Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi

Thi Thi - Ngày 16/08/2024 19:05 PM (GMT+7)

Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ phát triển khả năng quản lý cảm xúc và xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Trong xã hội hiện đại, bên cạnh IQ (Chỉ số thông minh), EQ (Trí tuệ cảm xúc) ngày càng được coi trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ và phát triển cá nhân. Trẻ em có chỉ số EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc nhận diện và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ có EQ thấp. Một trong số đó là thiếu sự giáo dục về cảm xúc từ gia đình. Trẻ cần được học cách nhận diện cảm xúc, cách diễn đạt chúng một cách tích cực và cách xử lý cảm xúc khó chịu. Nếu bố mẹ không thường xuyên trò chuyện về cảm xúc hoặc không cho trẻ có cơ hội trải nghiệm và bộc lộ, trẻ sẽ khó phát triển EQ.

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 1

Ngoài ra, nếu trẻ lớn lên trong môi trường cạnh tranh, áp lực, có thể cảm thấy lo lắng và không dám bộc lộ cảm xúc của mình. Điều này dẫn đến việc trẻ trở nên khép mình và khó khăn trong việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô.

Trẻ có thể cảm thấy cô đơn, dễ bị tổn thương và dễ bị trêu chọc. Thiếu khả năng quản lý cảm xúc cũng có thể dẫn đến hành vi thiếu kiềm chế, như dễ cáu giận hoặc buồn bã. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong học tập vì cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sáng tạo.

Một hệ lụy nghiêm trọng khác là trẻ có thể không phát triển được những kỹ năng quan trọng trong tương lai, như lãnh đạo, làm việc nhóm và khả năng giải quyết xung đột. Những kỹ năng này rất cần thiết cho công việc và cuộc sống về sau.

Vì vậy, nếu nhận thấy trẻ bộc lộ một số đặc điểm EQ thấp, cần được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ bố mẹ. Việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc không chỉ giúp trẻ thành công trong học tập mà còn chuẩn bị cho chúng các kỹ năng sống cần thiết trong tương lai. Chuyên gia tâm lý thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra những thông tin hữu ích giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 2

Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 3

Làm thế nào để nhận biết được mức độ EQ của con? Có những công cụ đánh giá nào mà bố mẹ có thể sử dụng?

EQ là chữ viết tắt của Emotional Quotient (trí tuệ cảm xúc), là khả năng hiểu, sử dụng, quản lý cảm xúc của bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Để đánh giá EQ, các nhà chuyên môn sẽ sử dụng các trắc nghiệm, thang đo khác nhau.

Tuy nhiên, với bố mẹ ở nhà thì hoàn toàn có thể đánh giá khả năng EQ của con dựa trên quan sát cách con thể hiện bản thân và cư xử với người khác, hay con vật và đồ vật. Ví dụ: Con có dễ dàng nhận diện và gọi tên cảm xúc của mình hoặc của người khác không?

Con có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, đặc biệt những cảm xúc mạnh như tức giận hay không (con hay ăn vạ quá mức, hay gào khóc, đánh đập người khác khi không vừa ý đang thể hiện sự kém quản lý cảm xúc,…) Con có dễ đồng cảm với người khác hay không, có biết thương người, biết thông cảm cho người khác hay không, ….

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 4

Trẻ EQ thấp có nguy cơ gặp phải những khó khăn, rủi ro nào trong cuộc sống sau này? Bố mẹ cần chuẩn bị những gì để con sẵn sàng đối mặt với những thách thức đó? 

Trẻ có EQ thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều hoà cảm xúc của bản thân và thấu hiểu, đồng cảm cho người khác, không biết thể hiện cảm xúc phù hợp trong bối cảnh sống cũng là yếu tố ảnh hưởng xấu đến trẻ trong các mối quan hệ xã hội.

Cụ thể, trẻ kém trong khả năng nhận diện cảm xúc của người khác sẽ không biết cách thể hiện hành vi, lời nói phù hợp với hoàn cảnh, trẻ kém kiểm soát cảm xúc có thể ảnh hưởng đến mức độ và cách thức thể hiện bộc lộ cảm xúc, gây ra sự không thoải mái ở người khác hoặc thậm chí là sự chán ghét ở mọi người.

Trẻ thiếu đồng cảm có thể làm những hành động lạnh lùng, vô cảm, thậm chí gây tổn thương cho người khác nên rất khó để kết nối và xây dựng được mối quan hệ thân mật. Điều này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, buồn chán ở trẻ.

Khi có những cảm xúc tiêu cực mà không biết cách xử lý tốt có thể ảnh hưởng lớn và lâu dài đến sức khoẻ tâm lý của trẻ như rối loạn cảm xúc, khí sắc. Ngoài ra, EQ thấp có thể dẫn đến khó khăn thành công trong học tập và công việc (cả thèm chóng chán, không có sự kiên trì và khả năng duy trì động lực kém).

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 5

Có những hoạt động, trò chơi nào phù hợp để rèn luyện EQ cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau? 

Ở trẻ nhỏ, bố mẹ có thể dạy trẻ cách nhận diện cảm xúc thông qua truyện, tranh, trò chơi nhận diện cảm xúc. Ví dụ: tranh vẽ khuôn mặt, yêu cầu trẻ vẽ thêm các nét biểu hiện cảm xúc tương ứng, hoặc chọn hình mặt người có cảm xúc tương ứng theo yêu cầu của bố mẹ.

Tô màu cảm xúc cho nhân vật trong câu chuyện,… Trong những câu chuyện hoặc đời sống hàng ngày, bố mẹ thường xuyên hỏi trẻ về cảm nhận và giúp trẻ gọi tên các cảm xúc ấy, đồng thời bố mẹ cũng làm gương cho con.

Trẻ lớn hơn chút, bố mẹ có thể có những quy ước về các thể hiện những cảm xúc sao cho phù hợp, chấp nhận cảm xúc của con và hướng dẫn con cụ thể nên làm gì khi có cảm xúc ấy. Quan trọng là phụ huynh cần nhắc đi nhắc lại với trẻ. 

Trẻ ở độ tuổi lớn hơn (tiểu học trở lên), phụ huynh có thể dạy trẻ các cách thức tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề hiệu quả để giải quyết những tình huống khó khăn, từ đó trẻ sẽ học được cách vượt qua những thách thức, không để những cảm xúc khó làm trì trệ.

Ví dụ: Có những trẻ gặp khó là khóc nhè, không chủ động giải quyết tình huống thì bố mẹ động viên, khuyến khích trẻ đồng thời với những hướng dẫn cụ thể giúp trẻ giải quyết vấn đề, điều này không chỉ giúp trẻ làm được để nâng cao sự tự tin mà còn cảm thấy được chấp nhận, yêu thương, hỗ trợ từ bố mẹ.

Trong mối quan hệ với người khác, vận dụng yếu tố cảm xúc để gây ảnh hưởng đến người khác một cách lành mạnh, việc này trẻ có thể học qua quan sát cách bố mẹ thể hiện hoặc phản ứng với tình huống của người khác.

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 6

Trường hợp trẻ gặp khó khăn trong việc nhận thức và quản lý cảm xúc, bố mẹ nên hướng dẫn, can thiệp như thế nào để giúp con vượt qua?

Khi con gặp khó khăn trong nhận thức và quản lý cảm xúc, bố mẹ nên nhẹ nhàng tiếp cận, an ủi, động viên và khuyến khích con nói ra cảm xúc của mình.

Chấp nhận mọi cảm xúc mà con có, lựa lời hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề, giải toả cảm xúc và hướng dẫn cách ứng phó và thể hiện cảm xúc một cách thích hợp.

Nên tránh đánh giá con hay cảm xúc của con là không phù hợp hay hỗn láo, tức giận hay bỏ bê con. Như vậy, chúng ta cần can thiệp giúp con có cách thức thể hiện bằng hành vi cho phù hợp chứ không đàn áp cảm xúc của con.

Có chăng là giải thích để con hiểu đúng bối cảnh thực tế, khơi gợi sự đồng cảm, lòng thương người ở con để bỏ qua những thiếu sót, sai lầm của người khác.

Đặt mình trong vị trí của người khác để hiểu cảm xúc của họ và lựa cách phản ứng cho phù hợp. Như vậy, bố mẹ vừa giúp con chấp nhận cảm xúc ở mình, vừa giúp con thể hiện cảm xúc hiệu quả.

Chuyên gia tâm lý: Trẻ EQ thấp khó thành công, đây là cách để thay đổi - 7

Chuyên gia: Bố mẹ yêu con không phải là cách tốt nhất để con cảm nhận được yêu thương, hãy nói theo kiểu này
Thực tế, có nhiều cách thể hiện tình yêu thương với trẻ mang lại hiệu quả tốt, không kém câu "Bố mẹ yêu con".

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm