Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn

Kiều Trang - Ngày 26/09/2023 11:47 AM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi chia sẻ cách bố mẹ giáo dục trẻ tuổi dậy thì hiệu quả, con biết hiếu thuận, thành công trong tương lai.

Ai khi làm bố mẹ cũng sẽ hiểu và chấp nhận một quy luật bất biến rằng, con cái càng lớn sẽ càng có những sự thay đổi buộc bố mẹ phải thích ứng và linh hoạt để có thể giáo dục con hiệu quả.

Bởi ở từng giai đoạn, độ tuổi khác nhau thì tính cách và tâm sinh lý của trẻ cũng sẽ phát triển theo những chiều hướng khác nhau. Đặc biệt là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, được xem là thời kỳ ẩm ương với những sự thay đổi đôi khi sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ.

Theo chuyên gia, quá trình dậy thì ở trẻ là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lý, thường bắt đầu xảy ra ở khoảng tuổi từ 9 đến 14 tuổi ở cả nam và nữ. Trong giai đoạn này, việc bố mẹ dạy con được xem như là nhiệm vụ khó khăn hơn. 

Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn dành cho các bậc bố mẹ (Ảnh minh hoạ).

Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn dành cho các bậc bố mẹ (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấu hiểu và hỗ trợ con tốt, sẽ giúp trẻ vượt qua thời điểm này dễ dàng hơn, xây dựng sự tự tin, nhận thức về nhân cách, giới tính, cũng như cung cấp thêm cho con những kiến thức cần thiết để xây dựng một cuộc sống tích cực, lành mạnh hơn trong tương lai.

Đó là lý do mà các bậc bố mẹ cần tích luỹ một hành trang vững chắc để có thể nuôi dạy con trẻ tốt nhất trong giai đoạn này. Cũng là một người mẹ, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi hiểu và đồng cảm với các phụ huynh khác, vì vậy đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân về chủ đề được rất nhiều bố mẹ quan tâm này.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn - 4

Thưa chuyên gia, tại sao trẻ tuổi dậy thì trải qua giai đoạn nổi loạn mạnh mẽ hơn so với những trẻ khác?

Tuổi dậy thì đem đến sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất và tâm lý của trẻ, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân.

Một số trẻ không được chuẩn bị trước tâm lý cho sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, đồng thời không có người hỗ trợ và định hướng cho trẻ nên dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn nhiều hơn.

Ngoài ra, một số bố mẹ có con vào độ tuổi dậy thì vẫn giữ y nguyên cách dạy con như lúc trước (kiểm soát và áp đặt suy nghĩ như khi con còn nhỏ), khiến con phản ứng lại mạnh mẽ và gay gắt hơn.

Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn - 5

Trong thực tế, nhiều tình huống trẻ ở độ tuổi dậy thì có thái độ "hù doạ" bố mẹ khi không vừa ý điều gì đó (chẳng hạn như đòi bỏ học, bỏ nhà ra đi), tại thời điểm này bố mẹ nên phản ứng như thế nào là phù hợp?

Nếu bố mẹ luôn chỉ quan tâm tới kết quả học tập, và luôn sợ con ra ngoài thì trẻ sẽ dùng chính những điều này để hù doạ bố mẹ nhằm đạt được mong muốn của bản thân.

Tất nhiên bố mẹ sẽ không vì con doạ bỏ nhà đi mà đồng ý tất cả các yêu cầu của con, vì như vậy sẽ khiến trẻ "leo thang" hơn trong các đòi hỏi sau đó. Nhưng khi trẻ đưa ra những hù doạ này thì trẻ đã có sự chia tách nhất định với gia đình, với bố mẹ, có những bất mãn trong tương tác với bố mẹ thì mới chọn cách đó.

Do vậy, bố mẹ cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn của trẻ để tìm cách giải toả những khó chịu ấy, giúp trẻ kết nối lại với gia đình, với bố mẹ để có thể trở thành đồng minh, hơn là kẻ thù từ hai chiến tuyến phải đề phòng lẫn nhau.

Người ta thường nói tuổi dậy thì ở trẻ được xem là tuổi “dở ông dở thằng”, tức là chưa đủ trưởng thành nhưng cũng không còn bé bỏng nữa. Trẻ muốn được tự đưa ra những quyết định để chứng minh mình đã lớn, nhưng lại chưa đủ chín chắn để giải quyết thành công mọi việc.

Do đó, vai trò “quân sư” của người lớn mới phát huy tác dụng. Để làm được như vậy, bố mẹ cần trao đổi với con như những người bạn, để trẻ được nói lên nỗi lòng của mình, mong muốn của mình. Bố mẹ lắng nghe và định hướng cho con khi cần thiết, trao cơ hội cho con được trải nghiệm một cách an toàn, để trẻ thể hiện bản thân và dần trưởng thành hơn qua những trải nghiệm ấy.

Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn - 6

Chuyên gia có thể chia sẻ một câu chuyện mà bản thân biết về đứa trẻ tuổi dậy thì nổi loạn, diễn biến tâm lý và hậu quả như thế nào?

Tôi chia sẻ một trường hợp về bé trai năm nay học lớp 9. Trước đó cháu có yêu thích một cô bạn gái lớn hơn 1 tuổi học cùng trường vào năm lớp 8, nhưng bị bố mẹ ngăn cản nên đã có những động thái giữa các phụ huynh khiến các bạn chia tay. Tuy nhiên, cách cháu nhìn về bố mẹ đã không còn như trước nữa, luôn có những hành vi thể hiện sự xa cách, thậm chí một đôi lần là sự coi thường, và chống đối.

Sau khi chia tay bạn gái này thì lên lớp 9 cháu quen với 1 bạn gái khác. Gia đình biết được ra sức ngăn cản thì cháu dọa bỏ nhà đi, và thực sự có ôm đồ sang nhà chú ở mấy tuần. Vì gia đình lo lắng cháu ra ngoài sẽ gặp đối tượng xấu rủ rê, hư hỏng nên đồng ý với những yêu cầu của cháu về việc mua sắm đồ dùng, cho tự do sử dụng điện thoại.

Tuy nhiên kết quả học của cháu ở trường có giảm sút nên bố mẹ vô cùng lo lắng, nhắc nhở con học hành nhiều hơn thì cháu lại càng tỏ ra khó chịu với bố mẹ. Cháu cho rằng bị can thiệp quá nhiều, mọi chuyện với cháu vẫn ổn nhưng bố mẹ cứ “làm quá lên” và muốn ép cháu học nhiều hơn, thậm chí còn muốn cháu vào trường nội trú học để được quản giáo nghiêm ngặt hơn vì ở nhà bố mẹ không quản được.

Điều này khiến cháu bị kích động, vì nghĩ rằng bố mẹ làm vậy chỉ để chia cắt tình cảm của cháu cùng bạn gái, lúc này cháu đòi nghỉ học. Vì vậy nên bố mẹ vô cùng mệt mỏi, cảm giác tức giận có, chán nản có và còn kèm theo đó là sự bất lực vì không biết nên làm thế nào mới đúng.

Con trai học lớp 9 bỏ nhà đi vì bị cấm yêu sớm, chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách xử lý khéo léo hơn - 7

Làm thế nào để phân biệt giữa sự nổi loạn bình thường trong độ tuổi dậy thì và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác?

Nổi loạn bình thường có thể biểu hiện dưới hình thức muốn trải nghiệm cái gì đó mới (đôi khi là khá nguy hiểm), đôi khi là thể hiện bản thân mình bằng những thành tích ở những khía cạnh là thế mạnh của trẻ. Đôi khi nổi loạn thể hiện ở việc đấu tranh đòi quyền tự chủ, cho những quyết định quan trọng của cuộc đời.

Tuy nhiên, nếu trẻ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu định hướng sẽ dẫn đến mất kiểm soát trong việc giải quyết vấn đề, lựa chọn sai lầm, và từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác khiến trẻ bị sụp đổ về niềm tin với bản thân, bất hoà trong mối quan hệ, gây hiềm khích với người khác mà không được can thiệp kịp thời thì có thể khiến trẻ trượt dài trong các sai lầm của mình.

Từ đó, dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn, thể hiện sự lo âu, mệt mỏi, giảm sút chất lượng giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất động lực, làm suy giảm chất lượng các mối quan hệ và ảnh hưởng đến thành tích học tập ở trường.

Do vậy, bố mẹ cần dành nhiều thời gian và để ý đến con trẻ nhiều hơn, như vậy mới có thể thấy được những biểu hiện lạ thường ở con, và có cách hỗ trợ kịp thời.

Con đi học về bảo: Các bạn trong lớp đều nhà giàu, còn nhà mình lại nghèo? Chuyên gia mách câu đáp chuẩn
Chuyên gia tâm lý mách bố mẹ cách đáp chuẩn khi con cái đặt câu hỏi về hoàn cảnh giàu, nghèo của gia đình.

Phương pháp giáo dục sớm

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến thức dạy con