Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải

Kiều Trang - Ngày 21/11/2023 09:12 AM (GMT+7)

Trẻ có tính chiếm hữu cần được bố mẹ giáo dục phù hợp để phát triển lành mạnh trong tương lai.

Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải - 1

Nhiều trẻ trong quá trình phát triển tính cách có xu hướng nghĩ rằng mọi thứ trên thế giới đều thuộc về mình, từ đó hình thành tính chiếm hữu. Đứa trẻ thường mang tâm lý lo lắng, lập tức phản ứng gay gắt khi người khác chạm vào đồ của mình mà không được phép. Hoặc khi có ấn tượng với một thứ gì đó, dù không phải thuộc sở hữu của mình thì trẻ vẫn ra sức tranh giành để có được nó.

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, tính chiếm hữu là cảm xúc bình thường của mọi trẻ nhỏ, sẽ cải thiện dần theo độ tuổi. Trẻ sẽ thoát khỏi lối suy nghĩ “cho mình là trung tâm” và cảm xúc chiếm hữu cũng sẽ giảm đi khi lớn.

Trẻ có tính chiếm hữu cần được bố mẹ nuôi dạy đúng cách để phát triển lành mạnh (Ảnh minh hoạ).

Trẻ có tính chiếm hữu cần được bố mẹ nuôi dạy đúng cách để phát triển lành mạnh (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục sớm cho con, tâm lý chiếm hữu thường không được các bậc bố mẹ chú ý. Điều này khiến nhiều phụ huynh dễ mắc sai lầm trong việc giáo dục con cái, chẳng hạn như quát mắng, ép buộc hoặc thậm chí dùng đến bạo lực khi đứa trẻ có hành vi chiếm hữu.

Từ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ không hài lòng, nảy sinh chống đối, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái ngày càng gay gắt. Cũng vì như thế mà quá trình giáo dục con trẻ trở nên khó khăn hơn với nhiều bậc phụ huynh. Hiểu được vấn đề quan trọng, tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh đã đưa ra những phân tích chuyên môn dưới đây.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải - 4

Chuyên gia có thể cho biết nguyên nhân, biểu hiện và độ tuổi trẻ hình thành tính chiếm hữu?

Trước khi nhận xét về đặc điểm tính cách của con trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cần hiểu rõ về các đặc điểm tính khí bẩm sinh của con, và quá trình tương tác, học hỏi từ cách hành xử với mọi người xung quanh và từ trong gia đình. Những biểu hiện của tính chiếm hữu, tâm lý muốn sở hữu có nhiều yếu tố cần cân nhắc và đánh giá tổng quan từ nhiều khía cạnh.

Tính chiếm hữu ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như giai đoạn phát triển tự nhiên, sự bất an hoặc những hành vi trẻ học được từ bên ngoài. Tính cách cũng có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường của trẻ, bao gồm phong cách nuôi dạy con cái của bố mẹ và bối cảnh, cấu trúc gia đình.

Dấu hiệu của tính chiếm hữu bao gồm phải miễn cưỡng chia sẻ đồ chơi, khó trao đổi hoặc chia sẻ sự quan tâm chú ý, luôn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với một món đồ hoặc một người thân nào đó. Nếu buộc phải chia sẻ, trẻ có thể có những cơn giận dữ, chống đối, và phản ứng cảm xúc tăng cao để phản kháng.

Tính chiếm hữu thường xuất hiện ở thời thơ ấu, khoảng 2-3 tuổi, khi trẻ bắt đầu hình thành ý thức về bản sắc cá nhân và quyền sở hữu. Đây là giai đoạn phát triển bình thường nhưng có sự khác nhau ở mỗi trẻ.

Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải - 5

Vì sao trẻ từ 1 - 3 tuổi lại có tính chiếm hữu cao?

Trẻ em từ 1-3 tuổi đang trong giai đoạn phát triển nhanh về mọi mảng kỹ năng, với đặc điểm là hình thành tính tự chủ và bản sắc cá nhân riêng. Tính chiếm hữu trong giai đoạn này là biểu hiện của ý thức về bản thân, và quyền sở hữu đang nổi lên của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ đang học về ranh giới - giới hạn, và quyền tự chủ, dẫn đến sự gắn bó ngày càng cao với các món đồ.

- Theo học thuyết về phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Jean Piaget – trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển về nhận thức là:

SensoriMotor (tạm dịch: Phát triển giác quan – vận động): từ 0 – 2 tuổi

Pre-Operational (tạm dịch: Tiền thao tác): từ 2 – 7 tuổi

Concrete operational (tạm dịch: Thao tác cụ thể): từ 7 – 11 tuổi

Formal operational (tạm dịch: Thao tác trừu tượng): từ 11 tuổi đến trưởng thành

Khi bắt đầu vào giai đoạn Tiền thao tác (Pre-Operational), từ 2 tuổi, trẻ em tư duy ở mức độ tượng trưng và tượng hình, chưa biết vận dụng các thao tác nhận thức, chưa biết sử dụng logic để kết hợp, phân biệt, hoặc chuyển hoá các suy nghĩ và ý tưởng.

