Gợi ý một số trò chơi vận động phù hợp với trẻ sơ sinh từ 10 tháng tuổi.
Trẻ bước vào tháng thứ 10 tiếp tục phát triển nhanh về những chuyển động cơ thể, mắt và cả não bộ , thích khám phá và thể hiện cảm xúc nhiều hơn. Trẻ có thể đi xung quanh bằng cách nắm tay của mẹ hoặc vịn vào những đồ vật để tập những bước đi đầu tiên.
Đặc biệt, trẻ sẽ yêu thích những đồ vật phát ra tiếng động như chuông, lục lạc, trống,… Một điều quan trọng trong giai đoạn này là trẻ có sự phát triển vượt bậc về trí não.
Bố mẹ có thể tạo ra một không gian thoải mái để trẻ có thể thỏa sức chơi đùa. Gợi ý một số trò chơi vận động phù hợp với trẻ sơ sinh từ 10 tháng tuổi, mẹ có thể tham gia chơi cùng con, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Cùng con nhận biết các bộ phận trên cơ thể
Mẹ có thể cùng bé chơi trò nhận biết các bộ phận trên cơ thể. Trò chơi này sẽ giúp bé phát triển khả năng nhận thức rất tốt cũng như góp phần tạo mối quan hệ khăng khít, gần gũi giữa hai mẹ con.
Mẹ có thể đặt con vào lòng mình và nhìn vào một tấm gương to hoặc có thể ngồi đối diện với nhau. Mẹ chỉ lên các bộ phận trên cơ thể mẹ và nói cho con biết.
Ví dụ “Đây là mũi của mẹ. Vậy mũi của con đâu rồi?” Lúc này mẹ sẽ cầm tay bé và chỉ lên mũi của bé. Sau khi bé đã quen, mẹ giới thiệu nhiều bộ phận hơn và đẩy nhanh tốc độ hỏi để con có thể phản xạ nhanh hơn.
Ngoài ra, mẹ có thể bật những bài nhạc về các bộ phận trên cơ thể như: Ồ sao bé không lắc, Năm ngón tay ngoan, Chiếc bụng đói,… giúp tăng thêm phần thú vị cho trò chơi.
Mẹ có thể cùng bé chơi trò nhận biết các bộ phận trên cơ thể.
Trò chơi kéo và đẩy
Những trò chơi cho phép trẻ thực hành những kỹ năng vận động thô như đứng, kéo lên và leo trèo rất quan trọng đối với bé lúc này. Trẻ cũng sẽ thích rèn luyện các kỹ năng vận động tinh của mình bằng cách nghịch nhãn trên áo sơ mi của cha mẹ.
Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này rất thích bắt chước. Khuyến khích hành vi này bằng cách tạo ra những tiếng ồn và sau đó gật đầu với trẻ để tiếp tục và thử một tiếng ồn khác. Trẻ có thể bắt chước cha mẹ hoặc tự tạo ra tiếng ồn theo ý của mình.
Trò chơi kéo phù hợp trong giai đoạn bé đang chập chững tập đi cũng như gắn kết tình cảm hai mẹ con. Cách chơi đơn giản mà thú vị, giúp luyện phản xạ cho bé, đồng thòi sẽ tập cho bé biết chia sẻ và tin tưởng vào người khác.
Mẹ chuẩn bị một vài đồ vật dễ di chuyển như cái ghế nhỏ hoặc thùng đồ chơi của bé. Lúc này mẹ sẽ đẩy thùng đồ chơi về phía bé và ra hiệu cho bé đẩy lại.
Khi chơi cùng con, mẹ hãy khuyến khích hành vi này bằng cách tạo ra những tiếng ồn và sau đó gật đầu với trẻ để tiếp tục và thử một tiếng ồn khác.
Trốn tìm
Trốn tìm là một trò chơi dân gian đã quá quen thuộc với mỗi người. Trò chơi này giúp đôi chân của bé cứng cáp hơn cũng như phản xạ nhanh nhẹn hơn.
Đồng thời, khuyến khích trẻ phát huy trí tưởng tượng, giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề khi chúng cố gắng tìm ra nơi trốn tốt nhất hoặc tìm kiếm mục tiêu. Trẻ còn biết phải đi nhẹ, nói khẽ trong khi tìm chỗ trốn.
Mẹ và bé thay phiên làm người trốn và người tìm, mẹ lưu ý là không nên trốn ở những nơi khuất và tối khiến con khó tìm ra nhé. Khi mẹ tìm được vị trí của con rồi thì cũng đừng chỉ ra liền mà hãy hỏi con những câu hỏi: “Ủa tay xinh của ai đây”, “Cái chân nhỏ đó có phải của con không”, sẽ khiến cho bé thích thú hơn đó mẹ nha.
Trốn tìm là một trò chơi dân gian giúp đôi chân của bé cứng cáp hơn cũng như phản xạ nhanh nhẹn hơn.
Xây tháp đồ ăn
Đây là trò chơi đơn giản nhưng giúp trẻ rèn luyện tốt khả năng phối hợp tay và mắt. Mẹ hãy nấu chín và cắt thành khoanh nhỏ nhiều loại rau như carrot, súp lơ xanh, khoai tây... Hoặc mẹ có thể tận dụng bất cứ đồ ăn gì có thể xây thành tháp, như bánh mỳ.
Đặt khay thức ăn trước mặt bé. Bạn cũng ngồi đối diện với bé và phân loại thức ăn, như carrot một góc, khoai tây một góc...
Hãy chồng những mảnh thức ăn thành từng tòa tháp một và để bé của bạn quan sát những gì bạn đang làm. Bắt đầu với những mảnh thức ăn lớn nhất và chồng lên cao dần.
Trong quá trình trẻ chơi trò chơi, mẹ hãy khuyến khích để trẻ tăng sự tự tin.