Lời hứa suông của bố mẹ tác động lớn đến tâm lý và tính cách của con trẻ.
Trẻ nhỏ có cảm xúc và trí nhớ tốt hơn rất nhiều so với bố mẹ tưởng tượng, nhưng nhiều người vẫn quen thói "con nít mau quên" nên hay "hứa cho có" mà không thực hiện. Vô số lần bị bố mẹ thất hứa như thế, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, thậm chí vì không còn tin tưởng người lớn nữa mà hình thành tính nói dối.
Trên thực tế, lời hứa có ý nghĩa quan trọng không chỉ với người lớn mà trẻ nhỏ cũng vậy. Qua việc giữ lời hứa, bố mẹ có thể giáo dục con cái nhiều bài học về chữ tín, tính trách nhiệm với bất kỳ một lời nói hay hành động nào đó của bản thân. Chính vì như thế, kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình với con trẻ cũng là một cách dạy con trưởng thành ít đau đớn hơn và nhiều hạnh phúc hơn.
Lời hứa suông của bố mẹ tác động lớn đến tâm lý và tính cách của con trẻ (Ảnh minh hoạ).
Đồng ý rằng trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc nuôi dạy con, bố mẹ còn có rất nhiều những mối lo toan khác nhau. Đôi khi vì hoàn cảnh bất khả kháng mà bố mẹ không thể giữ lời hứa. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách bố mẹ giải quyết vấn đề với con nếu như bản thân thất hứa sẽ quyết định mạnh mẽ đến phản ứng của trẻ.
Bằng phương pháp nào bố mẹ có thể giảm thiểu những tổn thương, tiêu cực lên đứa trẻ của mình khi thất hứa. Chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi có những lời khuyên, hướng dẫn bổ ích dưới đây để các bậc phụ huynh tham khảo.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Đối với trẻ nhỏ lời hứa của bố mẹ rất quan trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, vì để ổn định tâm lý con trở nên tốt hơn, bố mẹ thường dùng lời hứa hẹn để "đối phó", tạo động lực và niềm vui cho con nhưng không chắc chắn về việc có thực hiện được hay không. Phương pháp giáo dục này có nên được khuyến khích không thưa chuyên gia?
Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, việc một người thân yêu và đáng tin cậy của trẻ nuốt lời, không thực hiện điều mà họ hứa sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lý.
Dẫu rằng, nói dối để đối phó trong trường hợp khẩn cấp là điều dễ dàng thực hiện và thấy được hiệu quả ngay trước mắt, tuy nhiên nó lại ẩn chứa một nguy cơ vô cùng lớn.
Do đó, bố mẹ nên tránh làm điều này và tuyệt nhiên đừng bao giờ nghĩ trẻ con thì biết gì, con sẽ quên nhanh thôi hoặc điều này nhỏ xíu, vô hại để thực hiện việc hứa cho có với con mình.
Trong trường hợp bố mẹ chỉ "hứa cho có", chẳng hạn như hứa đưa con đi chơi nếu hoàn thành xong bài tập nhưng lại không giữ lời hứa. Vậy đâu là những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với trẻ trong tình huống này?
Việc bố mẹ hứa cho con đi chơi sau khi hoàn thành xong bài tập khiến đứa trẻ rất háo hức khi làm bài tập để mong sau đó sẽ được dẫn đi chơi, nhưng sau đó bố mẹ lại không thực hiện lời hứa này khiến đứa trẻ trở nên hụt hẫng và sau đó nó có thể không tin lời của bố mẹ nữa.
Lần sau nếu bố mẹ có hứa cho con thứ gì đó để con học bài, làm bài thì trẻ cũng sẽ không cảm thấy có chút động lực nào để bắt tay vào việc học cả. Ngoài ra đứa trẻ cũng cảm thấy không thích thú, thậm chí là ghét lây việc làm bài tập nữa, điều này rõ ràng ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Mở rộng ra các tình huống khác, đứa trẻ có thể mất niềm tin vào bố mẹ, mất hứng thú với hoạt động được đưa vào lời hứa như một phần thưởng, bình thường hóa việc thất hứa dẫn tới việc có thể trở thành người bội tín, hay thậm chí trở nên không tin tưởng bất cứ một ai, kể cả năng lực và cảm xúc của chính mình.
