Nhiều trẻ em ngày nay thường có xu hướng gần gũi và thân thiết với ông bà hơn bố mẹ.
Ngày nay trong nhiều gia đình, việc bố mẹ nhờ ông bà chăm sóc con cái khá phổ biến. Không ít đứa trẻ từ khi lọt lòng đã có bàn tay nuôi nấng của ông bà nội ngoại. Cũng vì lẽ đó mà ngay từ nhỏ, trẻ có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với ông bà của mình. Thậm chí nhiều bố mẹ còn phải ganh tỵ vì con bám ông bà hơn.
Chị L (Hà Nội) tâm sự: "Con gái 5 tuổi, vì đi làm xa nên tôi gửi con cho bố mẹ ruột chăm. Một năm nay chăm chỉ làm ăn dư được chút đỉnh, tôi quyết định đón con lên phố ở cùng để tiện chăm sóc. Thế nhưng đứa trẻ lại khóc lóc không muốn đi với mẹ, chỉ thích ở với ông bà. Giờ tôi không biết phải làm thế nào"?
Nhiều trẻ em ngày nay thường có xu hướng gần gũi và thân thiết với ông bà hơn là bố mẹ (Ảnh minh hoạ).
Chị D (Hồ Chí Minh) trải lòng: "Thằng bé nhà tôi không sống với ông bà mà từ nhỏ đã do một tay vợ chồng tôi chăm sóc. Vậy mà càng lớn tôi cảm thấy con càng xa cách bố mẹ, nhưng lại cực kỳ thân thiết với ông bà nội. Con chưa bao giờ tâm sự với bố mẹ điều gì cả, thế mà với ông bà thì con lại vô cùng thoải mái, dịp nào về quê cũng chuyện trò với ông bà rất lâu".
Có lẽ đây cũng là nỗi lòng nhiều bố mẹ mắc phải. Họ cảm thấy khó hiểu, và thậm chí là buồn bã, tủi thân vì con cái gần gũi với ông bà hơn bố mẹ. Tuy nhiên điều này không phải tự nhiên như thế, mà trên thực tế đều có cơ sở. Để giải đáp những thắc mắc của các bậc phụ huynh về việc "Tại sao nhiều đứa trẻ có tâm lý gắn bó, thân thiết với ông bà hơn bố mẹ", chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra những quan điểm, phân tích rõ ràng dưới đây.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, tại sao nhiều trẻ em ngày nay thường có xu hướng gần gũi và thân thiết với ông bà hơn là bố mẹ (Chẳng hạn trẻ cảm thấy thoải mái khi đến gặp ông bà để xin lời khuyên, tâm sự chuyện cá nhân hơn là đến gặp bố mẹ)?
Trẻ có xu hướng gần gũi với người mà trẻ cảm thấy đáng tin cậy, người đem lại cho trẻ sự an toàn. Nếu như bố mẹ không đem lại cho con cái điều này mà ông bà mới là người đáp ứng cho trẻ thì dĩ nhiên trẻ sẽ gần gũi, thân thiết với ông bà hơn là bố mẹ.
Ở nhiều gia đình Việt hiện nay, bố mẹ phải đi làm nên không dành nhiều thời gian ở bên cạnh, chăm sóc con cái được mà ông bà thì thường hỗ trợ con cái chăm sóc cháu. Điều này cũng khiến con cái có khoảng cách hơn với bố mẹ, còn ông bà gần gũi hơn nên có thể hiểu tâm tư nguyện vọng của cháu tốt hơn. Do đó, một số trẻ thích tâm sự chuyện cá nhân với ông bà hơn là bố mẹ.
Một đứa trẻ trưởng thành có sự tham gia, đồng hành của ông bà với đứa trẻ không có được điều đó, tương lai phát triển khác nhau ra sao?
