Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng

Kiều Trang - Ngày 04/04/2024 12:00 PM (GMT+7)

Bạo lực lạnh có thể được xem là mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần đối với trẻ.

Trên diễn đàn nuôi dạy con, một ông bố với tài khoản V giấu tên đã chia sẻ rằng, ông cảm thấy rất buồn khi con gái càng lớn càng xa cách bố mẹ. Ông rất hối hận vì từ trước đến nay đã nuôi dạy con theo phương pháp giả vờ không quan tâm, thường hay im lặng khiến đứa trẻ cảm thấy bố không thương, không quan tâm đến mình. 

Những dòng tâm sự của ông bố này đã thu hút nhiều sự chú ý của các bậc phụ huynh. Một số người còn nhận ra ngay, đây là phương pháp giáo dục con bằng "bạo lực lạnh", được không ít bố mẹ ngày nay áp dụng và nghĩ rằng nó hiệu quả nhưng thực chất lại không như vậy.

Bạo lực lạnh có thể được xem là mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần đối với trẻ (Ảnh minh hoạ).

Bạo lực lạnh có thể được xem là mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần đối với trẻ (Ảnh minh hoạ).

Theo đó, bạo lực lạnh được hiểu là một hình thức bạo lực tinh thần mà người thực hiện sử dụng sự im lặng và không giao tiếp với đối phương trong bất kỳ hình thức nào. Đây là một kiểu thờ ơ và tránh giao tiếp, như một hình thức trừng phạt, không chỉ bằng cách không nói chuyện mà còn không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của đối phương.

Khác với việc im lặng để cả hai bên có thời gian suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề, bạo lực lạnh là khi bố mẹ chọn cách "lơ" đi giao tiếp một chiều. Trên thực tế, phương pháp giáo dục này để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và tình cảm đối với con trẻ. Trẻ bị bố mẹ thờ ơ, không quan tâm có thể cảm thấy buồn tủi, và dẫn đến mất đi sự kết nối trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.

Chuyên gia Tâm lý Lưu Thị Hường nhận định: "Bạo lực lạnh có thể được xem là mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần". Vậy cụ thể nó ảnh hưởng như thế nào và bố mẹ cần làm gì để giáo dục con phù hợp, hiệu quả? Cùng nghe những chia sẻ của chuyên gia dưới đây.

Thạc sĩ Lưu Thị Hường.

Thạc sĩ Lưu Thị Hường.

Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng - 3

So với những kiểu bạo lực như bạo lực bằng hành động, bạo lực lời nói thì bạo lực lạnh mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần, có đúng như thế không thưa chuyên gia?

Mỗi con người đều được cấu tạo từ hai phần, phần thể xác và phần linh hồn (tinh thần). Bất kể là phần nào, nếu bị tác động theo hướng tiêu cực thì cũng đều mang tính sát thương cao. 

Chẳng hạn như một đứa trẻ liên tục bị bố mẹ sử dụng đòn roi để đánh thì hành động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào cơ thể, vào mặt sinh tồn của trẻ. Mà không chỉ người lớn, trẻ em khi cảm thấy bị đe doạ đến phần sinh tồn thì đều sẽ tự vệ. Khi khả năng tự vệ bộc phát, phần con bên trong trẻ sẽ được khơi dậy. Điều đó khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách hơn.

Bạo lực lạnh có thể được xem là mang tính sát thương mạnh mẽ nhất về mặt tinh thần. Bởi vì khi người lớn sử dụng bạo lực lạnh sẽ dễ tạo cho trẻ cảm giác bản thân đang bị bỏ rơi, là người thừa, không quan trọng đối với bố mẹ. Trong khi đó, nhu cầu được yêu thương là nhu cầu rất lớn của mỗi đứa trẻ. Nếu không cảm nhận được điều này, trẻ sẽ rất dễ bị tổn thương.

Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng - 4

Một số quan điểm cho rằng, việc bố mẹ sử dụng bạo lực lạnh thường xuyên đối với con cái sẽ khiến con hình thành tính cách vô cảm, thiếu trách nhiệm, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng sẽ hình thành bức tường ngăn cách, chuyên gia nghĩ gì về điều này?

