Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng

Kiều Trang - Ngày 25/04/2024 11:54 AM (GMT+7)

Những lời chê bai, trêu chọc về ngoại hình có thể tác động đáng kể đến tâm lý của trẻ.

Ngay từ khi bước vào độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trẻ đã bắt đầu hình thành những nhận thức rõ rệt hơn về diện mạo bên ngoài. Chính vì như thế mà mọi lời nhận xét, đánh giá của người khác về ngoại hình bản thân cũng sẽ đều có tác động đến cảm xúc và tâm lý của trẻ.

Nếu là lời khen thì sẽ không có gì đáng lo ngại, tuy nhiên nếu là lời chê bai, dù chỉ mang ý đùa giỡn thì việc bị miệt thị ngoại hình chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ. Tương tự như tình huống của một cậu bé trong đoạn video được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội gần đây.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 1

Cậu bé bị trêu chọc ngoại hình đến bật khóc (Nguồn: Sinh Viên TV).

Cậu bé bị trêu chọc ngoại hình đến bật khóc (Nguồn: Sinh Viên TV).

Theo đó, đứa trẻ đã bị chính bố của mình trêu đùa ngoại hình, bất lực đến mức bật khóc. Cậu bé liên tục phủ nhận về màu da của bản thân khi bị người bố nhận xét là "da đen hơn da trâu". Mặc dù có thể lời chê bai này được nói ra với mong muốn giáo huấn để con tốt hơn, tuy nhiên ông bố này lại không biết rằng, lời nói của mình lại gây tổn thương mạnh mẽ đến con trai.

Sau khi đoạn video được đăng tải, rất nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra và không ít bậc phụ huynh bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm của ông bố. Họ đều cho rằng, phương pháp giáo dục của ông bố là sai lầm, không mang lại hiệu quả cao mà còn tạo nên một vết thương tâm lý sâu sắc cho đứa trẻ.

Trước tình huống không hiếm gặp này trong cuộc sống, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tú Anh đã đưa ra những phân tích chuyên môn nhằm giúp bố mẹ, người lớn hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng từ việc sử dụng lời chê bai, miệt thị ngoại hình để đùa giỡn với trẻ. Từ đó họ sẽ có cách ứng xử văn minh và đúng đắn hơn trong quá trình tương tác, giao tiếp với con trẻ hàng ngày.

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tú Anh.

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tú Anh.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 4

Từ góc độ tâm lý, điều gì khiến người lớn hứng thú với việc chế giễu, trêu chọc trẻ em?

Dưới góc độ tâm lý học, người lớn có thể chế nhạo, trêu chọc trẻ vì nhiều lý do. Đôi khi, người lớn có thể thực hiện hành vi này như một hình thức trêu đùa không ác ý hoặc với mục đích muốn tạo ra sự vui vẻ, nhằm xây dựng mối quan hệ hoặc chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ với trẻ.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, người lớn có thể chỉ trích hoặc chế giễu trẻ vì thất vọng, thiếu kiên nhẫn hoặc mong muốn khẳng định quyền lực hay quyền kiểm soát.

Ngoài ra, một số người lớn có thể vô tình lặp lại các kiểu hành vi học được từ quá trình lớn lên của chính họ, những việc họ đã từng bị người lớn khác làm tương tự khi còn nhỏ, lặp lại một chu kỳ chỉ trích và tiêu cực.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 5

Những hệ quả tâm lý có thể xảy ra khi trẻ em bị người lớn chê bai? Ảnh hưởng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến quá trình phát triển, tương tác xã hội của trẻ như thế nào?

Sự chỉ trích của người lớn có thể gây ra hậu quả tâm lý đáng kể cho trẻ, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, sự tự tin và tâm tư tình cảm của trẻ. Khi trẻ em liên tục bị người lớn chỉ trích, chế giễu, hoặc trêu chọc, chúng có thể hình thành những niềm tin và nhận định tiêu cực về bản thân, dẫn đến cảm giác thiếu thốn, xấu hổ và nghi ngờ bản thân.

Theo thời gian, điều này có thể làm xói mòn lòng tự trọng và giá trị bản thân của trẻ, ảnh hưởng đến các tương tác xã hội, các mối quan hệ và sự phát triển tổng thể của trẻ.