Có ý kiến cho rằng "Bố mẹ hay thất hứa sẽ dễ nuôi dạy nên những đứa trẻ thất tín, sau này sẽ rất khó thành công ngoài xã hội", chuyên gia có quan điểm ra sao?
Với con cái, bố mẹ là tấm gương lớn, do đó nếu như bố mẹ là người thất hứa thì có thể ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến con cái về giá trị của chữ tín cũng như sự chân thật. Ngoài việc ảnh hưởng đến thói quen hứa lèo ở trẻ, việc bố mẹ hứa mà không làm nó còn có một sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Cụ thể, nếu như đứa trẻ coi bố mẹ là người quan trọng nhất, người đáng để tin nhất mà hết lần này đến lần khác bội tín với trẻ vậy thì thiết nghĩ trẻ có thể tin vào ai? Vì vậy mà trẻ có thể hình thành một sự nghi ngờ với mọi người, với thế giới nói chung khi không thể tin được ngay chính bố mẹ của mình.
Khi một người có sự nghi ngờ người khác thì thường sẽ luôn đề phòng không dám mở lòng, khiến họ khó thiết lập và duy trì những mối quan hệ xã hội thân mật khi lớn lên. Ngoài ra, khi một người không tin vào thế giới thì ngược lại họ cũng không tin vào giá trị của mình, họ cảm thấy mình không xứng đáng để được yêu, không xứng đáng để được chấp nhận, sẽ khiến họ tự ti và điều này nhấn chìm họ trong mớ hỗn độn của những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực.
Từ đó, chúng ta thấy rằng thật khó có thể thành công nếu rơi vào trường hợp như vậy, hoặc nếu có thành công trong sự nghiệp thì cũng sẽ phát triển một sự cô đơn ở bên trong tâm hồn.
Nếu hoàn cảnh bất khả kháng buộc bố mẹ phải thất hứa với con, vậy có cách nào để bố mẹ giảm thiểu những tổn thương cho trẻ?
Trong một số những hoàn cảnh bất khả kháng, khi bố mẹ đã hứa với con nhưng có một điều đột suất đến khiến kế hoạch không được thực thi như mong đợi thì bố mẹ cần trao đổi một cách nghiêm túc với con về lý do vì sao không thể thực hiện kế hoạch, gửi một lời xin lỗi đến con và mong con thông cảm, sau đó tìm một cách khác để bù đắp cho con.
Nhưng lời hứa này cần phải cân nhắc trước khi hứa về việc chắc chắn nó nằm trong tầm kiểm soát để có thể xảy ra, nếu không thì hẹn với trẻ về thời điểm khác sẽ làm bù, và làm thật. Như vậy, đứa trẻ sẽ hiểu được hoàn cảnh bất khả kháng nên bố mẹ mới không thực hiện lời hứa với mình được, chứ không phải vì bố mẹ không muốn giữ lời.
Cách làm này cũng giúp cho trẻ có một mô hình để bắt chước, khi trẻ không thể thực hiện được lời hứa đã hứa hẹn với ai đó thì có thể áp dụng. Lời xin lỗi được hiểu là mình thực sự không mong muốn điều đó xảy ra, và có một sự nỗ lực để bù đắp khi mình thất hứa với người khác.
Nếu bố mẹ làm được như vậy không chỉ trở thành một tấm gương mẫu mực với con, mà còn tạo dựng được uy tín và tin cậy với bé, dễ trở thành người mà bé tìm đến để chia sẻ, tâm sự và nhờ vả, có như vậy sự kết nối giữa bố mẹ và con cái có thể bền chặt theo thời gian.