Dù trẻ bao nhiêu tuổi, cha mẹ vẫn có thể giúp chúng trở thành đứa trẻ tốt bụng bằng cách áp dụng phương pháp nuôi dạy con phù hợp.
Đã bao giờ bạn thấy con cái của mình làm tổn thương người khác bằng việc nói một điều gì đó không tốt hoặc không giúp đỡ một ai đó đang gặp khó khăn? Nhiều cha mẹ sẽ có phản ứng cảm thấy xấu hổ và trách bản thân mình đã dạy con sai ở chỗ nào?
Nhưng làm thế nào để bạn dạy con trở thành một người tử tế? Điều này không giống như việc dạy trẻ bảng chữ cái và những con số, hay thậm chí là làm sao để tự đi giày. Đặc biệt, khi cuộc sống trở nên phát triển hơn, cha mẹ ngày càng trở nên nuông chiều con cái hơn, dành cho con những điều tốt nhất. Tiến sĩ Foo Koong Hean, giáo sư tâm lý học của Đại học James Cook (Singapore) ví xu hướng này chính là lý do khiến trẻ trở nên khó bảo.
“Cha mẹ làm mọi thứ để con có một cuộc sống tốt đẹp và không phải chịu thiệt thòi,” Tiến sĩ Foo giải thích. Kết quả đáng buồn này khiến một thế hệ trẻ cảm thấy đây là một đặc quyền mà trẻ được nhận. Đây chính là lý do khiến trẻ trở nên ích kỷ, không để ý đến cảm nhận của người khác, không hiểu được ý nghĩa của việc tử tế và tấm lòng nhân ái.
Nhưng Dù trẻ bao nhiêu tuổi, cha mẹ vẫn có thể giúp chúng trở thành đứa trẻ tốt bụng bằng cách áp dụng phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Cũng như dạy trẻ hiểu được cảm nhận của người khác rất quan trọng, đừng chỉ tập trung vào cảm xúc của chính mình.
Dưới đây là một số gợi ý mà cha mẹ nên làm theo để nuôi dưỡng lòng nhân ái ở trẻ nhỏ.
Xây dựng sự đồng cảm
Sự đồng cảm có thể hiểu là khả năng hiểu và nhạy cảm với cảm xúc của người khác, cho phép chúng ta cảm thấy gắn bó với gia đình, bạn bè và thậm chí cả những người xa lạ. Biết đặt mình vào vị trí của người khác giúp trẻ khơi dậy lòng biết ơn và sự trắc ẩn.
Đầu tiên, trẻ cần biết rằng thế giới không chỉ xoay quanh chúng ta. Tiến sĩ Foo nói: “Nếu cha mẹ liên tục thỏa mãn những nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ không biết về quan tâm đến thế giới xung quanh. Hay cha mẹ đặt nhu cầu của con lên hàng đầu, trẻ sẽ không quan tâm những người xung quanh như ông bà, anh chị, bạn bè đã dùng bữa chưa".
Hãy bắt đầu chia sẻ những câu chuyện của chính cha mẹ cho con ví dụ như: Hôm nay một cô đồng nghiệp đã giúp mẹ hoàn thành công việc khó để về nhà với con. Sau đó, mẹ có thể đọc sách và xem các chương trình cùng con rồi hỏi về cảm nhận, đánh giá của con về một nhân vật nào đó trong chương trình.
Dạy con cư xử lịch thiệp
Cho dù đó là anh chị em ruột hay thú cưng, hãy dạy trẻ cách đối xử cẩn thận và nhẹ nhàng trong mọi trường hợp. Nếu trẻ gây chiến với anh chị em trong nhà, hãy ngay lập tức trách phạt nếu trẻ sử dụng những hành động bạo lực.
Cha mẹ làm gương cho con
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã theo dõi mọi hành động và lời nói của cha mẹ, từ đó khám phá ra điều mà trẻ cho là “hành vi phù hợp”. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý đến cách phản ứng với trẻ khi trẻ nói chuyện với chúng ta và cách chính trẻ giải quyết xung đột, chẳng hạn như khi một đứa trẻ khác giật đồ chơi của mình.
Tiến sĩ Foo lưu ý rằng, nếu cha mẹ chỉ hướng dẫn hoặc ra lệnh cho con là chưa đủ, vì nếu không giải thích, con trẻ sẽ không biết tại sao mình phải làm như vậy và sẽ tiếp tục làm ngược lại.
Ví dụ như trường hợp, cha mẹ yêu cầu trẻ không được đi ngược đường nhưng không giải thích cho trẻ hiểu lý do tại sao.
Điều này cũng giống như việc, cha mẹ khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác nhưng không giải thích được ý nghĩa của những hành động đó là gì, giúp ích cho người khác ra sao.
Cho trẻ cơ hội để giúp đỡ
Tiến sĩ Foo nhấn mạnh rằng việc nuôi dưỡng những đứa trẻ tử tế bắt đầu từ gia đình: “Rất nhiều điều trẻ đã được dạy ở trường, nhưng phải hoàn thành ở nhà. Tôi đã gặp những bậc cha mẹ nói rằng công việc của cha mẹ là chiều chuộng con cái và việc của nhà trường là kỷ luật chúng. Tuy nhiên việc học của trẻ bắt đầu ở nhà. Ngay cả khi ở nhà, hãy dạy trẻ những thói quen tốt sống có ích".
Giải thích những hành động nhân ái
Tiến sĩ Foo khuyến khích cha mẹ đọc cho con nghe những cuốn sách về lòng nhân ái, lòng trắc ẩn và lòng khoan dung. Bằng cách này, khi trẻ nhìn thấy một tình huống thực tế đang diễn ra, trẻ sẽ biết phải làm gì?
Lúc này, cha mẹ hãy đặt những câu hỏi như: "Con cảm thấy thế nào về điều này? Con nghĩ người kia cảm thấy thế nào? Con nên làm gì? ” Nếu cha mẹ thường xuyên giúp con có những suy nghĩ khi gặp những tình huống như vậy, một phản ứng chu đáo sẽ đến với trẻ một cách tự nhiên.
Bắt đầu từ nền văn hóa trong gia đình
Ngày nay, hầu hết trẻ em không biết giá trị gia đình của mình là gì, Tiến sĩ Foo cho biết. “Trẻ dường như cho rằng việc được chăm sóc bởi gia đình của mình là điều hiển nhiên. Trẻ không biết cư xử tử tế hay lịch sự là vì đang được phục vụ mọi thứ.”
Nếu trẻ em không quan tâm hoặc không nhận thấy nhu cầu của người khác, trẻ sẽ thiếu nhận thức về bản thân lẫn nhận thức về người khác.
Chìa khóa để gỡ rối vấn đề này là nuôi dưỡng một nền văn hóa gia đình luôn biết quan tâm lẫn nhau.
Cuối cùng, tiến sĩ Foo khẳng định: Không bao giờ là quá trễ để xây dựng một nền văn hóa gia đình, và dạy trẻ hình thành những đức tính tốt, cha mẹ nên bắt đầu sớm.