Nóng tính hay điềm tĩnh mới là tính cách để trẻ hạnh phúc và thành công khi lớn, chuyên gia có câu trả lời

Kiều Trang - Ngày 17/10/2023 08:01 AM (GMT+7)

Bố mẹ hiểu rõ tính cách của con, điều này sẽ giúp quá trình giáo dục con cái trở nên dễ dàng hơn.

Là bố mẹ, chắc hẳn nhiều người cũng không còn xa lạ với tình huống, đứa trẻ của mình đang chơi đùa một cách vui vẻ, ngoan ngoãn thì một giây sau thái độ bỗng thay đổi bất ngờ. Con đột ngột tức giận, la hét và thậm chí có thể ném hoặc đập phá đồ vật. Tệ hơn là trẻ còn tác động vật lý đến những người xung quanh, chỉ vì bản thân không hài lòng một điều gì đó.

Ngược lại, có những đứa trẻ lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh, giỏi kiểm soát cảm xúc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chẳng hạn như bị bố mẹ mắng, bị bạn bè khiêu khích, bị người thân trách nhầm,... Hai kiểu trẻ này hoàn toàn có sự trái ngược nhau trong tính cách. Một bên là trẻ dễ nóng tính, còn một bên là giỏi giữ được bình tĩnh.

Đứa trẻ nóng tính và đứa trẻ bình tĩnh, đâu mới là trẻ dễ có được hạnh phúc, thành công khi lớn? (Ảnh minh hoạ).

Đứa trẻ nóng tính và đứa trẻ bình tĩnh, đâu mới là trẻ dễ có được hạnh phúc, thành công khi lớn? (Ảnh minh hoạ).

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ nóng tính và trẻ bình tĩnh có sự khác nhau, tuy nhiên sẽ không có sự phân biệt tốt xấu. Bởi đây là những phản ứng cảm xúc rất tự nhiên được bộc lộ ra từ con người bên trong của trẻ. Điều quan trọng là bố mẹ cần biết cách chấp nhận cảm xúc, hiểu tính cách của con, để từ đó có thể áp dụng những phương pháp nuôi dạy phù hợp.

Nhận thấy tầm quan trọng, mang tính quyết định của các kiểu tính cách này đến thành tựu, và hạnh phúc của một đứa trẻ trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh chia sẻ quan điểm thú vị dưới đây.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Nóng tính hay điềm tĩnh mới là tính cách để trẻ hạnh phúc và thành công khi lớn, chuyên gia có câu trả lời - 4

Thưa chuyên gia, làm thế nào để bố mẹ có thể nhận biết con là đứa trẻ nóng tính và ngược lại?

Trước khi nhận xét về đặc điểm tính cách của con trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cần hiểu rõ về các đặc điểm tính khí bẩm sinh của con, và quá trình tương tác, học hỏi từ cách hành xử với mọi người xung quanh và từ trong gia đình. Trẻ nóng tính và điềm tĩnh thường thể hiện những đặc điểm riêng biệt:

- Trẻ nóng tính: Những trẻ này có xu hướng phản ứng với cường độ dữ dội hơn. Trẻ có thể bộc phát thường xuyên và mạnh mẽ, dễ nản lòng và có khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp hơn. Bố mẹ có thể nhận thấy trẻ nóng nảy, thiếu kiên nhẫn và có xu hướng bộc lộ cảm xúc một cách dễ nhận biết qua các hành vi rõ ràng, có thể bao gồm cả cảm xúc tích cực và tiêu cực. Trẻ hay bộc lộ thường sẽ dễ dàng cho bố mẹ nhận biết hơn.

- Trẻ điềm tĩnh và ít nói: Những trẻ này có xu hướng cảm xúc và thái độ biểu hiện ổn định hơn. Trẻ có thể ít phản ứng hơn với các kích thích, chậm thể hiện cảm xúc mạnh mẽ hơn và thể hiện sự kiên nhẫn hơn. Bố mẹ có thể nhận thấy rằng những đứa trẻ này thường ít bộc phát cảm xúc. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, điều này đôi khi cũng không chắc chắn rằng trẻ “dễ tính”, mà có thể trẻ đang che giấu suy nghĩ riêng hoặc những khúc mắc tâm lý bên trong.

Điều quan trọng bố mẹ cần lưu ý là, mọi biểu hiện và hành vi của trẻ em thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố (bẩm sinh, ảnh hưởng từ môi trường và sự dạy dỗ của gia đình), và có thể thay đổi theo thời gian, theo quá trình phát triển. Nhận ra tính khí riêng của từng đứa trẻ, đặc biệt là các suy nghĩ, tâm tư và tình trạng tâm lý – tình thần sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ con, kịp thời hỗ trợ nhu cầu tình cảm của con.

Nóng tính hay điềm tĩnh mới là tính cách để trẻ hạnh phúc và thành công khi lớn, chuyên gia có câu trả lời - 5

Liệu trẻ nóng tính có thể hướng đến sự tự tin và định hình ý kiến riêng, trong khi trẻ im lặng có thể có khả năng tập trung vào việc học và phát triển kỹ năng cá nhân? Tại sao?

Đặc điểm tính khí là cách mà trẻ tương tác và tiếp cận với các yếu tố từ môi trường xung quanh, và các mối quan hệ quanh trẻ.

