Thực ra trẻ đạp chăn là một hiện tượng phổ biến, bố mẹ không nên quá lo lắng, mà cần chú ý đến tình trạng tâm lý, thể chất của trẻ để giúp bé có giấc ngủ chất lượng hơn.
Hầu như bố mẹ nào cũng thường chứng kiến hình ảnh, khi bé ngủ say, bé sẽ bắt đầu lăn lộn khắp giường, khác hẳn lúc mới đi ngủ, bé vẫn ngoan ngoãn nằm trên gối. Nhưng 1 tiếng sau kiểm tra lại, bé đã lật tung cả cái giường, nếu trường hợp giường không có lan can, bé chắc chắn sẽ ngã xuống đất.
Nhiều bà mẹ phàn nàn rằng, bản thân đã không có một giấc ngủ trọn vẹn kể từ khi sinh em bé. Bởi vì, đêm nào bé cũng lăn lộn trên giường. Ngoài việc đắp chăn cho con cả chục lần, không ít ông bố bà mẹ còn trải qua cảm giác đau đớn khi chân con đập vào mặt mình.
Mặc dù, nhìn thấy đứa bé ngủ say trông đáng yêu như vậy, trong lòng bố mẹ sẽ có một luồng ấm áp đến lạ. Nhưng khi bé đạp chăn, lăn lộn trên giường, ngủ không ngon giấc, nhiều bà mẹ không thể kiềm chế được cảm xúc, mà bộc lộ sự tức giận và bất lực.
Tuy nhiên trên thực tế, theo các chuyên gia và bác sĩ thì trẻ luôn có hành động đá chăn lăn lộn trên giường khi ngủ, đó có thể là trẻ đang truyền tín hiệu bí mật cho bố mẹ về trạng thái của bản thân lúc đó. Mặc dù hành động này rất phổ biến ở trẻ nhỏ, và cũng không có vấn đề gì quá nghiêm trọng khiến bố mẹ lo lắng. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần chú ý đến tình trạng tâm lý, thể chất của trẻ để phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề tiềm ẩn.
Lý do khiến trẻ thích đạp chăn khi ngủ
"Con nóng quá"
Nếu trẻ cảm thấy nóng, trẻ sẽ thường đạp chăn để dễ chịu hơn. Do trẻ nhạy cảm với việc cảm nhận nhiệt độ và có quá trình trao đổi chất mạnh mẽ, nên nếu mặc nhiều hoặc đắp nhiều chăn lên người, trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi khiến trẻ rất khó chịu.
Đặc biệt về mặt sinh lý mà nói, bàn chân là nơi xa tim nhất nên máu khó lưu thông trong thời gian ngắn, nhưng điều này không có nghĩa là bàn chân sẽ không bị nóng. Đặc biệt với những trẻ đã quen đi tất khi ngủ, bề mặt bàn chân chứa nhiều mao mạch cũng cần được hô hấp. Ngay cả khi bạn ngủ như vậy, bàn chân của trẻ sẽ nóng lên, điều này sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ rất nhiều.
Sau khi đá chăn ra, nhiệt độ xung quanh giảm xuống, bé sẽ cảm thấy mát mẻ hơn nên tự nhiên giấc ngủ cũng trở nên ngon lành và không còn quấy nữa. Nhiều bậc bố mẹ luôn lo lắng con mình khi ngủ sẽ bị cảm lạnh, nên luôn mặc quần áo dày hoặc đắp chăn dày cho con, nhưng điều này lại không có lợi cho sự tản nhiệt của da bé. Nếu đổ nhiều mồ hôi, bé sẽ dễ bị cảm lạnh hơn.
Vì vậy, khi bé ngủ, bố mẹ có thể đắp chăn cho bé tuỳ vào tình hình nhiệt độ trong phòng lúc đó, nhưng đừng quá dày, có thể mỏng hơn chăn của bố mẹ một chút, như vậy bé vừa không bị lạnh, cũng không cảm thấy khó chịu vì nóng. Nếu bố mẹ thực sự lo lắng có thể sờ tay, chân, gáy của bé, nếu những bộ phận này ấm tức là bé đã ấm và không cần đắp chăn quá kỹ.
Nếu trẻ cảm thấy nóng, trẻ sẽ thường đạp chăn để dễ chịu hơn.
"Con muốn tìm mẹ"
Khi bé ngủ một mình thường có cảm giác bất an hoặc cảm thấy xung quanh vắng vẻ, không có mùi hương quen thuộc nên sẽ cảm thấy bứt rứt. Đứa bé quẫy đạp, lăn lộn khắp giường, là vì đang muốn tìm mẹ.
Mối quan hệ thân mật giữa trẻ sơ sinh và mẹ là bẩm sinh, sau khi trẻ được sinh ra, trẻ sẽ được bú sữa mẹ và ở bên mẹ, mẹ là sự tồn tại ấm áp và an toàn trong thế giới của trẻ nhỏ. Vậy nên, Khi bé lăn lộn khắp giường hoặc đạp tung chăn, mẹ có thể đến vỗ về bé và nói vài lời với bé xem bé có thể bình tĩnh lại và ngoan ngoãn ngủ tiếp không?
Mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho bé để bé yên tâm đi vào giấc ngủ ngon, lúc này cũng có thể tranh thủ kiểm tra xem bé có cần thay tã hay đã đến giờ bú chưa, xác nhận xem bé có cần sự giúp đỡ gì từ mẹ. Như vậy, mẹ mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ, và bé sẽ tự động ngủ ngoan hơn sau khi vấn đề của bản thân đã được giải quyết.
"Bụng con đau quá"
Nhiều bé sau khi bú xong đi ngủ thường thấy bụng khó chịu hoặc đầy hơi, lúc này bé sẽ đá chăn hoặc quay người để thu hút sự chú ý của mẹ. Sau khi loại trừ các yếu tố ngoại cảnh như chăn dày, mặc quần áo không thoải mái, mẹ có thể thử xoa bụng hoặc vỗ nhẹ vào người bé để bé dễ chịu hơn.
Lúc này, mẹ cần quan sát kỹ biểu hiện của bé, để phát hiện kịp thời con có đang mắc bệnh về đường tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, viêm dạ dày hoặc dị ứng với thực phẩm,... và hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để kiểm tra.
"Con muốn tự do, không muốn nằm im một chỗ"
Với những bé lớn hơn, có thể bé thích tự do, không muốn nằm lâu một chỗ nên muốn vươn vai, vận động thoải mái hơn. Đó là lý do mà việc đá tung chăn, lăn lộn khắp giường đã trở thành “bài tập” yêu thích của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh khi ngủ cũng có thể nằm mơ, trong giấc mơ có thể hóa thân thành hoàng tử nhỏ hay nàng tiên xinh đẹp, hoặc có thể gặp yêu quái nên cơ thể sẽ lắc lư theo giấc mơ. Nằm mơ cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ, dẫn đến cáu kỉnh, giãy giụa, đây cũng là một cách giải tỏa căng thẳng, áp lực.
Khi bé đạp tung chăn, lăn lộn khắp giường, bố mẹ đừng tỏ ra bực tức. Vì rất có thể trẻ đang gửi tín hiệu cho bố mẹ về tình trạng lúc đó của bản thân, vậy nên bố mẹ cần chú ý đến hành động của trẻ và có biện pháp xử lý tương ứng.
Tư thế nằm im, nằm 1 chỗ dễ khiến trẻ bị mỏi, vì vậy trẻ sẽ đạp tung giường để cảm thấy thoải mái hơn.
Bố mẹ cần làm gì khi trẻ thường đạp chăn khi ngủ, lăn lộn khắp giường?
Môi trường phòng ngủ thoải mái
Một môi trường thoải mái là bước đầu tiên để trẻ đi vào giấc ngủ. Trẻ em khác với người lớn và có những yêu cầu khác nhau về môi trường ngủ. Chủ yếu là nhiệt độ và độ ẩm, ví dụ nhiệt độ quá cao thì trẻ sẽ cảm thấy nóng, nếu nhiệt độ quá thấp trẻ sẽ dễ bị tỉnh giấc vì quá lạnh. Nhiều khảo sát cho thấy, khi trẻ ngủ nên kiểm soát nhiệt độ ở mức 20°C-25°C là thích hợp nhất.
Thứ hai là độ ẩm trong phòng ngủ, quá khô hoặc quá ẩm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ mà còn dễ gây ra bệnh chàm hoặc tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Do đó, nếu muốn con có giấc ngủ thoải mái, độ ẩm không khí nên được kiểm soát trong khoảng từ 45% đến 60% càng tốt.
Tránh để trẻ quá phấn khích trước khi đi ngủ
Bố mẹ nên dành một khoảng thời gian trước khi đi ngủ cho trẻ, để giúp con giải tỏa cảm xúc phấn khích, không nên để con đi ngủ ngay sau khi chơi, bằng cách cho trẻ nghe nhạc piano êm dịu, hoặc có thể đọc sách để giúp con rèn luyện trí óc, thói quen tốt.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên nói về những điều vui vẻ đã xảy ra vào ngày hôm đó, chủ động giao tiếp với con để hiểu suy nghĩ của con. Thời gian của bố mẹ và con cái trước khi đi ngủ cần một môi trường yên tĩnh và thoải mái, để trẻ nghỉ ngơi với một tâm trạng vui vẻ hơn. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tránh được cảm xúc phấn khích trước khi đi ngủ, giảm số lần ngủ không ngon và đạp chăn của trẻ.
Không ăn quá no trước khi đi ngủ
Tốt nhất là bố mẹ nên cho trẻ nhịn ăn nửa tiếng trước khi đi ngủ, vì hệ tiêu hóa của trẻ còn tương đối non yếu. Nếu trẻ ăn trước khi đi ngủ thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng táo bón, trẻ không tiêu hóa được và gây ra tình trạng tích tụ thức ăn.
Đó thực sự là một căn bệnh gây "ám ảnh" của trẻ, vì vậy bố mẹ đừng để con mình khổ sở vật lộn với các bệnh về dạ dày như thế. Bởi một khi hệ tiêu hoá có vấn đề, các bộ phận khác trên cơ thể cũng sẽ cạn kiệt năng lượng, khiến trẻ sụt cân nhanh chóng, nuôi mãi không lớn.
Bụng quá no trước khi ngủ dễ khiến trẻ bị nặng bụng, đầy hơi hoặc trớ, rất khó đi vào giấc ngủ ngon.