Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ với các bậc phụ huynh về vấn đề "giáo dục bằng đòn roi", mà nhiều bố mẹ Việt vẫn đang áp dụng trong quá trình nuôi dạy con cái.
Trên thực tế, một số bậc bố mẹ nóng tính, lúc nào cũng sẽ nói đến chuyện đánh con, đôi khi chỉ nói ra hơi nhưng lại là “dọa” con. Cuối cùng một bóng tối tâm lý sâu sắc hình thành trong trẻ.
Tôm hôm nay lại ăn chậm, đã 7 tuổi rồi mà vẫn chưa ăn được, cô giáo mẫu giáo từng nói với bố mẹ Tôm rằng cậu bé luôn là đứa ăn cuối cùng ở trường mẫu giáo. Vì ăn không ngon nên Tôm cũng gầy hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa, mẹ của cậu bé lo lắng đến mức không kìm được nên đã nói với Tôm mấy câu như: “Ăn chậm là chết với tau, mày có ăn mau lên đi không?” hoặc "Mày muốn ăn đòn chứ gì, không ăn mau thì tau cho nhịn đói".
Nhìn khuôn mặt tức giận của mẹ, Tôm không kìm được nước mắt khẽ rơi, thế là mẹ cậu lại nói: "Sao lại khóc? Ai làm gì mày mà khóc, có việc ăn thôi cũng chậm chạp?" Nhưng mẹ càng nói, Tôm càng không thể ngừng khóc.
Giáo dục bằng đòn roi sẽ dễ để lại nỗi ám ảnh tâm lý, khiến trẻ phát triển không lành mạnh (Ảnh minh hoạ Internet).
Sau đó, bởi vì không thể kiềm chế tốt cơn tức giận của mình, mẹ đã dùng roi đánh vào mông Tôm 2 phát thật đau. Lúc này, Tôm càng khóc lớn hơn và van xin mẹ tha thứ: “Mẹ đừng đánh con, con sẽ không khóc nữa”.
Kể từ đó, Tôm không bao giờ dám khóc trước mặt bố mẹ nữa, lý do rất thực tế chính là vì "cái bóng cây gậy" mà bố mẹ ban cho quá sâu, nên Tôm dần trở thành một người nhạy cảm, biết đọc lời nói và cảm xúc, chỉ cần bố mẹ có chút không vui, cậu sẽ không dám nghịch ngợm nữa, lúc nào cùng dè chừng, cẩn thận để xem sắc mặt và cảm xúc của bố mẹ.
Trường hợp như Tôm không phải là trường hợp xa lạ đối với nhiều đứa trong thực tế ngày nay. Việc giáo dục con bằng đòn roi vẫn còn là phương pháp được bố mẹ sử dụng khá phổ biến.
Nhưng theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ dưới đây, nuôi dạy con bằng đòn roi là một quan điểm nuôi dạy cổ hũ. Bởi vì, có nhiều cách giáo dục con ngày nay rất hay mà bố mẹ cần học hỏi, để có thể khiến con trở thành một đứa trẻ ngoan, nhưng lại không làm ảnh hưởng xấu sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Tục ngữ có câu "Thương cho roi cho vọt", chuyên gia nghĩ gì về lời dạy này của cha ông khi áp dụng với quá trình giáo dục con cái thời hiện đại ngày nay? Khi nào thì thích hợp để áp dụng lời dạy này?
Với góc nhìn của tôi, tôi tin rằng thời hiện nay, việc giáo dục con cái theo cách này không còn phù hợp nữa. Có thể thời xưa, suy nghĩ và tư duy về cách giáo dục con cái là phải đánh thì con mới sợ, sợ thì con mới nghe lời. Vậy một đứa con ngoan của ngày xưa được hiểu là một đứa trẻ nghe lời, không làm sai ý của người lớn.
Nhưng với cách hiểu ngày nay, một đứa con ngoan không chỉ biết nghe lời, mà bên cạnh đó còn đề cao những yếu tố khác như sự sáng tạo, tư duy, sự tự tin, biết yêu thương,... để thể hiện quan điểm cá nhân của chính trẻ. Điều này minh chứng rằng, cách giáo dục con ở từng thời đại sẽ khác nhau.
Một điểm rất thực tế nữa đó là, ngày xưa một đứa trẻ bị bố mẹ đòn roi, sẽ không có gì là lạ vì đứa trẻ nào cũng như thế, và lúc đó trẻ sẽ chỉ bị đau về thể xác, chứ không bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý. Tuy nhiên, thời nay thì phương pháp giáo dục con bằng đòn roi đã hạn chế đi rất nhiều.
Trường hợp nếu một đứa trẻ ngày nay vẫn bị bố mẹ giáo dục bằng cách đánh mắng, thì trẻ sẽ không chỉ cảm thấy bị đau về mặt thể chất, mà còn bị tổn thương về tâm lý. Bởi vì nhiều bố mẹ ngày nay đã không còn sử dụng đòn roi để dạy con, mà có cách giáo dục nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Vậy nên những đứa trẻ sẽ cảm thấy tủi thân, khi bố mẹ mình vẫn còn áp dụng phương pháp giáo dục đòn roi này.
Giáo dục bằng đòn roi ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ? Chuyên gia đã gặp trường hợp nào bố mẹ bạo lực đòn roi dẫn đến hệ luỵ nghiêm trọng đối với trẻ?
Bên cạnh việc con cái vâng lời bố mẹ, vì nhận thức được lời dạy của bố mẹ là đúng, thì có rất nhiều trường hợp phổ biến ngày nay, đó là trẻ vâng lời bố mẹ vì sợ bị đánh. Dĩ nhiên, hai tình huống này có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Đứa trẻ sợ bị đánh khi muốn thực hiện một hành vi nào đó, đều cũng sẽ mang tâm lý tự đặt cho bản thân câu hỏi: "Làm việc này thì bố mẹ có đánh mình không?" và nếu bố mẹ không đánh thì trẻ sẽ làm. Tuy nhiên sau này khi đứa trẻ trưởng thành, có năng lực tự quyết định thì bố mẹ sẽ không còn quản lý trẻ một cách chặt chẽ được nữa.
Lúc này, vì không bị đòn roi đe doạ nên trẻ sẽ tự do làm mọi thứ, thậm chí là những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Như vậy có thể thấy rằng, giáo dục bằng đòn roi sẽ gây nên một nỗi sợ, nỗi ám ảnh trong tâm lý của trẻ.
Trong thực tế, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ giáo dục con bằng đòn roi, cụ thể gần nhất là một đứa trẻ 4 tuổi, thường bị mẹ đánh khi làm sai. Vì nhận phương pháp giáo dục này từ bố mẹ trong thời gian dài, ngay từ khi còn nhỏ nên đứa trẻ dần trở nên chai lỳ hơn.
Khi bị bố mẹ đánh, đứa trẻ sẽ tỏ thái độ càng giận dữ, bướng bỉnh, gồng mình chịu đựng và cố gắng không khóc. Biểu hiện này của trẻ đã cho thấy được việc trẻ đã lờn với phương pháp dạy con này của bố mẹ. Và chính vì như thế mà quá trình giáo dục đứa trẻ càng trở nên khó khăn hơn với ông bố bà mẹ này.
Có ý kiến cho rằng, "giáo dục bằng đòn roi sẽ khiến đứa trẻ càng trở nên ngang bướng, chai lì, khó dạy", chuyên gia nhận định như thế nào về điều này?
Theo quan điểm của tôi, ý kiến này có thể đúng, nhưng không phải là đúng trong tất cả trường hợp. Bởi vì khi sinh ra, mỗi đứa trẻ sẽ sở hữu một nét tính cách riêng. Đối với đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ, cá tính thì ý kiến trên có thể đúng, càng roi đòn thì trẻ sẽ càng chai lì và khó dạy hơn.
