Có một số điều trong cuộc sống, bố mẹ nên dạy con học cách khiêm tốn.
Có người cho rằng những đứa trẻ xuất sắc nên thể hiện bản thân nhiều hơn. Điều này làm tăng sự tự tin và lan tỏa năng lượng tích cực.
Tuy nhiên, theo góc nhìn khác, thay vì mong trẻ khoe khoang về bản thân, nên chú ý phát huy điểm mạnh, rèn luyện điểm yếu ở từng giai đoạn. Vì vậy, dù trẻ có xuất sắc đến đâu, cũng không nên quá khoa trương.
Đặc biệt trong 3 khía cạnh sau đây, mẹ hãy dạy con biết cách khiêm tốn.
Thứ hạng, điểm số ở trường
Việc có thứ hạng và điểm cao đôi khi sẽ làm tăng thêm áp lực cho trẻ, buộc phải tiếp tục duy trì thành tích đó. Trong một xã hội ngày càng đề cao thành tích, trẻ thường cảm thấy cần phải hoàn hảo để đáp ứng những kỳ vọng của gia đình, giáo viên và bạn bè.
Quả thực, mỗi đứa trẻ đều có tinh thần cạnh tranh của riêng, nhưng nếu bố đánh giá quá cao về thành tích, áp lực bên trong sẽ gia tăng, dẫn đến sự lo âu và căng thẳng.
Khi trẻ dậm chân tại chỗ hoặc không còn đạt được kết quả tốt như trước, sự lo lắng sẽ xuất hiện. Trẻ có thể bắt đầu tự hỏi liệu có đủ khả năng để tiếp tục thành công hay không. Cảm giác này dẫn đến sự thiếu tự tin và sự chùn bước trong quá trình học tập và phát triển.
Vì vậy, bố mẹ tinh tế sẽ khen ngợi trẻ một cách phù hợp, hạn chế khoe khoang kết quả học tập để tránh tạo áp lực từ bên ngoài.
Thực tế, điểm số chỉ là một cách thể hiện nhất thời, không phản ánh toàn bộ khả năng của trẻ. Trẻ cần hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của cuộc sống, và điều quan trọng là cách đối mặt với những thử thách này.
Dù môi trường có tồi tệ đến đâu, trẻ cần được dạy rằng sự kiên trì và lòng quyết tâm là những yếu tố cốt lõi giúp vượt qua khó khăn.
Khi trẻ có thể mỉm cười và tự nhủ “Tôi làm được, tôi nhất định sẽ vượt qua được khó khăn này,” phát triển tính tự lập, hình thành những phẩm chất cần thiết để đối mặt với thách thức trong tương lai.
Tài năng
Nếu trẻ quá nổi tiếng, sẽ dễ dàng trở thành chủ đề thảo luận trong câu chuyện của người khác. Sự nổi bật này có thể mang lại nhiều áp lực, cảm thấy phải luôn duy trì hình ảnh hoàn hảo hoặc thành tích xuất sắc để không làm mất lòng những người xung quanh.
Do đó, việc nuôi dưỡng sự tự tin và tài năng của trẻ là điều rất tốt, nhưng bố mẹ cần phải biết sử dụng điều này đúng hoàn cảnh.
Bởi không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ngay cả người lớn cũng thường bị chê trách vì những thiếu sót, và trẻ em cũng không ngoại lệ.
Vì vậy, bố mẹ không nên khoe khoang tài năng của con một cách thái quá trước người thân hay bạn bè. Dù trẻ có tài năng xuất sắc đến đâu, việc giữ khiêm tốn cũng rất quan trọng, để trẻ có thể tập trung vào việc phát triển bản thân hiệu quả hơn.
Những thành tích hay tài năng nhất thời có thể dễ dàng bị lãng quên nếu không được nuôi dưỡng đúng cách. Càng tỏa sáng trước mặt người khác, trẻ càng dễ dàng trở thành mục tiêu cho sự ghen tị, phê phán hay thậm chí là áp lực từ xã hội.
Điều mà cha mẹ nên làm là để con cái trải nghiệm cuộc sống thực tế. Trẻ cần có cơ hội để tìm hiểu bản thân, khám phá sở thích và phát triển kỹ năng mà không bị áp lực từ bên ngoài.
Tiền tiêu vặt
Bố mẹ không nên khuyến khích trẻ khoe khoang về số tiền tiêu vặt mà mình có, vì hành động này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Khi trẻ thường xuyên phô trương về tài chính, có thể phát triển thói quen so sánh bản thân với người khác, từ đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong mối quan hệ bạn bè và gia đình.
Điều này gây áp lực cho trẻ, phải chứng minh bản thân qua tài sản vật chất hơn là qua những giá trị tinh thần như lòng nhân ái, sự khiêm tốn và sự tôn trọng.
Thêm vào đó, việc khoe khoang về số tiền tiêu vặt có thể khiến trẻ trở nên tự mãn và thiếu quan tâm đến những vấn đề lớn hơn trong cuộc sống. Trẻ có thể trở nên quá chú trọng vào vật chất, thiếu đi sự thấu hiểu về chia sẻ và lòng biết ơn.
Thay vào đó khuyến khích trẻ chia sẻ về những trải nghiệm từ việc sử dụng số tiền tiêu vặt, chẳng hạn như tham gia vào các hoạt động cộng đồng, mua sắm những món quà cho bạn bè hay gia đình, hoặc tiết kiệm tiền để thực hiện một ước mơ nào đó.