Khác biệt này ảnh hưởng lớn đến tương lai trẻ về sau.
Chia sẻ về vấn đề dạy chữ cho con sớm, một bà mẹ trải lòng trên diễn đàn nuôi dạy con nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Theo đó, chị cho biết các con của mình không học lớp chuyển tiếp mẫu giáo trước khi vào tiểu học.
Chị nghĩ rằng, trẻ em nên tận hưởng tuổi thơ và vui chơi thoải mái trước khi vào tiểu học. Thế nhưng, khi bước vào lớp 1, các con chị thậm chí còn không thể đếm số thứ tự trôi chảy chứ đừng nói đến việc đọc chữ.
Chị đã rất hối hận, chỉ hai tháng sau khi con vào tiểu học, chị mới nhận thấy tốc độ giảng dạy của giáo viên ở trường khá nhanh và vì thế mà con không thể theo kịp tiến độ bài học. Trong khi đó có nhiều bạn đã được học chữ trước đó nên tiếp thu rất dễ dàng, vượt xa con chị.
Trên thực tế, đây là một vấn đề được hầu hết các bậc phụ huynh quan tâm. Mỗi bố mẹ sẽ có quan điểm khác nhau trong việc cho con học chữ. Theo đó, sẽ có 4 khoảng cách, khác biệt rõ ràng giữa trẻ biết chữ sớm và biết chữ muộn sau khi vào tiểu học.
Chỉ số thông minh
Nhà tâm lý học nổi tiếng - Tiến sĩ Chadlin và nhà giáo dục người Nhật Isao Ishii đều đã thực hiện nghiên cứu về “Mối liên hệ giữa việc học chữ và chỉ số IQ”. Kết quả cho thấy việc học chữ có thể cải thiện chỉ số IQ của trẻ và trẻ biết đọc, biết viết càng sớm thì hiệu quả cải thiện chỉ số IQ càng cao.
Sở dĩ việc học chữ có thể cải thiện chỉ số IQ của trẻ là do tính chất độc đáo của chữ, và đặc điểm phát triển trí não ở lứa tuổi mầm non. Bộ não con người phát triển đặc biệt nhanh chóng trong thời thơ ấu, đặc biệt là về các khía cạnh như ngôn ngữ, trí nhớ và nhận thức.
Trong giai đoạn này, số lượng kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não trẻ tiếp tục tăng lên, hình thành nên mạng lưới thần kinh phức tạp. Khi trẻ học nhận biết mặt chữ, trẻ sẽ không chỉ phải quan sát hình dáng của nó mà còn phải nghe cách phát âm và hiểu ý nghĩa của từng ký tự.
Quá trình này đòi hỏi trẻ phải sử dụng đồng thời nhiều vùng não như thị giác, thính giác, kết hợp để làm việc cùng nhau, từ đó thúc đẩy sự kết nối, giao tiếp giữa các tế bào thần kinh trong não trẻ và thúc đẩy sự phát triển của nó.
Trẻ biết đọc, biết viết càng sớm thì hiệu quả cải thiện chỉ số IQ càng cao.
Tinh thần học tập
Khi một đứa trẻ mới bước vào trường tiểu học, nhận thấy các bạn cùng lớp xung quanh có thể dễ dàng hiểu sách giáo khoa và nắm bắt nhanh nội dung thầy cô dạy, nhưng bản thân mình lại là người duy nhất không hiểu và không theo kịp được bài học thì đương nhiên sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản và bực bội. Nếu bố mẹ phàn nàn vào lúc này, sự tự tin của các con sẽ dần sụp đổ, trẻ sẽ dần mất hứng thú học tập.
Mặt khác, những đứa trẻ đã biết chữ trước khi bước vào tiểu học thường có khả năng thích ứng tốt hơn với nhịp độ học tập ở trường. Trẻ đã có kiến thức cơ bản và kỹ năng đọc, viết, vì vậy bé sẽ cảm thấy tự tin hơn trong quá trình học và tham gia tích cực vào các hoạt động giảng dạy của thầy cô.
Điều này dẫn đến một hệ quả vô cùng tích cực. Khi trẻ có hứng thú học tập mạnh mẽ, trẻ sẽ tiếp tục phát triển kiến thức và kỹ năng của mình, đồng thời cảm thấy tự tin hơn để thể hiện bản thân.
Trẻ không có sự chuẩn bị trước khi vào tiểu học dễ rơi vào tình trạng chán nản, không hứng thú với việc học.
Mức độ yên tâm, hài lòng của bố mẹ
Việc trẻ biết chữ trước khi vào tiểu học chứng tỏ con đã có một sự chuẩn bị cơ bản. Bố mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì trẻ đã có một nền tảng kiến thức để khởi đầu cuộc sống học đường của mình. Việc này giúp giảm bớt sự lo lắng về khả năng học tập của trẻ, và tạo ra một tâm lý tích cực cho bố mẹ.
Mặt khác, nếu trẻ chưa có bất kỳ hành trang nào trước khi vào tiểu học, bố mẹ sẽ rất khó khăn trong quá trình giúp con thích nghi. Đặc biệt đối với những bậc phụ huynh bận rộn công việc, họ có thể sẽ không có quá nhiều thời gian để sát sao, kèm cặp con.
Kết quả là bố mẹ sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng và lo lắng vì sợ đứa trẻ của mình không theo kịp tiến độ học tập, điều này vô tình tạo ra thêm rất nhiều áp lực cho chính bản thân bố mẹ, thậm chí là cả con trẻ.
Bố mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi trẻ đã có một nền tảng kiến thức để khởi đầu cuộc sống học đường của mình.
Đánh giá từ giáo viên
Từ góc độ tâm lý học, giáo viên thường mong muốn học sinh của mình học tốt và tiến bộ. Trẻ có khả năng đọc và viết tốt thường dễ dàng nắm bắt kiến thức mà giáo viên truyền đạt, đồng thời có thể đạt được thành tích học tập cao hơn so với những trẻ có trình độ đọc viết kém.
Thành công của học sinh làm cho giáo viên cảm thấy công sức của mình đã được đền đáp, tạo ra một cảm giác hài lòng và thành tựu. Vì vậy, đa số giáo viên ưu tiên việc trẻ em biết chữ và học tốt, vì các học sinh này không chỉ đạt được thành tích mà còn tạo ra động lực để tiếp tục hứng thú học tập và phát triển đạo đức.
Giáo viên tin rằng, khi trẻ biết chữ và đạt thành tích tốt, trẻ sẽ có xu hướng cảm thấy tự tin hơn vào năng lực của bản thân và cảm nhận mình được nhiều thầy cô quý mến. Điều này sẽ góp phần tạo nên một môi trường học tập tích cực cho trẻ.
Giáo viên thường rất yêu quý những học sinh giỏi và chăm chỉ.