- Các đặc điểm nổi bật của giai đoạn ban đầu của Tiền thao tác là:

Centration – Khả năng chỉ tập trung vào 1 yếu tố, 1 khía cạnh duy nhất của 1 sự vật, sự việc. Ví dụ: nếu con đang tập trung vào số lượng các miếng bánh, con sẽ khó mà tập trung để phân biệt được miếng to, miếng nhỏ hay phân biệt theo màu sắc.

Egocentric – Xu hướng xem bản thân mình là trung tâm. Con chưa có khả năng nhìn nhận và đánh giá tình huống từ quan điểm hay cảm xúc của người khác. Con thường mặc định rằng những gì con nhìn, cảm thấy, mong muốn, suy nghĩ... cũng là điều mọi người xung quanh thấy, muốn, nghĩ như vậy. Ví dụ: nếu con muốn được ăn kem, con sẽ nghĩ là ai cũng đều muốn ăn kem giống con.

Parallel Play – Chơi song song, không phải chơi cùng nhau. Từ 1 – 3 tuổi, con có thể ở bên cạnh một bạn nhỏ khác trong cùng một phòng, thay vì chơi cùng và có tương tác qua lại. Bởi vì ở thời điểm này, con vẫn nhìn nhận tất cả mọi việc qua quan điểm và lăng kính của con.

Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải - 6

Tính chiếm hữu cao có thể gây cản trở ra sao đến sự phát triển lành mạnh của trẻ?

Tính chiếm hữu quá mức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ theo nhiều cách:

- Những thử thách trong tương tác xã hội: Tính chiếm hữu có thể dẫn đến khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ xã hội tích cực. Bạn bè cùng trang lứa có thể miễn cưỡng giao tiếp với một đứa trẻ có hành vi sở hữu, cản trở sự phát triển xã hội.

- Điều tiết cảm xúc: Trẻ có tính chiếm hữu có thể gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc, trải qua căng thẳng và thất vọng cao độ khi phải đối mặt với việc chia sẻ, hoặc nhận thấy các mối đe dọa đối với tài sản của mình.

- Khó đồng cảm: Tính chiếm hữu quá mức có thể cản trở sự phát triển của sự đồng cảm, vì trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu và xem xét cảm xúc của người khác.

- Can thiệp vào việc học: Trong môi trường lớp học, tính chiếm hữu có thể cản trở quá trình học tập, vì trẻ có thể gặp khó khăn khi tham gia vào các hoạt động hợp tác và chia sẻ.

Tiến sĩ tâm lý: Cách nhận diện một đứa trẻ có tính ích kỷ và hướng bố mẹ Việt giúp con hóa giải - 7

Một đứa trẻ có tính chiếm hữu có thể thay đổi bằng cách nào, bố mẹ nên giáo dục con ra sao để trẻ phát triển tính cách tốt?

Với tất cả các đặc điểm đã liệt kê ở trên, việc trẻ ở giai đoạn 2 – 4 tuổi chưa biết, chưa sẵn sàng chia sẻ và nhường nhịn đồ chơi của mình với bạn bè hay em nhỏ là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển nhận thức của con theo khoa học.

Vì vậy, thay vì mắng con là “ích kỷ” hay bắt ép con phải luôn biết nhường nhịn đồ chơi cho người khác, phụ huynh hãy dạy tất cả các con về việc chia sẻ khi con muốn. Dạy con biết trao đổi, biết xin phép, biết tôn trọng đồ đạc đang ở trong tay của một bạn nhỏ khác, và biết chấp nhận khi bạn hoặc em không muốn đưa đồ cho mình.

Việc thay đổi hành vi sở hữu bao gồm sự kết hợp giữa hướng dẫn của bố mẹ, và sự phát triển dần dần các kỹ năng xã hội cũng như cảm xúc của trẻ:

- Làm gương về hành vi: Bố mẹ nên làm gương về việc chia sẻ, đồng cảm qua các tương tác xã hội tích cực. Trẻ em học bằng cách quan sát và bắt chước người chăm sóc chúng.

- Giao tiếp hiệu quả: Khuyến khích giao tiếp cởi mở về cảm xúc và nhu cầu. Giúp trẻ thể hiện bản thân bằng lời nói thay vì dựa vào những hành động chiếm hữu.

- Dạy về sự đồng cảm: Nuôi dưỡng sự đồng cảm bằng cách thảo luận về cách người khác có thể cảm nhận và xác nhận những cảm xúc đó. Tham gia vào các hoạt động khuyến khích sự thấu cảm và quan tâm đến người khác.

- Thiết lập những kỳ vọng rõ ràng: Đặt những kỳ vọng rõ ràng và nhất quán về việc chia sẻ và hành vi phù hợp, khuyến khích các hành vi tốt bằng việc khen ngợi cụ thể. 

- Kiên nhẫn: Thay đổi hành vi cần có thời gian. Hãy kiên nhẫn, đưa ra sự khuyến khích, ngợi khen tích cực và tránh các biện pháp trừng phạt hà khắc.

Tóm lại, việc giải quyết tính chiếm hữu ở trẻ em bao gồm sự kết hợp giữa việc làm mẫu những hành vi tích cực, dạy các kỹ năng xã hội và cảm xúc, đồng thời tạo ra một môi trường củng cố các hành động hợp tác và đồng cảm. Sự hướng dẫn của bố mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sự phát triển, và nuôi dưỡng nhân cách tích cực của trẻ.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm