Những lời nói tích cực của bố mẹ có thể khuyến khích, giúp trẻ tăng sự tự tin, can đảm hơn.
Một số bậc phụ huynh tin rằng cứ tạo áp lực cho con thì trẻ sẽ sửa sai và tiến bộ hơn, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Nếu trẻ thường xuyên bị người lớn từ chối sẽ khiến trẻ mặc cảm, không tự tin về bản thân, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí tuệ và phát triển tài năng của trẻ, đặc biệt là quá trình học tập về sau.
Trong đó, lời nói tích cực của bố mẹ có thể khuyến khích, giúp trẻ tăng sự tự tin, can đảm hơn. Trẻ lên 3 tuổi đã bắt đầu nhận thức, giai đoạn này trẻ khám phá, học hỏi, tiếp thu, phạm lỗi, sửa sai và khôn lớn. Đây là những điều kiện cần thiết trẻ phải trải qua để tạo nền tảng vững chắc cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Vì vậy, muốn con trở thành người giỏi giang, học hành thành tài mẹ hãy thường nói điều này từ khi con lên 3 tuổi, sẽ tạo động lực lớn cho con.
''Mẹ tin vào con''
Trẻ em giống như một tờ giấy trắng và là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Nếu bố mẹ mất niềm tin vào con sẽ kiến con đánh mất sự tự tin của bản thân. Không những thế, điều này còn khiến trẻ có suy nghĩ rằng con không thể làm được điều gì để bố mẹ tự hào.
Đồng thời, nếu bố mẹ không tin tưởng con cái sẽ khiến cho trẻ thất vọng và buồn bã. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy không được bố mẹ tôn trọng yêu thương và chính bản thân cũng không xứng đáng nhận được bất cứ tình cảm đặc biệt nào từ người khác.
Vì vậy, bố mẹ nên hỗ trợ con khám phá thế giới một cách đúng đắn, khi trẻ muốn làm điều gì đó, phản ứng đầu tiên của bố mẹ không phải là phản đối mà là hỏi nguyên nhân tại sao trẻ muốn làm, sau đó đưa ra gợi ý phù hợp. Lưu ý, không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu, tiêu chuẩn cho con.
Nếu bố mẹ thường nói những câu ''Bố mẹ tin con'', ''Mẹ tin con làm được'' sẽ tạo thêm động lực lớn cho trẻ phấn đấu. Với sự hỗ trợ của bố mẹ, trẻ sẽ không còn rụt rè khi làm mọi việc, đây cũng là thời điểm tốt để rèn luyện cho trẻ phát triển tư duy độc lập và ý thức đổi mới, đồng thời cũng là cơ hội tốt để rèn luyện cho trẻ khả năng tự mình khám phá thêm nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
''Thất bại cũng không sao, con có thể bắt đầu lại'
“Thất bại là mẹ thành công”, bố mẹ cần dạy con chân lý này. Không có thành công nào mà không có thất bại, và học hỏi từ thất bại là điều quan trọng nhất.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Developmental Cognitive Science chỉ rằng, sau khi mắc sai lầm, trẻ có tư duy mở biểu hiện phản ứng não lớn hơn so với trẻ có tư duy đóng. Trẻ cũng có nhiều khả năng cải thiện bản thân hơn sau đó.
Thất bại là không thể tránh khỏi trong quá trình trẻ lớn lên. Nhưng bằng cách tập trung vào điều gì sai và cách khắc phục, trẻ có tư duy mở hoàn toàn đủ sức biến thất bại thành trải nghiệm học hỏi tích cực.
Khi trẻ làm điều gì chưa tốt, bố mẹ không nên vội tỏ thái độ trách mắng hay thất vọng. Hãy cố gắng duy trì thái độ tích cực đối với con cái, có thể trau dồi kỹ năng ứng phó của trẻ tốt hơn, điều này cũng rất hữu ích để nâng cao sự phát triển trí tuệ.
Ví dụ, nếu trẻ chưa thể tự mình mặc được chiếc áo hay cột dây giày, mẹ hãy động viên con, hoặc hướng dẫn lại để con làm tốt hơn vào lần sau.
''Hãy làm những gì con yêu thích''
Khi con còn nhỏ, bố mẹ nên chú trọng đến việc nuôi dưỡng sở thích của trẻ. Sự hứng thú có thể giúp trẻ làm tốt hơn việc gì đó. Ví dụ, nếu nếu con bạn thích vẽ hãy để con được vẽ, đừng ép con đọc sách.
Có câu “Sự quan tâm là người thầy tốt nhất”, thực tế mỗi đứa trẻ đều có những năng khiếu khác nhau, khi trẻ tỏ ra rất yêu thích điều gì đó, bố mẹ không nên ngăn cản mà hãy khuyến khích và giáo dục đúng hướng cho con được phát huy tài năng.
Hãy thường xuyên hỏi về những điều các em muốn thực hiện và nghề nghiệp mơ ước của các em. Đôi lúc câu trả lời có thể viển vông nhưng đây là khởi đầu cho con đường khám phá tài năng của trẻ. Những câu hỏi này yêu cầu trẻ phải tự hỏi lại chính mình và hình thành nhận thức ban đầu ước mơ của bản thân.
Nếu có điều kiện, bố mẹ đăng ký cho trẻ tham gia các hoạt động năng khiếu, sự kiện cộng đồng hay chỉ đơn giản là dạy con cách quan sát những người tài năng ở các lĩnh vực khác nhau để đa dạng hóa trải nghiệm cho con.
Trên thực tế, đối với học tập của con cái, ngoài việc thể hiện sự quan tâm, bố mẹ cũng nên giao tiếp với trẻ nhiều hơn, khi hiểu tâm tư của con thì sẽ có những định hướng giáo dục đúng đắn giúp trẻ học tập và rèn luyện bản thân tốt hơn.