Đặc biệt là khi trẻ phát hiện, hình phạt roi đòn mà bố mẹ áp dụng đối với mình là sai, hoặc lúc đó bố mẹ đã không kèm theo lời giải thích, cho nên đứa trẻ cảm thấy hình phạt của bố mẹ là vô lý. Đôi khi, trẻ sẽ có suy nghĩ là vì bố mẹ khoẻ hơn nên mình mới phải chịu đòn, và khi đứa trẻ phát hiện ra bản thân có thể khoẻ bằng bố mẹ, thì trẻ sẽ lập tức có thái độ phản kháng, thậm chí là thực hiện hành vi đánh trả bố mẹ.
Ngược lại, đối với những đứa trẻ có tính cách mềm mỏng và thận trọng hơn, thì trẻ sẽ dễ mang tâm lý sợ hãi khi bị bố mẹ đánh đòn. Tuy nhiên những đứa trẻ này sẽ học được cách làm sao để không bị đánh. Dần dần trẻ sẽ hình thành nên những bí mật riêng và giới hạn, khoảng cách đối với bố mẹ, không còn thói quen chia sẻ với bố mẹ nữa.
Lời khuyên và gợi ý nào từ chuyên gia, để bố mẹ giáo dục con hiệu quả, thay vì sử dụng đòn roi?
Trong Tâm lý học hành vi, người ta đã chia ra 2 loại thưởng và 2 loại phạt. Đầu tiên đối với thưởng thì sẽ có thưởng âm tính và thưởng dương tính. Thưởng dương tính là thêm vào một điều tốt đẹp, chẳng hạn như khi con làm điều tốt thì con sẽ được cho kẹo hoặc được bố mẹ khen. Thưởng âm tính là lấy đi một điều không phải là điều ưa thích của trẻ, chẳng hạn như khi con làm điều tốt, con sẽ được miễn rửa chén, lau nhà vào ngày hôm nay.
Thứ 2, đối với hình phạt thì cũng sẽ có 2 loại tương tự như thưởng, đó là phạt dương tính và phạt âm tính. Phạt dương tính nghĩa là thêm vào cho con một điều khó chịu. Ở đây, đòn roi cũng là một loại phạt dương tính, tuy nhiên hình phạt này đã không còn phù hợp với thời đại. Cho nên bố mẹ hãy thay hình phạt đòn roi, bằng một hình phạt khác như dọn nhà vệ sinh,...
Phạt âm tính là hình phạt lấy đi điều thoải mái, yêu thích của đứa trẻ, ví dụ như đứa trẻ có một bộ đồ chơi yêu thích. Tuy nhiên, vì làm sai nên con sẽ bị bố mẹ phạt bằng cách tịch thu đồ chơi đó của con một ngày, và con phải chấp nhận điều đó.
Tuỳ theo tính cách, độ tuổi của trẻ và tính chất nghiêm trọng từ hành vi làm sai của trẻ, mà bố mẹ có thể sử dụng phương pháp phạt, thưởng phù hợp. Nhưng một điều mà bố mẹ cần phải ghi nhớ, đó là phạt để làm gì? Nếu phạt để giúp con nhận ra lỗi sai, biết nhận lỗi và tăng ý chí không lặp lại lỗi sai đó nữa, thì tôi tin rằng đó sẽ là hình phạt tích cực bố mẹ nên hướng đến.
Ngược lại, bố mẹ phạt vì quá tức giận, bất lực thì hãy cẩn thận. Bởi việc "giận cá chém thớt", xả những áp lực từ bên trong, nguồn năng lượng tiêu cực bố mẹ truyền sang cho trẻ, thì lúc này con cái sẽ là những nạn nhân rất đáng thương.
Hoặc một lý do nữa, đó là phạt để cho con sợ, thì tôi tin rằng, đây sẽ là một điều đáng báo động. Nếu mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái được hình thành chỉ dựa trên nỗi sợ, thì sẽ không thể nào tốt cho quá trình lớn lên của trẻ, và trẻ sẽ rất khó để đạt được thành công và hạnh phúc trong tương lai.