Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và hành vi. Bố mẹ cần kịp thời khắc phục trước khi con trưởng thành.
Thực tế, tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn chiếm tỉ lệ đáng lo ngại. Suy dinh dưỡng sẽ cản trở quá trình phát triển toàn diện và tăng trưởng bình thường ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và trí tuệ của trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính phương pháp nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ. Sự hời hợt trong vấn đề bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho con ngay từ giai đoạn thai kỳ cho đến những tháng đầu đời, đã dẫn đến hệ lụy em bé bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi.
Bên cạnh nguyên nhân lớn này, còn có một số nguyên nhân khác cũng “góp phần” tác động tiêu cực đến tình trạng trên. Để kịp thời phát hiện sự bất thường của trẻ, dễ dẫn đến việc trẻ bị suy dinh dưỡng, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ cần đặc biệt lưu ý 4 dấu hiệu sau, trong đó dấu hiệu thứ 4 rất phổ biến, nhưng lại ít người biết.
Cân nặng, chiều cao không đạt chuẩn
Trong các dấu hiệu để đánh giá quá trình phát triển thể chất của trẻ, cân nặng và chiều cao là hai nhân tố chính. Các chỉ số được đo lường sẽ nói lên tình trạng sức khỏe của trẻ. Thông thường, ở mỗi giai phát triển, trẻ sẽ dựa trên bảng tiêu chuẩn cân nặng và chiều cao riêng để có sự so sánh.
Từ đó, bố mẹ sẽ biết trẻ phát triển bình thường hay có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng. Nếu bé không đạt một trong hai chỉ số này thì bố mẹ cần xem xét lại quá trình bổ sung dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ, đồng thời đưa trẻ đến khám bác sĩ định kỳ, bởi vì rất có thể trẻ đang mắc một số bệnh nào đó.
Để theo dõi sát sao hơn và đứa ra biện pháp xử lý nhanh chóng, cách tốt nhất là bố mẹ nên thường xuyên kiểm tra tốc độ tăng trưởng của trẻ để kịp nắm bắt tình hình. Trong trường hợp bố mẹ nhận thấy chiều cao và cân nặng của trẻ chậm phát triển, hoặc đứng yên trong vòng từ 2 đến 3 tháng liên tiếp thì đây chính là dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, dựa trên tiêu chí độ lệch chuẩn của cân nặng và chiều cao trẻ tại thời điểm đó, so với cân nặng tiêu chuẩn trung bình, nếu nhỏ hơn -2SD thì khả năng trẻ bị suy dinh dưỡng là khá cao.
Bố mẹ cần lưu ý kiểm tra cân nặng và chiều cao của trẻ thường xuyên, bởi vì 2 yếu tố này sẽ báo hiệu tình trạng tăng trưởng của trẻ.
Phản ứng chậm, vận động kém
Chức năng điều hòa thần kinh ở trẻ sẽ bị rối loạn trong trường hợp tốc độ phân chia tế bào não giảm, dẫn đến việc khả năng vận động và ngôn ngữ của trẻ chậm phát triển. Đây chính là hệ quả của tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, bố mẹ quan sát thấy con có biểu hiện lơ ngơ và không phản ứng kịp mỗi khi bố mẹ phát tín hiệu, chẳng hạn như gọi tên bé hay nói chuyện cùng bé.
Lúc này, rất có thể hệ thống tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và phản xạ từ các dây thần kinh đến não bộ của trẻ đang gặp vấn đề. Bố mẹ hãy cảnh giác với tình trạng này nếu nó kéo dài, bởi vì chắc chắn cơ thể đứa trẻ đang bị thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, nguy cơ cao sẽ bị suy dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, trẻ sẽ đạt những cột mốc vận động tinh và vận động thô khác nhau, vào từng giai đoạn khác nhau. Bố mẹ có thể bước đầu xác định tình trạng trẻ có bị suy dinh dưỡng qua các giai đoạn phát triển, bằng cách tự kiểm tra kỹ năng vận động của trẻ tại nhà, chẳng hạn như thường xuyên giao tiếp với trẻ hoặc cho trẻ tiếp xúc, tương tác với các đồ vật xung quanh.
Trẻ từ 0-3 tháng có thể sử dụng đầu linh hoạt qua các tư thế nằm ngửa hay nằm sấp; trẻ từ 3-6 tháng sẽ có thị lực và thính lực phát triển nhạy bén, trẻ thích thú với đồ vật nhiều màu sắc và phản ứng lại với âm thanh; trẻ từ 6-9 tháng sẽ bước vào thời kỳ ăn dặm, nên kỹ năng ngồi hoặc bò và cầm nắm đồ vật vững hơn.
Đối với trẻ từ 9-12 tháng lúc này đã có thể tìm điểm tựa để tập đứng lên, tự xúc ăn, uống nước và tự chơi đồ chơi’ trẻ từ 1-3 tuổi sẽ phát triển kỹ năng vận động thô và vận động tinh vượt trội, như bước đi chập chững, kéo đẩy đồ vật, ném đồ chơi, leo cầu thang, cầm bút, xếp đồ chơi,...
So với trẻ phát triển bình thường, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thường sẽ vận động kém và phản ứng chậm hơn.
Kén ăn
Biếng ăn là dấu hiệu ở trẻ bị suy dinh dưỡng, mà bất kỳ ông bố mà mẹ nào khi nhắc đến cũng đều cảm thấy “ớn lạnh” và “xây xẩm mặt mày”. Mặc dù mỗi bữa ăn của bé, các mẹ đều dốc toàn bộ thời gian và sức lực để chuẩn bị một cách chuẩn chu nhất. Tuy nhiên, hầu hết trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng đều không tỏ ra hào hứng.
Ngược lại, mỗi khi bước vào giờ ăn là trẻ lại mè nheo, khóc lóc và tìm mọi cách để tránh né. Nếu bắt trẻ ăn, trẻ cũng sẽ nôn ói hoặc mất tập trung, chỉ đồng ý ăn những thực phẩm quen thuộc và tuyệt đối không muốn thử món ăn mới,... Tình trạng giờ ăn kéo dài như một cuộc chiến, khiến không ít ông bố bà mẹ phải lắc đầu ngán ngẩm.
Khi trẻ có biểu hiện không hứng thú với mỗi bữa ăn và tìm cách từ chối thức ăn, mẹ nên cảnh giác nếu không muốn con bị suy dinh dưỡng.
Mệt mỏi, dễ cáu gắt
Trên thực tế, dấu hiệu thứ tư này rất phổ biến và dễ nhận thấy nhất, tuy nhiên không có nhiều ông bố mà mẹ quan tâm đến nó. Bởi vì sự chủ quan của bố mẹ, nghĩ rằng đứa trẻ nào chả có lúc mệt mỏi, dễ cáu gắt, đây là tâm sinh lý bình thường, tuy nhiên họ lại không lường trước được tai hại của nó nếu như nó vẫn tiếp tục kéo dài.
Bởi vì không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì năng lượng, vậy nên trẻ nhỏ sẽ thường có biểu hiện mệt mỏi, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và hay tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu. Khả năng tương tác của trẻ với xã hội cũng hạn chế, cả ngày mang tâm trạng ủ rũ, chỉ thích một mình thay vì cùng chơi với các bạn.
Ngoài các dấu hiệu cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng trên, bố mẹ cũng không nên chủ quan khi trẻ thường xuyên mắc các bệnh như cảm vặt, viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ, hoặc các bệnh lý nhiễm trùng nhưng lâu lành vết thương… Bên cạnh đó tình trạng thiếu vitamin dẫn đến giảm thị lực, khô mắt, đau bụng, tiêu chảy,... cũng là các nguy cơ trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Bởi vì thiếu dinh dưỡng, vì vậy trẻ sẽ không có năng lượng để hoạt động, dẫn đến cảm xúc cũng thay đổi thất thường.