Những đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích cũng có thể phát triển các chiến lược đối phó không thích hợp, chẳng hạn như né tránh hay rút lui, hoặc hung hãn, dễ tự ái để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn hại về mặt cảm xúc hơn nữa.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 6

Người lớn có thể không nhận ra hoặc đánh giá sai về tình huống chê bai trẻ em là có hại. Làm thế nào để có thể nâng cao nhận thức và sự nhạy bén về vấn đề này cho họ?

Nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm của người lớn trước tác hại của việc chỉ trích trẻ em là điều cần thiết, để thúc đẩy việc tương tác tích cực và hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em.

Giáo dục người lớn về tác động của lời nói và hành động của họ đối với lòng tự trọng, và tình cảm hạnh phúc của trẻ có thể giúp người lớn nhận ra và sửa đổi hành vi chê bai hoặc chế giễu.

Việc cung cấp đào tạo, hội thảo hoặc các nguồn tài nguyên (sách, video, blog, podcast…) về kỹ năng nuôi dạy con cái tích cực, chiến lược giao tiếp hiệu quả và sự phát triển của trẻ có thể giúp người lớn tạo ra môi trường hỗ trợ, nuôi dưỡng nơi trẻ em cảm thấy có giá trị, được tôn trọng và được thấu hiểu.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 7

Ngoài việc ngăn chặn những hành vi đùa giỡn, chê bai từ người lớn, trẻ em cần được trang bị những kỹ năng để xử lý và phản ứng đúng đắn khi bị chê bai. Làm thế nào bố mẹ có thể giúp con phát triển những kỹ năng này?

Ngoài việc ngăn chặn hành vi chê bai của người lớn, bố mẹ có thể giúp con phát triển kỹ năng xử lý và phản ứng đúng đắn trước những lời chỉ trích. Dưới đây là một số chiến lược bố mẹ có thể sử dụng:

- Củng cố lòng tự trọng và phát triển sự tự tin: Khuyến khích trẻ phát triển ý thức mạnh mẽ về lòng tự trọng và giá trị bản thân bằng cách thừa nhận điểm mạnh, tài năng và thành tích của trẻ. Dạy trẻ coi trọng bản thân và những phẩm chất độc đáo của mình, bất kể ý kiến hay lời chỉ trích của người khác.

- Dạy cách giao tiếp quyết đoán: Giúp trẻ học cách truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của mình một cách quyết đoán với người khác. Dạy trẻ sử dụng câu nói khẳng định, thể hiện chính kiến bản thân một cách rõ ràng và tôn trọng người đối diện, đồng thời khẳng định ranh giới của mình khi cần thiết.

- Làm mẫu cách phản hồi tích cực, và góp ý mang tính xây dựng khi tương tác với con mình: Đưa ra phản hồi cụ thể, mang tính xây dựng, tập trung vào hành vi hơn là đặc điểm cá nhân, đồng thời khen ngợi, khuyến khích sự nỗ lực và cải tiến.

- Khuyến khích khả năng giải quyết vấn đề và sức bền tâm lý: Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề, và kỹ thuật phục hồi để giúp trẻ đối phó với những lời chỉ trích và những tình huống nhiều thử thách. Khuyến khích trẻ xem những lời chỉ trích như một cơ hội để phát triển, và học hỏi chứ không phải là sự phản ánh giá trị hoặc khả năng của trẻ.

- Cung cấp sự hỗ trợ và trấn an về mặt cảm xúc: Luôn sẵn sàng và hỗ trợ về mặt tinh thần cho con khi trẻ gặp phải những lời chỉ trích hoặc tiêu cực từ người khác. Xác thực cảm xúc của trẻ, đưa ra sự trấn an, giúp trẻ xử lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh và mang tính xây dựng.

Bằng cách trang bị cho trẻ những kỹ năng này, bố mẹ có thể giúp trẻ xử lý những lời chỉ trích một cách hiệu quả, xây dựng khả năng phục hồi, duy trì ý thức tích cực về lòng tự trọng và hạnh phúc.

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 8

Cậu bé tiểu học bị trêu chọc ngoại hình, nghĩ là vui nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo tác hại không tưởng - 9

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tiểu học