- Trẻ nóng tính: Trẻ nóng tính thực sự có thể biểu cảm rõ ràng và quyết đoán hơn, điều này có thể góp phần phát triển sự tự tin và cái tôi cá nhân mạnh mẽ, đồng thời giúp trẻ dạn dĩ thể hiện suy nghĩ và mong muốn của mình. Tuy nhiên, trẻ có thể cần được hướng dẫn để quản lý cảm xúc một cách hiệu quả, và có hành vi ứng xử phù hợp.

- Trẻ bình tĩnh và ít nói: Những đứa trẻ này thường thể hiện sự kiên nhẫn và tự kiềm chế hơn. Trẻ thực sự có thể tập trung vào việc học tập và phát triển kỹ năng cá nhân. Bản tính trầm lặng có thể khiến trẻ trở thành những người quan sát và học hỏi xuất sắc. Tuy nhiên, trẻ có thể cần được khuyến khích để thể hiện bản thân, và khẳng định ý kiến của mình một cách rõ ràng. Đôi khi, việc không thể hiện rõ suy nghĩ hoặc cảm xúc có thể gây hiểu lầm trong giao tiếp, hoặc sự chịu đựng trong thời gian dài, có thể dẫn đến bộc phát về sau.

Cả hai loại tính khí đều có những điểm mạnh riêng, và điều quan trọng là bố mẹ phải nuôi dưỡng những điểm mạnh tích cực của trẻ, đồng thời cần phải đưa ra hướng dẫn và dạy bảo để giúp trẻ điều chỉnh những điểm yếu, hoặc giúp trẻ thích nghi và phát triển tốt hơn từ những đặc điểm tính khí của mình.

Nóng tính hay điềm tĩnh mới là tính cách để trẻ hạnh phúc và thành công khi lớn, chuyên gia có câu trả lời - 6

Từ góc độ tâm lý, chuyên gia có thể giải thích vì sao đứa trẻ bình tĩnh, im lặng được nhiều người yêu quý hơn so với đứa trẻ nóng tính?

Tâm lý học phát triển nhấn mạnh rằng, các đặc điểm tính khí vốn dĩ không hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà nó chỉ chỉ ra cách trẻ tương tác với môi trường và mọi người xung quanh. Quan niệm cho rằng, những đứa trẻ điềm tĩnh, ít nói được yêu thương hơn có thể xuất phát từ một số yếu tố:

- Dễ hòa đồng với xã hội: Những đứa trẻ điềm tĩnh có thể tỏ ra dễ thích nghi với xã hội hơn và dễ gần hơn, điều này có thể khiến trẻ trở nên dễ mến với nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Á Đông.

- Dễ đoán trước: Mọi người có thể đánh giá cao sự dễ dàng đoán trước và sự ổn định về mặt cảm xúc, hoặc hành vi mà những đứa trẻ bình tĩnh thường thể hiện.

- Tương tác với bạn bè: Trẻ bình tĩnh có thể dễ dàng kết bạn và duy trì mối quan hệ tình bạn hơn, vì trẻ có xu hướng ít có hành vi rối nhiễu hơn, và hợp tác hơn với mọi người.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những đứa trẻ nóng tính cũng có thể được yêu thương và quý trọng sâu sắc, vì bản chất mãnh liệt và biểu cảm rõ ràng của trẻ. Khi có được sự hướng dẫn và hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của bố mẹ trong việc quản lý cảm xúc và định hướng hành vi, những đứa trẻ này hoàn toàn có khả năng tốt để phát triển các mối quan hệ xã hội tích cực.

Nóng tính hay điềm tĩnh mới là tính cách để trẻ hạnh phúc và thành công khi lớn, chuyên gia có câu trả lời - 7

Trẻ nóng tính thường dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và áp lực từ người khác, trong khi trẻ im lặng có thể trải qua sự cô đơn và khó thể hiện bản thân. Liệu có cách nào để cân bằng giữa hai yếu tố này để trẻ có thể đạt được sự hạnh phúc và thành công trong tương lai?

Để cân bằng các yếu tố này, đòi hỏi bố mẹ phải có khả năng nhận ra và nuôi dưỡng những điểm mạnh riêng của từng loại tính khí:

Đối với đứa trẻ nóng tính, việc dạy điều tiết cảm xúc, quản lý hành vi, và kỹ năng giải quyết vấn đề cùng với kỹ năng giao tiếp hiệu quả là rất quan trọng. Khuyến khích trẻ hướng niềm đam mê của mình vào các hoạt động mang tính xây dựng và tích cực.

Đối với những trẻ điềm tĩnh, ít nói, hãy tạo cơ hội để trẻ thể hiện bản thân và quyết đoán. Hãy lắng nghe một cách chủ động và khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình cũng như hỗ trợ các tương tác xã hội của trẻ.

Tạo ra một môi trường gia đình với sự tôn trọng cả hai loại tính khí. Giúp trẻ hiểu và đánh giá cao sự khác biệt ở người khác, đồng thời dạy cách giải quyết xung đột và sự đồng cảm ở trẻ.

Cuối cùng, hạnh phúc và thành công trong tương lai phụ thuộc vào khả năng tự nhận thức bản thân, trí tuệ cảm xúc và khả năng thích ứng với các tình huống khác nhau. Bố mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển những kỹ năng này, bất kể tính khí của trẻ có như thế nào.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm