Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà

Thi Thi - Ngày 24/07/2024 09:13 AM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên để bố mẹ hiểu hơn về vấn đề có nên hỏi trẻ “Trong nhà này, con yêu ai nhất?”

Nhiều phụ huynh, người lớn tuổi thường hỏi trẻ "Trong nhà này, con yêu ai nhất?" hay "Con yêu bố hay mẹ hơn?". Tuy nhiên, đối với với con cái, bố mẹ là những người quan trọng, không thể thay thế được. Việc đặt ra những câu hỏi trên vô tình khiến trẻ rơi vào tình huống khó xử.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy, đối với những câu hỏi lựa chọn, trẻ sẽ thiên vị và có xu hướng chọn đáp án thứ hai, là từ được phát ra sau cùng nghe thấy rõ ràng nhất. Hiện tượng này được gọi là vòng lặp âm vị trong trí nhớ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngay cả khi lựa chọn thứ hai là lựa chọn trẻ không thích, vẫn có xu hướng chọn lựa chọn này hơn lựa chọn đầu tiên.Điều này có thể được lý giải là do cách não bộ con người tiếp nhận và lưu trữ thông tin.

Khi nghe một câu hỏi yêu cầu lựa chọn, phần cuối của câu hỏi thường được ghi nhớ rõ ràng hơn, nên trẻ sẽ dễ dàng chọn lựa chọn cuối cùng, ngay cả khi đó không phải là lựa chọn ưa thích.

Vậy theo góc nhìn tâm lý, bố mẹ có nên hỏi trẻ những câu hỏi trên? Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra những nhận định để bố mẹ hiểu hơn về vấn đề này, cũng như trẻ cảm thấy được an toàn, ổn định bên cạnh bố mẹ, dù gia đình có những thay đổi.

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 2

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 3

Thưa chuyên gia, vì sao người lớn thường thích đặt câu hỏi lựa chọn cho trẻ, ví dụ như “Trong nhà này, con yêu ai nhất?”, hay "Con yêu bố hay mẹ hơn"?

Những người bố mẹ đôi khi vì thương con nên cũng muốn mình được con thương hơn người còn lại, thường hay hỏi con xem con thương ai nhiều hơn, như một cách trêu đùa trong gia đình hoặc nghĩ đơn giản là hỏi cho vui thôi và vì nghĩ những câu hỏi dạng này vô hại nên thường không ngại để hỏi con. 

Rất nhiều bố mẹ hỏi con và nghe câu trả lời của con để xem như một cách thể hiện tình cảm trong gia đình theo cách tích cực.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những người bố mẹ vì có mâu thuẫn với nhau, nên muốn kéo con làm đồng minh của mình mà thăm dò con bằng những câu hỏi như thế, nhằm khiến con bênh mình chứ không ủng hộ “phe kia”.

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 4

Theo chuyên gia, câu trả lời của trẻ có thể phản ánh những điều gì về tâm lý, cảm xúc và những mối quan hệ trong gia đình không?

Nếu như câu hỏi của bố mẹ chỉ là những câu hỏi vui vẻ trong gia đình thì khi trẻ thân với ai hơn, được ai chăm sóc, dành thời gian chơi cùng, nói chuyện với trẻ nhiều hơn thì trẻ sẽ quý người đó hơn.

Tuy nhiên, có rất nhiều em bé tinh tế, biết cách trả lời làm cả bố và mẹ đều vui lòng, kiểu: “con thương cả bố và mẹ như nhau”. 

Nếu như câu hỏi mang tính ganh nhau giữa bố mẹ và nhằm mục đích lôi kéo trẻ vào phe này để công kích phe kia thì lúc này câu trả lời của trẻ sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí chung của gia đình, sẽ có những cảm xúc khó chịu và bực bội từ phía phụ huynh, hoặc cảm giác khó xử, thậm chí mặc cảm tội lỗi với người kia nếu trả lời yêu người này hơn.

Nghĩa là, không phải câu trả lời của trẻ ảnh hưởng đến bố mẹ hay mối quan hệ giữa hai người mà chính mối quan hệ hôn nhân ảnh hưởng đến mục tiêu câu hỏi và qua đó tác động đến bầu không khí của gia đình.

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 5

Khi trẻ không muốn trả lời hoặc trả lời không như mong đợi, bố mẹ nên phản ứng và xử lý như thế nào để không làm tổn thương trẻ?

Con trẻ khi càng nhỏ tuổi thì câu trả lời càng đơn giản, đôi khi mang tính cảm xúc nhất thời và không có suy nghĩ sâu xa để có thể đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ hết được.

 Do đó, rất có thể có những lúc câu trả lời của con không hài lòng bố mẹ. Lúc này, bố mẹ có thể nghe câu trả lời mà không có suy diễn gì thêm, chỉ đơn giản là ghi nhận cảm xúc ngay lúc này của con.

Đồng thời, có thể mời con chia sẻ thêm lý do vì sao con lại nói như thế để hiểu góc nhìn của con thêm, từ đó điều chỉnh nhận thức của con và hành vi của bố mẹ (nếu cần).

Tuyệt đối không tỏ ra áp lực, giận dỗi với con vì con thương mình ít hơn người kia, điều đó sẽ làm con cảm thấy có lỗi và áp lực phải nói điều trẻ không thực sự cảm nhận hoặc suy nghĩ vào những lần tiếp theo.

Bố mẹ có thể dạy trẻ cách trả lời những câu hỏi như thế nếu được người thân quen hỏi, để trẻ biết phải thể hiện cảm xúc yêu thương như thế nào, không so sánh tình cảm với bố mẹ theo kiểu xếp hạng nhất nhì, giúp con tránh khỏi những tình huống khó xử.

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 6

Thay vì hỏi những câu trên, bố mẹ có thể làm gì để củng cố tình cảm gia đình, cũng như giao tiếp lành mạnh với con?

Con cái chúng ta đều mong đợi được yêu thương từ cả cha và mẹ, thật khó cho con khi buộc phải lựa chọn xem con yêu thương ai nhiều hơn. Vậy nên, bố mẹ nên tránh hỏi những câu như thế này.

Thay vào đó, sẽ thể hiện bằng lời nói và sự mô tả bố/ mẹ yêu con nhiều như thế nào, và bố mẹ cũng yêu nhau nhiều thế nào, để con học cách thể hiện tình cảm cũng như cảm nhận được sống trong tình yêu thương và hạnh phúc gia đình.

Luôn cho con biết mỗi người cha/ mẹ đều yêu con theo cách riêng, bản thân thực hiện và dạy con cách quan tâm, thể hiện tình yêu thương với người khác để mỗi người trong gia đình đều cảm nhận được sự ấm áp và yêu thương từ những thành viên trong gia đình. Có như vậy, khi con lớn lên, con biết cách yêu thương và thể hiện tình yêu thương một cách tích cực và lành mạnh với mọi người xung quanh mà con yêu mến

Hỏi trẻ “Con yêu bố hay mẹ hơn?” tưởng đùa vui nhưng vô tình làm tổn thương cả nhà - 7

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia