Trẻ nhỏ cần được dạy khi vừa bắt đầu biết nhận thức để hình thành thói quen và kỷ luật tốt.
Ông bà xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”. Thật vậy, trẻ con cũng giống như một cây non cần được hướng dẫn, uốn nắn từ khi còn nhỏ. Nhưng trong mắt cha mẹ, con cái lúc nào cũng thật bé bỏng và “chưa biết gì” nên cha mẹ vẫn thường có khuynh hướng nuông chiều bé.
Thực tế, trẻ cần được dạy khi vừa bắt đầu biết nhận thức để hình thành thói quen và có kỷ luật tốt. Mặc dù đây là một công việc cần thời gian và sự kiên nhẫn vì để các bé tuổi có thể hiểu được lời của cha mẹ và phải tuân theo một quy tắc nhất định là rất khó.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể trang bị cho mình sự kiên nhẫn, luôn hỗ trợ và mang đến những cảm xúc tích cực cho con vì bé sẽ rất cần sự động viên, hỗ trợ và yêu thương của cha mẹ trong suốt quá trình rèn luyện này.
Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể rèn tính kỷ luật cho các bé nhỏ? Để bắt đầu, dưới đây là một số cách có thể giúp cha mẹ dạy con mình hiểu và tuân theo các quy tắc trong gia đình.
Tạo sự chú ý của con từ hành vi tốt của cha mẹ
Trẻ nhỏ luôn biết học hỏi từ môi trường xung quanh, do đó hành vi của cha mẹ sẽ cho trẻ thấy đâu là hướng đi đúng và đó là lý do tại sao việc kêu gọi sự chú ý đến hành vi tốt lại có hiệu quả.
Khi trẻ làm một việc đúng và nhận được những phản ứng tích cực từ cha mẹ, các bé sẽ hình thành mong muốn lặp lại hành vi đó để nhận được nhiều “phần thưởng” hơn.
Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ nhỏ không thể phân biệt được đâu là đúng và sai, các bé chỉ có thể quan sát những kết quả sau hành động đó. Nếu cha mẹ liên tục kêu gọi sự chú ý đến hành vi tốt sẽ tạo ấn tượng lâu dài đối với con.
Sử dụng giọng nói nghiêm túc của cha mẹ
Cha mẹ cần có những khoảnh khắc nói “không” khi trẻ có hành vi chưa đúng. Cũng giống như những phản ứng tích cực để đánh dấu hành vi tốt, giọng nói nghiêm túc của cha mẹ thể hiện sự không đồng tình với hành vi xấu của trẻ.
Phương pháp này chỉ có hiệu quả khi cha mẹ kết hợp giọng nói nghiêm túc và giữ sự điềm tĩnh bằng cách nói “không”. Lúc này, trẻ sẽ hiểu được sự thay đổi giọng điệu dần trở nên nghiêm túc của cha mẹ như một tín hiệu của điều gì đó không ổn.
Chuyển hướng chú ý của con
Đánh lạc hướng sự chú ý của con là một phương pháp kỷ luật khá hiệu quả. Việc chuyển hướng chú ý của trẻ sẽ không gây nguy hiểm cho sự tò mò của trẻ mà chỉ đơn giản là chuyển sự chú ý sang một điều gì đó tích cực thay vì cấm đoán trẻ.
Nếu cha mẹ cấm đoán quá nhiều, bé của bạn sẽ trở nên cực kỳ tiêu cực, không thể phát triển tính tự tin lên được. Khi trẻ lớn hơn một chút sẽ dễ mắc vào các vấn đề phức tạp. Thông thường, khi bị cấm đoán làm những việc trẻ muốn, trong lòng thường sẽ nảy sinh tính phản kháng khiến trẻ có tính nóng nảy và hay cáu.
Cho con một khoảng thời gian “cách ly tạm thời”
Với cách này, khi con làm sai, cha mẹ hãy cho con một khoảng thời gian yên tĩnh, một mình. Vì thứ trẻ muốn là được quan tâm và chăm sóc, sự cô lập này sẽ như một hình phạt để trẻ biết là mình đang sai.
Đây là một cách phù hợp để “đối phó” với những hành vi không được chấp nhận như ném thức ăn, cắn hoặc đánh của trẻ.
Khi con phạm lỗi, cha mẹ có thể đưa con đến một khu vực nào đó an toàn, để con một mình trong vòng 1-2 phút. Tuy nhiên cha mẹ lưu ý là không nên để trẻ một mình quá lâu, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Dùng những hành động vui nhộn
Những hành động hài hước là một giải pháp giảm căng thẳng để khuyến khích kỷ luật. Sử dụng niềm vui, tiếng cười và sự hài hước để dạy con bạn về những điều nên làm và không nên làm.