Bố mẹ nên dạy trẻ cách xử lý EQ cao trong một số tình huống giao tiếp với bạn ở trường.
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống cũng như trong môi trường học đường.
Trẻ có EQ cao giúp phát triển khả năng nhận diện, hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình cũng như của người khác. Từ đó, bản thân trẻ ứng xử tốt hơn trong các tình huống xã hội, góp phần tạo dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè và thầy cô. Vậy EQ cao mang đến cho trẻ điều gì?
Trẻ có EQ coa thường biết cách kết nối tốt các mối quan hệ.
- Trẻ có khả năng nhận diện và hiểu rõ cảm xúc của bản thân và người khác, phản ứng một cách phù hợp trong các tình huống giao tiếp.
- Trẻ biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, tránh để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến hành vi và quyết định.
- Trẻ biết cách xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với bạn bè, thầy cô và các thành viên trong gia đình.
-Trẻ có khả năng giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và hiệu quả, giảm thiểu xung đột và tạo ra một môi trường học tập tích cực.
Khi bố mẹ tạo ra một môi trường an toàn, dạy trẻ nhận diện và quản lý cảm xúc, khuyến khích thảo luận và thực hành kỹ năng giao tiếp, là điều kiện thuận lợi để phát triển thành người có khả năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và giải quyết xung đột ở trường học hiệu quả
Như chúng ta đã biết, EQ cao là chìa khóa dẫn đến thành công trong học tập, cũng như nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ trong tương lai. Đặt trường hợp trẻ xảy ra xung đột với bạn bè tại trường học, lúc này bố mẹ nên hướng dẫn con cách điều chỉnh. Vì vậy, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui gợi ý cách xử lý cũng như việc nuôi dưỡng trẻ EQ cao trong cuộc sống sau này.
Trí tuệ cảm xúc (EQ) đóng vai trò như thế nào trong việc giao tiếp hiệu quả giữa trẻ với bạn bè ở trường?
Chúng ta cần hiểu rõ trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng một người nhận biết, quản lý bản thân tốt. Ví dụ, quản lý thời gian, cảm xúc, tài chính, và khả năng tự vực dậy bản thân...
Hai phạm trù cảm xúc liên quan đến yếu tố tương tác giữa các mối quan hệ xung quanh là khả năng thấu cảm, đặt mình vào vị trí của người khác. Đồng thời, khả năng giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh, hay trong môi trường sống.
Như vậy, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đứa trẻ có giao tiếp tốt, kết nối hiệu quả với bạn bè xung quanh hay không. Hay khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ lâu dài.
Khi trẻ gặp phải tình huống khó xử hoặc xung đột với bạn bè, bố mẹ dạy trẻ cách phản ứng ra sao để rèn luyện EQ cao? (Ví dụ trường hợp trẻ bị bạn vu oan lấy đồ chơi...)
Tùy vào độ tuổi và phong thái của trẻ để bố mẹ day con hiệu quả. Tất nhiên, những kỹ năng cơ bản mà gia đình và nhà trường cần dạy trẻ. Ví dụ, bên cạnh giao tiếp, thì kỹ năng từ chối, góp ý kiến, tự bảo vệ bản thân trước bạo lực, quấy rối...
Khi trẻ gặp phải tình huống khó xử, có thể dẫn chứng tình huống bạn mượn hoặc xin một món đồ mà trẻ thích, lúc này trẻ cần nhận biết rõ bản thân có thực sự thích món đồ này không, đến mức không thoải mái khi cho mượn. Khi trẻ xác định đúng là "rất thích" và không muốn cho đi, hãy dạy trẻ cách nói lời từ chối phù hợp, hiệu quả và ý nghĩa.
Trường hợp khác, trẻ bị bạn bè vu oan lấy đồ chơi, lúc này trẻ biết cách để tự vệ cho bản thân, hay khi nào cần nhờ đến giúp đỡ của thầy cô. Nếu trẻ gặp xung đột với bạn, bố mẹ cần dạy con cách phản ứng phù hợp, để biết rằng xung đột thể hiện điều gì về mối quan hệ này, trẻ nên tiếp tục chơi với bạn hay không.
Nếu trẻ biết cách giải quyết xung đột, đây cũng là nền tảng tốt để học cách giao tiếp, lắng nghe ý kiến người khác, bày tỏ quan điểm của mình, từ đó giúp trẻ thiết lập lại mối quan hệ lành mạnh.
Chuyên gia có thể đưa ra những bài tập hoặc hoạt động nào giúp trẻ thực hành kỹ năng giao tiếp và tăng cường EQ?
Về bài tập EQ cần rèn luyện theo 2 hướng: Về bên trong và bên ngoài.
- Hướng về bên trong: Hãy giúp trẻ tự hỏi chính mình, đang nghĩ gì, có cảm như thế nào,... nhằm kết nối với bản thân để nhận biết xác định đâu là điều trẻ cần và muốn làm. Ví dụ, đứng trước lựa chọn, trẻ xác định đây là món đồ cần hay chỉ thích.
- Hướng ra bên ngoài: Tùy vào tính cách, trẻ hướng nội hay hướng ngoại. Nhưng cơ bản, vẫn cần dạy trẻ biết kỹ năng thiết lập một mối quan hệ bạn bè, cách bắt chuyện, tìm kiếm điểm chung để kết nối, hay cách nói lời từ chối mà không làm mất lòng đối phương.
Ví dụ trường hợp trẻ được bạn mời tham gia hoạt động vui chơi, nhưng bản thân trẻ không muốn, có thể trả lời theo cách sau, "Mình cảm ơn bạn đưa ra gợi ý đó, mình đoán là bạn rất tin tưởng để mời mình tham gia hoạt động này, nhưng tiếc là hiện tại mình phải học bài, nên không thể tham gia được".
Tức là, bố mẹ dẫn chứng một số tình huống cụ thể, để trẻ học cách nói lời từ chối, lời khen ngợi, góp ý, xin lỗi... phù hợp.
Trẻ có thể học cách đặt câu hỏi mở để khuyến khích bạn bè chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ không? Nếu có, gợi ý một số câu hỏi?
Điều này nên được khuyến khích. Hãy dạy trẻ biết thay đổi từ câu hỏi đóng sang câu mở, sẽ tạo ra cơ hội giao tiếp, kết nối xung quanh tốt hơn.
Một số câu gợi ý như.
- Thay vì trẻ hỏi câu đóng "Bạn có thích ăn bánh mì không?" hãy thay bằng "Bạn thích ăn món gì nhất?"
- "Bạn có vui không?" hãy thay bằng "Bạn cảm thấy như thế nào?",
- "Bạn có đồng ý cho mình chơi chung?" thay bằng "Mình tham gia chơi trò này cùng các bạn nhé!"...