Cách bố mẹ đối xử với con cái quyết định cách con đối xử với bố mẹ khi lớn.
Chị Linh (quận 4, T.P HCM) cho biết, lúc con gái 3 tuổi, trong một lần chị hỏi con "Ai đã làm chuyện này" khi nhìn thấy chiếc cốc bị bể trên bàn. Câu trả lời của con sau đó đã khiến chị vô cùng bàng hoàng. Đứa trẻ dõng dạc nói "Tao!" Thế là từ đấy vợ chồng chị không bao giờ dám xưng hô mày tao với nhau hay giao tiếp với con bằng ngôn ngữ như thế nữa.
Anh P giấu tên cũng rất buồn khi chia sẻ rằng, hồi xưa anh rất hay la rầy, mắng chửi con trai mỗi khi đứa trẻ phạm lỗi. Cũng bởi vì như thế mà càng lớn thì thằng bé càng lầm lì, không thân thiện mà rất xa cách với bố. Nếu có thì cũng là những sự giao tiếp thể hiện rõ thái độ khó chịu, thậm chí đôi khi con còn hỗn hào với bố.
Từ những tình huống trên có thể thấy, cách bố mẹ đối xử với con cái khi còn nhỏ, sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cách con trẻ đối xử với bố mẹ khi lớn lên. Nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc "gương sáng" hoặc "gương phản chiếu". Điều này cho thấy rằng, con trẻ thường học hỏi và mô phỏng những hành vi, thái độ và giá trị mà bố mẹ truyền tải trong quá trình nuôi dạy từ thuở nhỏ.
Khi bố mẹ đối xử với trẻ một cách tôn trọng, yêu thương và chăm sóc, con sẽ nhận thức và học cách đối xử tương tự với những người xung quanh, và đặc biệt là với bố mẹ của mình. Sau này khi trẻ lớn lên cũng sẽ phát triển những phẩm chất tốt và trở thành một người tử tế, biết cách đối nhân xử thế.
Cách bố mẹ đối xử với con sẽ phản ánh cách đứa trẻ "đáp lại" bố mẹ sau khi lớn (Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, nếu bố mẹ đối xử với con một cách không công bằng, bất công hoặc thậm chí hời hợt không quan tâm, con trẻ cũng có thể học theo và tái hiện những tính cách này khi trưởng thành, nhất là trong quá trình tương tác, ứng xử với bố mẹ. Điều đó có thể dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ, và đôi khi sẽ hình thành những mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong tương lai.
Hiểu được tầm quan trọng của bố mẹ trong việc định hình tính cách, sự phát triển lành mạnh của con trẻ, tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh đã có những chia sẻ dựa trên quan điểm chuyên môn để giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về tâm lý "đáp trả" của con trẻ. Từ đó, biết nhìn con để sửa mình, trở thành các ông bố bà mẹ tốt, nuôi dạy những đứa con ngoan.
Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.
Thưa chuyên gia, vì sao trẻ càng lớn càng có tâm lý "đáp trả" bố mẹ dựa trên cách mà bố mẹ đã đối xử với mình khi còn nhỏ?
Trẻ em thường tiếp thu tất cả mọi trải nghiệm, kể cả những phong cách và hành vi nuôi dạy con cái từ người lớn mà trẻ đã tiếp nhận và trải qua trong suốt thời thơ ấu.
Nếu bố mẹ sử dụng các phương pháp trừng phạt hoặc độc đoán, gây ra những cảm xúc ức chế kéo dài ở trẻ, trẻ có thể sẽ hình thành nên những suy nghĩ và nhận định sai lầm (bố mẹ không yêu thương mình, bố mẹ ghét bỏ mình, mình cần phải dùng thủ đoạn này để né tránh bố mẹ..).
Từ đó, trẻ có thể phát triển tâm lý thù hằn, mong muốn trả đũa vì trẻ xem đó là tiêu chuẩn để giải quyết xung đột, cáu giận hoặc khẳng định quyền lực. Ngoài ra, trẻ em có thể tìm kiếm sự công nhận hoặc cảm giác công bằng, bằng cách lặp lại những hành vi mà trẻ đã trải qua.
Tâm lý này xảy ra thuộc về lỗi của ai, bố mẹ hay con cái, vì sao?
Việc phải chỉ ra chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề này thường không đơn giản, vì rất có thể cả bố mẹ và con cái đều góp phần tạo nên tình trạng này. Bố mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi của con cái, thông qua việc làm gương và cách quản lý hành vi trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, trẻ em cũng là những cá thể riêng biệt. Khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ có quyền tự quyết và có thể lựa chọn cách đáp lại sự dạy dỗ mà mình đã nhận được. Điều quan trọng là cần phân tích kỹ càng để nhận ra bản chất tương hỗ trong các tương tác giữa bố mẹ và con cái, để cùng giải quyết các vấn đề cốt lõi.
Trẻ có tâm lý "đáp trả" bố mẹ thường có sự phát triển tâm lý, tính cách như thế nào?
Những đứa trẻ có tư duy trả đũa có thể gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội và cả với gia đình, gặp khó khăn cả trong khả năng điều tiết cảm xúc. Trẻ có thể luôn mang trong mình cảm giác oán giận hoặc tức giận mà không thể giải quyết, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tâm lý và hạnh phúc của chính trẻ.
Ngoài ra, lối suy nghĩ này có thể gây rối loạn chức năng trong hệ thống gia đình, ảnh hưởng dài lâu trong nhiều thế hệ. Các vấn đề như khó hình thành sự gắn bó lành mạnh, lòng tự trọng thấp và thách thức khi cần tuân thủ giới hạn cũng có thể xảy ra.
Bố mẹ cần đối diện, phản ứng với tâm lý này của trẻ ra sao?
- Tự suy ngẫm: Bố mẹ nên tự suy ngẫm để nhận ra phong cách nuôi dạy con cái của chính mình, có thể đã góp phần như thế nào vào suy nghĩ của con cái. Chịu trách nhiệm về hành động của mình, và tìm cách hiểu quan điểm của con cái là vô cùng quan trọng.
- Giao tiếp cởi mở: Gia tăng việc giao tiếp tích cực với trẻ, tạo không gian an toàn để trẻ bày tỏ cảm xúc và những suy nghĩ riêng, những mối quan tâm của bản thân mà không sợ bị phán xét hay la rầy.
- Hỗ trợ từ nhà chuyên môn: Cân nhắc tìm kiếm liệu pháp tâm lý hoặc tư vấn cho cả bố mẹ và con cái để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn, và tìm hiểu các chiến lược đối phó lành mạnh hơn.
- Làm tấm gương tích cực về hành vi: Bố mẹ nên làm gương về kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột theo cách tích cực, thể hiện sự đồng cảm, tôn trọng và hiểu biết.
- Thiết lập ranh giới hợp lý: Nhấn mạnh tầm quan trọng của ranh giới lành mạnh và giao tiếp quyết đoán trong gia đình, khuyến khích sự tôn trọng và đồng cảm lẫn nhau.
- Khuyến khích sự tha thứ và hàn gắn: Biết cách thừa nhận những sai lầm trong quá khứ và hướng tới sự hòa giải, phát triển sẽ giúp tạo ra một môi trường tình cảm ấm áp và yêu thương lâu dài cho trẻ.
Giải quyết tâm lý trả thù đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và cam kết thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh trong đơn vị gia đình. Bằng cách giải quyết các vấn đề cơ bản và thúc đẩy giao tiếp, hành vi tích cực, bố mẹ có thể hỗ trợ con mình thoát khỏi những khuôn mẫu phá hoại và thúc đẩy sự phát triển tâm lý tích cực.