹ giúp thúc đẩy sự giao tiếp cởi mở và các mối quan hệ lành mạnh của trẻ, đây là nền tảng để trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt và dâu dài.

- Động lực: Những đứa trẻ cảm thấy được bố mẹ tin tưởng sẽ có động lực hơn để hướng tới mục tiêu của mình, và phấn đấu để đạt được thành công.

- Hạnh phúc và có năng lực cảm xúc cao: Sự tin tưởng của bố mẹ góp phần mang lại hạnh phúc về mặt cảm xúc cho trẻ, giảm các trạng thái tiêu cực như lo lắng, căng thẳng, stress, trầm cảm,...

Chuyên gia: Đứa trẻ lớn lên tài giỏi là đứa trẻ được bố mẹ dành cho sự tin tưởng khi còn nhỏ, bạn đã tin con mình chưa? - 7

Làm thế nào để sự tin tưởng của bố mẹ không trở thành sự tự phụ hoặc gánh nặng đối với trẻ?

Để ngăn chặn sự tin tưởng của bố mẹ trở thành sự tự phụ, thiếu thực tế hoặc trở thành gánh nặng cho trẻ, bố mẹ cần phải duy trì được cân bằng giữa niềm tin và sự bảo ban, cũng như định hướng đúng đắn cho trẻ:

- Giao tiếp cởi mở: Bố mẹ nên duy trì giao tiếp cởi mở và trung thực với con. Khuyến khích trẻ thảo luận về những suy nghĩ, mối quan tâm và quyết định của mình. Giữ thái độ lắng nghe chân thành, không phán xét hay áp đặt khi trẻ chưa trình bày xong.

- Đặt kỳ vọng phù hợp với lứa tuổi: Điều chỉnh kỳ vọng của bố mẹ phù hợp và thực tế với độ tuổi, và giai đoạn phát triển của trẻ.

- Đưa ra hướng dẫn và định hướng đúng đắn: Bố mẹ hãy đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết, mà không làm cho trẻ cảm thấy bị coi thường hoặc chỉ trích. Cho phép trẻ đưa ra quyết định phù hợp với lứa tuổi, và cơ hội được rút ra bài học từ những sai lầm của mình.

- Khuyến khích phát huy tinh thần trách nhiệm: Bố mẹ cần dạy và cho trẻ cơ hội được tự chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của mình, cả tích cực lẫn tiêu cực.

- Công nhận sự nỗ lực: Bố mẹ đừng bao giờ kiệm những lời khen ngợi, và nhận xét đúng về những nỗ lực và sự chăm chỉ của con, thay vì chỉ nhìn vào thành tích hay kết quả, để nuôi dưỡng cảm giác “con có thể làm được”.

- Tôn trọng sự độc lập: Nhận biết và tôn trọng nhu cầu độc lập, tự chủ của con khi trẻ lớn lên là điều mà bố mẹ tuyệt đối đừng quên.

- Hãy làm gương: Bố mẹ hãy thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng trong các mối quan hệ, và tương tác trong chính gia đình, với mọi người xung quanh, vì trẻ em sẽ học hỏi từ chính hành vi của bố mẹ hàng ngày.

- Cho con tình yêu vô điều kiện: Hãy trấn an con rằng, tình yêu và sự hỗ trợ của bố mẹ bên cạnh con là không thay đổi, bất kể thành công hay vấp ngã. Nhưng bố mẹ cũng cần lưu ý rằng, tình yêu thương là sự đồng hành và chấp nhận cảm xúc của trẻ, chứ hoàn toàn không phải là sự nuông chiều theo các đòi hỏi hay yêu sách vật chất, sự dung túng cho các hành vi không hợp lý hoặc sai trái.

Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi chia sẻ cách bố mẹ giáo dục trẻ tuổi dậy thì hiệu quả, con biết hiếu thuận, thành công trong tương lai.

Trẻ tuổi dậy thì

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm