Các chuyên gia khuyên rằng, đối với những trẻ ngang bướng, hay phạm lỗi, bố mẹ nên có phương pháp giáo dục đặc biệt hơn.
Hầu hết đứa trẻ nào trong quá trình quá trình lớn lên cũng mắc lỗi, ngang bướng, đôi khi khiến bố mẹ cảm thấy bất lực vì áp dụng mọi biện pháp mà con vẫn không nghe lời.
Thực tế, la mắng, đánh đòn không phải là phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Các chuyên gia khuyên rằng, đối với những trẻ ngang bướng, hay phạm lỗi, bố mẹ nên có phương pháp giáo dục đặc biệt hơn, có thể tham khảo những cách sau đây.
Yêu cầu trẻ ngừng hành vi phạm lỗi
Theo tiến sĩ Pete Stavinoha, giám đốc của dịch vụ tâm lý thần kinh ở Trung tâm y tế trẻ em tại Dallas, bang Texas, Mỹ, đồng tác giả cuốn “Stress-Free Discipline” từng nói “Việc đánh đòn chỉ có thể ngăn chặn hành vi xấu tạm thời chứ không phải phương pháp dạy con hiệu quả”.
Kỷ luật tích cực là khi trẻ làm điều gì đó sai, thay vì trách phạt, bố mẹ hãy dạy dỗ và hướng dẫn con làm thế nào để ngừng hành vi phạm lỗi và biết nhận sai.
Khi trẻ phạm lỗi, việc đầu tiên bố mẹ nên yêu cầu trẻ dừng hành vi và rời khỏi "hiện trường" cho đến khi trẻ có thể bình ổn cảm xúc, không còn nóng giận hay tiếp tục hành vi sai trái.
Sau khi rời khỏi "hiện trường", trẻ sẽ có khoảng thời gian yên lặng tự suy nghĩ về mọi việc diễn ra. Lúc này, bố mẹ nên trò chuyện với con, để trẻ nhận ra bản thân đã làm điều chưa phù hợp, giúp trẻ về sau biết điều chỉnh hành vi một cách phù hợp.
Thay vì trách phạt, bố mẹ hãy dạy dỗ và hướng dẫn con làm thế nào để ngừng hành vi phạm lỗi và biết nhận sai.
Hạn chế la mắng bắt lỗi, hay tạo không khí căng thẳng
Trẻ cứng đầu, bướng bỉnh rất dễ khiến bố mẹ nổi nóng, bực bội, la hét lấn át đi sự không nghe lời của con. Nhưng việc này chỉ khiến tình hình trở nên xấu đi, trẻ tỏ ra chống đối hơn nữa.
Thay vì vội vàng trách móc, bố mẹ hãy để cho trẻ có khoảng lặng để tự nhìn nhận lỗi lầm. Chẳng hạn nếu trẻ làm vỡ đồ, trẻ phải hiểu nguyên nhân là do bản thân bất cẩn, không quan sát kỹ lưỡng.
Hay trẻ bị điểm kém thì nguyên nhân là chểnh mảng học tập, chưa thật sự quyết tâm. Tuy nhiên, đôi khi có những lúc trẻ không hiểu mình đang sai ở đâu, lúc này bố mẹ cần chỉ ra lỗi mà trẻ mắc phải để lần sau không tái phạm.
Đồng thời, ngay cả bố mẹ cũng nên học cách bình tĩnh, biết kiềm chế cảm xúc để giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu. Để làm được điều này, trước mỗi cuộc trò chuyện, bố mẹ hãy làm bất cứ điều gì khiến mình bình tĩnh và cân bằng với con: Hít thở sâu, nghe nhạc êm dịu hay làm những việc cả hai cùng thích.
Thay vì vội vàng trách móc, bố mẹ hãy để cho trẻ có khoảng lặng để tự nhìn nhận lỗi lầm.
Cho trẻ cơ hội được lựa chọn
Mỗi trẻ sẽ có hàng tá các nhu cầu, cảm xúc, trải nghiệm khác nhau cho cùng một bài học. Trẻ thường sẽ trải qua mọi khoảnh khắc từ vui vẻ, đáng yêu cho đến khó chịu, lộn xộn, mâu thuẫn... thực hành sự tự lựa chọn.
Nếu bố mẹ tôn trọng, cho trẻ quyền lựa chọn từ những việc nhỏ nhất có thể giúp trẻ hình thành thói quen, tính cách tốt thay vì áp đặt hình thức giáo dục quá nghiêm khắc.
Khi trẻ phạm lỗi cũng vậy, bố mẹ có thể cho trẻ lựa chọn hình phạt đứng im trong góc phòng khoảng 15 phút hoặc yêu cầu trẻ thực hiện một việc nào đó đang cấp thiết như: Dọn dẹp nhà, dọn vườn, nấu cơm…
Để trẻ tự quyết định hình phạt là cách để trẻ tuân thủ và hoàn thiện tốt nhất. Nếu bố mẹ cứ áp đặt hình phạt thì trẻ sẽ trở nên chống đối hoặc cảm thấy ấm ức, không phục.
Món quà sau sự lựa chọn đó là bài học của sự kiên nhẫn, cho một đứa trẻ tự lựa chọn trẻ cũng sẽ tiến bộ về khả năng độc lập, đồng thời có thói quen hướng dẫn, giúp đỡ cho các trẻ nhỏ hơn bài học tương tự để không phải phạm lỗi hay quá ương bướng với bố mẹ.
Đặt ra giới hạn cho con
Trẻ càng lớn thì càng có xu hướng làm ngược lại với những gì bạn mong muốn, bất chấp hậu quả. Vì vậy, việc bố mẹ đặt giới hạn rõ ràng cho con là cực kỳ quan trọng.
Theo các chuyên gia tâm lý, chìa khóa để có một ngôi nhà hạnh phúc là thiết lập các giới hạn rõ ràng và nhất quán, giới hạn dạy cho trẻ biết khác biệt giữa đúng và sai, điều gì nên và không nên làm.
Tuy nhiên, bố mẹ nên bắt đầu mỗi ngày với tình yêu thương, hạn chế thúc ép hay áp đặt trẻ. Và cần áp dụng phương pháp giáo dục sớm, điều này giúp trẻ tạo dựng thành thói quen tốt.
Bố mẹ cũng cần tìm hiểu tính cách con để có phương pháp giáo dục phù hợp, xem trẻ là người bạn đồng hành để sẻ chia và thấu hiểu, lâu dần trẻ sẽ học được giá trị của bài học ngoan ngoãn, không còn tỏ ra chống đối, ngang bướng khi mắc lỗi.
Bố mẹ cũng cần tìm hiểu tính cách con để có phương pháp giáo dục phù hợp, xem trẻ là người bạn đồng hành để sẻ chia và thấu hiểu.