Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ

Kiều Trang - Ngày 07/11/2023 11:34 AM (GMT+7)

Đôi khi sự tò mò của trẻ sẽ vượt quá giới hạn, vì trẻ chỉ muốn được thoả mãn nhu cầu của bản thân, mà bỏ qua cảm xúc của người khác.

Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ - 1

Nhiều người tin rằng trẻ tò mò thường thông minh, thích học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Thực tế, khi tính tò mò đi đúng hướng, trẻ có khao khát khám phá, đặt câu hỏi và tìm hiểu. Điều này thúc đẩy trí tuệ của trẻ phát triển, khả năng tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề sau này. 

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tâm lý, tò mò là một nhu cầu cần thiết để thỏa mãn sự khát khao của trẻ nhỏ trong việc tiếp thu kiến thức và thông tin mới.

Thế nhưng, tính tò mò cũng có những giới hạn mà trẻ không nên vượt qua, vì có thể ảnh hưởng đến chính bản thân và những người khác. Trong trường hợp trẻ quá tò mò về một vấn đề nào đó, đến mức trẻ giấu diếm và tự  "điều tra" mà không có sự hướng dẫn phù hợp từ người lớn, sẽ dễ dẫn đến những kết quả không tốt.

Tính tò mò sẽ có lợi cho trẻ trong quá trình phát triển nhận thức về thế giới xung quanh khi được bộc lộ một cách phù hợp, và ngược lại (Ảnh minh hoạ).

Tính tò mò sẽ có lợi cho trẻ trong quá trình phát triển nhận thức về thế giới xung quanh khi được bộc lộ một cách phù hợp, và ngược lại (Ảnh minh hoạ).

Chẳng hạn như khi trẻ tò mò về giới tính, những "chuyện riêng tư" của bố mẹ, người lớn... Đây đều là những khía cạnh quan trọng mà ở một độ tuổi nhất định, trẻ nên có sự đồng hành của bố mẹ để đảm bảo rằng bản thân sẽ không hình thành những nhận thức sai lệch.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui khuyên bố mẹ nên hướng dẫn, đứa ra phương pháp giáo dục cụ thể. Khi trẻ biết áp dụng tò mò đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ mang lại nhiều giá trị hữu ích đối với quá trình trưởng thành.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ - 4

Trẻ nhỏ hình thành tính tò mò ở độ tuổi nào, vì sao lại được bộc lộ mạnh mẽ ở giai đoạn đó?

Theo những học thuyết về tâm lý, trẻ nhỏ hình thành tính tò mò vào độ tuổi lên 3. Khi trẻ phát hiện ra rằng bản thân và thế giới ngoài kia có nhiều điểm khác nhau, đó là lý do mà trẻ sẽ bắt đầu có nhu cầu được biết, được khám phá mọi thứ xung quanh.

Còn trước độ tuổi lên 3, trẻ chưa có đủ nhận thức để có thể phân biệt nên trẻ sẽ nhìn mọi thứ đều giống như nhau. 

Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ - 5

Có ý kiến cho rằng trẻ tò mò thường thông minh, vì trẻ ham học hỏi và thích khám phá những điều mới, chuyên gia nghĩ sao về điều này?

Tò mò có thể được hiểu một cách cụ thể hơn đó là trẻ đang có nhu cầu được biết, được tìm hiểu và khám phá về cuộc sống, về những điều mới mẻ ở xung quanh. Sự tò mò xuất phát từ bản chất, là tính hiển nhiên của mỗi con người. 

Tuy nhiên, khi trẻ bộc lộ tính tò mò, ảnh hưởng từ phản ứng của bố mẹ là quan trọng. Bởi nó sẽ quyết định sự tò mò của trẻ có được kích thích phát triển hay không.

Nếu bố mẹ có những phản ứng như hời hợt, không quan tâm, hoặc la mắng trẻ, không giải đáp những thắc mắc cho trẻ thì điều này sẽ ảnh hưởng đến trẻ trong tương lai. Sau này càng lớn, trẻ sẽ càng mất hứng thú, hoặc sợ phải khám phá, sợ bước vào môi trường mới.

Nhưng với quan điểm của tôi thì tôi tin rằng, tính tò mò không liên quan đến việc trẻ có thông minh hay không, vì bản chất của con người từ khi sinh ra đã có sẵn nhu cầu được tìm hiểu, được biết về mọi thứ.

Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ - 6

Sự tò mò có những ranh giới nhất định mà trẻ không nên vượt quá vì có thể gây ảnh hưởng đến bản thân và nhiều người xung quanh. Đó là những ảnh hưởng gì?

Đôi khi sự tò mò của trẻ sẽ vượt quá giới hạn, vì trẻ chỉ muốn được thoả mãn nhu cầu của bản thân, mà bỏ qua cảm xúc của người khác.

Ví dụ như một đứa trẻ tò mò về hoàn cảnh gia đình của một bạn học trong lớp, trẻ biết bố mẹ bạn ly hôn và muốn tìm hiểu sâu về chuyện này nên liên tục đặt ra những câu hỏi dành cho người bạn đó. Lúc này, trẻ đã bỏ qua cảm xúc của người khác, và chỉ chăm chăm vào cảm xúc của bản thân.

Hành động vô tư, ngây thơ của trẻ đã vô tình gây tổn thương và đem lại sự buồn tủi cho người bạn học. Với sự tò mò vượt quá ranh giới như thế, chính bản thân trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như bị bạn bè ghét, xa lánh và từ đó việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh đối với trẻ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trẻ tò mò là trẻ thông minh? Chuyên gia tâm lý phân tích khiến bố mẹ bất ngờ - 7

Trong những trường hợp nào, bố mẹ cần kiềm chế sự tò mò của trẻ? Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ ra sao để tính tò mò được phát huy một cách hiệu quả nhất?

Nhu cầu được khám phá, tìm hiểu là nhu cầu hiển nhiên và được chấp nhận của mỗi người. Nhưng nếu như nhu cầu này của bản thân lại gây ảnh hưởng đến nhu cầu được riêng tư, được giữ bí mật chuyện cá nhân của người khác thì điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề.

Đó là lý do mà tính tò mò của trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn, định hình một cách sao cho phù hợp nhất. Bố mẹ nên dạy cho trẻ hiểu đâu là giới hạn để trẻ có thể tự do bộc lộ nhu cầu được khám phá của mình. Nếu là tò mò về thế giới xung quanh như cỏ cây hoa lá, các kiến thức hỗ trợ cho việc học của trẻ thì dĩ nhiên sẽ cần được bố mẹ khuyến khích. 

Tuy nhiên khi sự tò mò của trẻ liên quan đến câu chuyện cá nhân của người khác thì bố mẹ hãy nhắc nhở trẻ, để con có thể xem xét nếu con đủ nhận thức để hiểu. Trường hợp con còn nhỏ chưa đủ khả năng để phân biệt đâu là điều nên và đâu là không nên, thì lúc này bố mẹ phải dành thời gian để giải thích cho trẻ hiểu. Có như vậy thì trẻ mới biết cách để ứng xử phù hợp, và có thể giữ được thiện cảm và phát triển tốt những mối quan hệ xung quanh.

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia