Giáo dục gia đình không công bằng là nguyên nhân khiến con trẻ hình thành tính cách xấu.
Ngày nay đa số các gia đình đều sinh hai con, vì muốn các con có người chơi cùng, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy có lợi trong vấn đề này nhưng cũng khiến bố mẹ gặp không ít khó khăn khi tìm cách để yêu thương các con sao cho đều, bình đẳng, để không con nào phải tủi thân.
Trong nhiều gia đình, cảnh bố mẹ yêu cầu con lớn phải nhường em nhỏ, hay quát con lớn bênh con nhỏ là chuyện khá phổ biến, mà bố mẹ lại không ngờ được rằng cách nuôi dạy này của mình có thể làm hư cả hai đứa trẻ. Trẻ lớn dễ hình thành tính ích kỷ, em nhỏ sinh sự ngang ngược.
Chị V (T.p Hồ Chí Minh) trải lòng: "Tôi có 3 người con, nhưng chỉ có con trai lớn là càng ngày càng ích kỷ. Lúc nào có đồ chơi hay đồ ăn, thằng bé cũng lén lút chơi và ăn một mình chứ không có ý định chia cho các em. Thậm chí trong một vài tình huống, 2 em nhỏ vô tình phát hiện anh trai ăn bánh một mình thế là tụi nó đến xin anh chia cho mình, nhưng con trai của tôi nhất quyết từ chối rồi ăn lấy ăn để".
Giáo dục gia đình không công bằng là nguyên nhân khiến con trẻ hình thành tính cách xấu (Ảnh minh hoạ).
Những chia sẻ của chị V nhận được sự đồng cảm đông đảo từ các bậc phụ huynh. Trên thực tế, nhiều gia đình trong khi giáo dục 2 con, luôn có tâm lý ưu ái con nhỏ hơn con lớn. Câu cửa miệng của đa số ông bố bà mẹ là "Con làm anh/chị thì phải nhường em". Việc bị đối xử không công bằng như vậy về lâu về dài đã khiến cho các con lớn cảm thấy bản thân bị thiệt thòi, từ đó đứa trẻ luôn tự tìm cách bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, đây chính là một trong những phương pháp nuôi dạy sai lầm nhiều bố mẹ Việt mắc phải khiến cho việc giáo dục con ngày càng khó khăn, không đạt hiệu quả và hơn hết là làm tăng thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG - TPCHM.
Tại sao việc áp đặt quy tắc "anh chị lớn hơn thì phải luôn nhường em nhỏ" trong quá trình nuôi dạy con được một số bộ phận bố mẹ hay áp dụng?
Đầu tiên là vì phương pháp này đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Việc phân sử công bằng khi các con xảy ra tranh giành sẽ rất tốn công sức và thời gian nhưng chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên nếu kết luận một bên, thông thường là anh chị sẽ nhún nhường cho em thì sự việc sẽ được giải quyết.
Lý do thứ hai là một số bố mẹ có niềm tin rằng, đây là một quy tắc đúng và nên được thực hành. Điều này cũng phù hợp với văn hoá của người Việt, trẻ nhỏ sẽ được cưng chiều và dành sự ưu ái hơn.
Quy tắc này có luôn đúng không thưa chuyên gia, nếu sai thì nó sẽ gây nên những tác hại ra sao đối với trẻ?
Tất nhiên quy tắc này không đúng và nó sẽ gây ra nhiều tác hại đối với trẻ.
Thứ nhất, quy tắc này sẽ khiến cho đứa trẻ nhỏ hơn dễ hình thành tâm lý ỷ lại hoặc lạm quyền, vì mặc định rằng do mình còn nhỏ nên sẽ luôn luôn được anh chị lớn hơn nhường nhịn. Bản thân mình không cần phải cố gắng để tốt hơn hoặc điều chỉnh hành vi gì cả và trẻ có thể làm mọi điều mà trẻ muốn. Thậm chí là cãi lại, chống đối lại và thể hiện thái độ không vâng lời người lớn.
Về phía đứa trẻ lớn, quy tắc này sẽ khiến trẻ giảm đi độ tự tin. Vì dù đúng hay sai thì ở vị trí làm anh chị, trẻ phải nhường em nhỏ. Lâu dài trẻ lớn sẽ hình thành những cảm xúc uất ức, tâm lý tiêu cực bên trong. Và nếu như nó không được giải quyết thì có nguy cơ trẻ lớn sẽ nổi loạn, sinh tính ích kỷ, phản ứng ngược để có thể đòi lại quyền lợi cho bản thân mình.
Chuyên gia có nghĩ rằng, phương pháp này sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ "hiểu chuyện đến mức đau lòng"?
Với quan điểm của tôi, tôi nghĩ phương pháp này có thể sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ "hiểu chuyện đến mức đau lòng", trẻ sẽ vâng lời bố mẹ áp dụng quy tắc "anh chị lớn phải nhường em nhỏ" không chỉ ngay từ bé mà sau khi lớn, khả năng trẻ cũng sẽ mang quy tắc này và sử dụng nó bên ngoài gia đình.
Như vậy trẻ sẽ rất dễ thiệt thòi. Hơn nữa việc dồn nén những xúc cảm và các nhu cầu chính đáng của bản thân chỉ để làm hài lòng, để nhường nhịn người khác sẽ rất nguy hiểm đối với quá trình phát triển tâm lý, tính cách lành mạnh của trẻ trong tương lai.
Làm thế nào để dạy con trẻ biết nhường nhịn và biết yêu thương bản thân đúng lúc?
Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù trong mối quan hệ gia đình, tính cách mỗi đứa trẻ và phương pháp nuôi dạy của bố mẹ.
Đầu tiên, bố mẹ hoặc người nuôi dạy cần công minh trong việc cho trẻ hiểu điều gì đúng là đúng và điều gì sai thì chắc chắn sẽ sai. Trước khi phân giải tình huống giữa các con với nhau, bố mẹ nên xác định ai đúng ai sai trong hoàn cảnh đang diễn ra, để dạy con hiểu một chuẩn mực đạo đức rõ ràng.
Sau khi đứa trẻ hiểu được ai đúng ai sai thì bố mẹ tiếp tục nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh. Với trường hợp em còn quá nhỏ, bố mẹ hãy từ từ giải thích cho con lớn hiểu rằng với độ tuổi đó và mức độ nhận thức chưa hoàn thiện của em, em có thể đã làm ra hành vi này.
Khi bố mẹ công bằng và giải quyết tình huống giữa các con với sự khéo léo, tinh tế thì điều này sẽ tạo nên cho đứa trẻ lớn một niềm tin, sự quan tâm và an toàn khi trẻ biết bố mẹ vẫn nhìn thấy giá trị và dành tình yêu thương cho mình. Không những thế, trẻ cũng sẽ biết cách làm thế nào để có thể trở thành một người anh, người chị tốt đối với các em của mình.