Điều này hoàn toàn đúng, vì xét về mặt bản năng sinh học hay tâm trí, linh hồn thì khi một đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương, đặc biệt là từ việc bị bố mẹ bỏ mặc, không quan tâm, trẻ sẽ hình thành nhận thức mặc định rằng bố mẹ chính là người gây ra đau đớn cho mình nên từ đó không muốn gần gũi với bố mẹ nữa. Đây cũng là tâm lý dễ hiểu, tự nhiên của mỗi đứa trẻ.

Còn về việc hình thành tính vô cảm là do trẻ không có hình mẫu tích cực nào để học tập và noi theo. Nếu bố mẹ dùng bạo lực lạnh để đối xử với con, con cũng sẽ thực hiện mô típ đó để đối xử với bố mẹ và những người xung quanh.

Trẻ sẽ không chỉ hình thành tính thiếu trách nhiệm, mà còn có thể bộc phát các hành động biểu thị sự hung hăng với mục đích chống đối bố mẹ hoặc thu hút sự quan tâm của bố mẹ. Thậm chí điều này còn dẫn đến nhiều hệ luỵ như trẻ phát triển các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật. Sau này trưởng thành, con rất khó xây dựng những mối quan hệ xã hội và hôn nhân gia đình.

Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng - 5

Vì sao nhiều bố mẹ lại thay đổi "chiến thuật", sử dụng phương pháp nuôi dạy bạo lực lạnh đối với đứa trẻ của mình?

Lý do đầu tiên là bố mẹ không có những hiểu biết đúng đắn, nghĩa là bố mẹ không biết việc làm của mình sẽ để lại những hậu quả như thế nào đối với con. Đôi khi họ chỉ làm theo bản năng, cảm xúc nhất thời lúc đó.

Lý do thứ hai có thể là bố mẹ cũng đã từng lớn lên trong môi trường giáo dục sử dụng bạo lực lạnh, hoặc chứng kiến nhiều trường hợp tương tự và cho rằng phương pháp này hiệu quả. Chính vì thế mà bố mẹ đã sử dụng những trải nghiệm, kinh nghiệm tiếp thu được để nuôi dạy con.

Lý do thứ ba là bố mẹ có thể cảm thấy bất lực, đã thử nhiều phương pháp nuôi dạy con trước đó nhưng không hiệu quả nên chuyển sang phương pháp này để thử nghiệm.

Lý do thứ tư là chính bản thân bố mẹ đang bị áp lực về mặt cảm xúc, nghĩa là họ không tự giải phóng được cảm xúc của mình.

Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng - 6

Thưa chuyên gia, có phải trẻ bị bạo lực lạnh thường có tỉ lệ phát triển, thành công thấp hơn và tỉ lệ thất bại cao hơn so với những đứa trẻ khác? Vì sao?

So với những đứa trẻ bình thường khác thì chắc chắn trẻ bị bạo lực lạnh sẽ phát triển không tốt bằng. Bởi vì khi đứa trẻ bị tổn thương, con sẽ hình thành rất nhiều cảm xúc không tích cực, điều này khiến não bộ sinh ra một chất ức chế khả năng tư duy, sáng tạo, tập trung của trẻ. Từ đó dẫn đến hệ luỵ là trẻ sẽ học rất kém.

Bên cạnh đó, nó còn có thể sinh ra một chất khiến trẻ dễ bị bệnh và sức đề kháng yếu dần đi. Hơn thế nữa là trẻ dễ hình thành nhận thức, niềm tin hạn chế và sai lệch về giá trị của bản thân.

Tóm lại, những đứa trẻ bị bạo lực lạnh thường về cả thể chất và tinh thần đều không bằng đứa trẻ khác. Nếu có "hơn" thì là nghịch ngợm hơn, quậy phá hơn và bướng bỉnh hơn.

Hơn cả đòn roi, đây mới là kiểu dạy dỗ khiến con dễ gặp bất hạnh mà nhiều bố mẹ Việt vẫn vô tư áp dụng - 7

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con cùng chuyên gia