Rất khó để so sánh hơn thua, khác biệt giữa 2 đứa trẻ được sự đồng hành của ông bà hay không trong cuộc sống, nhưng có thể khẳng định sự khác biệt rõ rệt của đứa trẻ nhận được sự quan tâm và yêu thương của người thân yêu trẻ.
Nghĩa là, nếu không có sự đồng hành của ông bà nhưng có sự yêu thương, chăm sóc đủ đầy từ bố mẹ hay người thân khác để trẻ cảm thấy được yêu thương thì không có sự khác biệt gì quá nhiều. Nhưng nếu có đầy đủ tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ, và ông bà hai bên thì đứa trẻ sẽ cảm thấy bình yên và trọn vẹn hơn.
Ngày nay, việc nhiều bố mẹ gửi con cho ông bà chăm sóc khiến trẻ bám ông bà hơn bố mẹ, điều này có tốt cho tâm lý của trẻ không thưa chuyên gia?
Trẻ con rất cần có bố mẹ, tuy nhiên ở nhiều gia đình, vì hoàn cảnh mà nhiều bố mẹ không sắp xếp để chăm sóc con chu đáo được nên nhờ ông bà hỗ trợ. Trong trường hợp ông bà đáp ứng tốt các nhu cầu của trẻ và bố mẹ vẫn thường xuyên giữ liên lạc, dành thời gian chất lượng cho con theo lời hứa thì các bé vẫn có thể phát triển một cách lành mạnh.
Ngược lại, trẻ vừa thiếu thốn tình thương yêu và sự chăm sóc của bố mẹ, ông bà lại chỉ đáp ứng việc ăn uống, vệ sinh mà không có sự tinh tế đáp ứng nhu cầu tinh thần cho trẻ, khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương, bị bỏ rơi về mặt tinh thần thì điều đó lại gây những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ. Nên dù là bố mẹ hay ông bà chăm sóc trẻ thì cũng cần có sự đáp ứng cả nhu cầu thể chất và tinh thần.
Chuyên gia nghĩ gì về quan điểm "Bố mẹ sinh con được thì phải tự nuôi con, không nên nhờ vả ông bà"?
Theo quan điểm hiện đại, nuôi con là trách nhiệm của bố mẹ nhưng quan điểm truyền thống ở Việt Nam thì ông bà sẽ hỗ trợ con chăm cháu để giảm bớt gánh nặng cho con cái tập trung vào công việc, và lo chu toàn tài chính cho gia đình.
Thiết nghĩ, dù theo quan điểm nào thì cũng cần sự linh hoạt, tự nguyện và có thỏa thuận rõ ràng giữa cả ông bà và bố mẹ trong cách chăm sóc, mức độ tham gia của các bên để không gây mất hòa khí và giúp cho các bé có được sự chăm sóc tốt nhất. Những điều cần chú ý có thể kể đến như: sức khỏe của ông bà, mong muốn của ông bà, quan điểm nuôi dạy trẻ của ông bà và bố mẹ.
Nếu như ông bà lớn tuổi, đau mỏi hay có bệnh mà còn phải chăm cháu thì quá vất vả, bố mẹ cần tìm phương án khác để ông bà có thời gian nghỉ ngơi. Ông bà không thích chăm trẻ con, hoặc không giỏi trong việc chăm sóc trẻ thì cũng không nên ép ông bà làm việc này. Vì chăm trẻ con không phải việc dễ, và cũng không phải việc có thể phù hợp với tất cả mọi người.
Nhưng ông bà có sức khỏe, mong muốn chăm cháu, có khả năng chăm sóc tốt trẻ con thì bố mẹ cũng sẽ nên cân nhắc nhờ ông bà hỗ trợ. Đặc biệt trong bối cảnh cả bố lẫn mẹ đều muốn có cơ hội phát triển công việc, không dễ để tìm được nơi gửi trẻ hay người chăm sóc trẻ tại nhà ưng ý, thì nhờ ông bà khi họ sẵn sàng có thể là một phương án khả thi.