Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng

Thi Thi - Ngày 05/10/2022 21:21 PM (GMT+7)

Chuyên gia tâm lý gợi ý một số cách để bố mẹ giúp con thoát khỏi tình trạng bị bạn bắt nạt.

Hiện nay, những vụ bắt nạt học đường thường xuyên bùng phát, trẻ em ở độ tuổi nào cũng dễ trở thành đối tượng bắt nạt, điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng cho sức khỏe và tinh thần của con mình. 

Các chuyên gia tâm lý cho biết, có 2 đặc điểm chung về tính cách ở những trẻ dễ bị bắt nạt, bố mẹ nên chú ý quan sát, hiểu được tính cách của con, từ đó có phương cách nuôi dạy phù hợp, giúp con tự tin, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tình thần.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 2

Những đứa trẻ hướng nội, ít nói và nhút nhát

Theo cuộc khảo sát của các nhà nghiên cứu tâm lý, hầu hết những đứa trẻ sống nội tâm và ít nói, ít hoạt náo trong lớp thường dễ trở thành đối tượng bắt nạt.

Thêm vào đó, trẻ càng nhút nhát càng dễ trở thành mục tiêu bắt nạt. Một điều đáng chú ý, những đứa trẻ này khi bị bắt nạt, thường có xu hướng im lặng chịu đựng, ít khi kể với bố mẹ. 

Đôi khi, trẻ em bị bắt nạt vì điều gì đó mà trẻ vốn đã nhạy cảm, chẳng hạn như ngoại hình. Trong một số trường hợp khác, hành vi ngược đãi có thể tồn tại dưới dạng lời cáo buộc về hành động nào đó trẻ đã làm.

Những đứa trẻ có tính cách nhút nhát thường dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt.

Những đứa trẻ có tính cách nhút nhát thường dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt.

Thế nên, với một số trẻ, việc nêu rõ "khuyết điểm" của mình khi kể lại chuyện với người lớn còn tồi tệ hơn cả việc bị bắt nạt.

Ở một số trường có quy mô nhóm nhỏ, vấn đề có thể còn nghiêm trọng hơn. Trẻ em cũng có tâm lý "bầy đàn" mạnh mẽ, nếu một trong những nhóm nhỏ này bắt đầu bắt nạt đứa trẻ nhút nhát thì những đứa trẻ khác cũng dần dần làm theo.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 4

Trẻ có tính cách hiền lành, quá tốt bụng

Một số trẻ sẽ không quá đề phòng người khác và rất tốt bụng nhưng điều này có thể gây ra nhiều rắc rối cho chính trẻ.

Ví dụ, nếu đứa trẻ này thường mang đồ ăn ngon đến lớp, khi bạn bè xin, liền chia sẻ. Sự việc được lặp đi lặp lại, rất có thể sẽ khiến đứa trẻ khác hình thành thói quen luôn tìm đến đứa trẻ này để đòi cho nhiều hơn.

Trẻ em không thể tránh khỏi va chạm với nhau. Hầu hết các em không có sự đồng cảm và không biết cách hòa đồng với mọi người. Có thể là khi người khác vô tình chạm vào và làm tổn thương, trẻ có thể cảm thấy rằng người khác đang bắt nạt mình.

Trẻ em cũng có tâm lý bầy đàn mạnh mẽ, nếu một trong những nhóm nhỏ này bắt đầu bắt nạt đứa trẻ nhút nhát thì những đứa trẻ khác cũng dần dần làm theo.

Trẻ em cũng có tâm lý "bầy đàn" mạnh mẽ, nếu một trong những nhóm nhỏ này bắt đầu bắt nạt đứa trẻ nhút nhát thì những đứa trẻ khác cũng dần dần làm theo.

Trong khi đó, những đứa trẻ trở thành nạn nhân thường khao khát sự chấp nhận từ chính những người đang bắt nạt mình. Để tiếp tục là một phần của nhóm, trẻ có thể dung túng tình bạn giả tạo và những hành vi xấu tính, đặc biệt nếu người bắt nạt họ có địa vị cao hơn.

Hầu hết các vụ bắt nạt xảy ra khi người lớn vắng mặt hoặc không đủ gần để chứng kiến hành vi. Những địa điểm đó có thể là cầu thang, hành lang tối, phòng tắm, phòng thay đồ…

Về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà gợi ý một số cách để bố mẹ giúp con thoát khỏi tình trạng bị bạn bắt nạt.

Tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà, Trường Đại học Sư phạm, Tp.HCM.

Tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà, Trường Đại học Sư phạm, Tp.HCM.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 7

Thưa chuyên gia, dấu hiệu nào để bố mẹ nhận biết con đang bị bắt nạt ở trường?

Trong một số trường hợp, trẻ có thể nói với bố mẹ về việc trẻ bị bắt nạt ở trường học, chẳng hạn như trẻ kể về việc bị một người bạn nào đó nói xấu, trêu chọc hoặc không cho chơi cùng, thậm chí, đe doạ hoặc làm tổn thương trẻ. Trong trường hợp trẻ không chia sẻ, bố mẹ có thể xem xét một số biểu hiện sau đây:

Về thể lý:

Vết bầm tím, vết thương hoặc trầy xước.

Quần áo nhàu nhĩ và/hoặc bị rách.

Ăn uống kém.

Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên gặp ác mộng.

Có một số hành vi thoái lui, chẳng hạn như tè dầm, ngậm ngón tay, hay khóc nhè mà không rõ nguyên nhân,…

Than phiền về một vấn đề thể lý nào đó: ví dụ như đau bụng, đau đầu,…

Về hành vi:

Không muốn hoặc từ chối đi học mà không có lý do cụ thể.

Không hoặc rất ít tham gia các hoạt động ở trường học.

Có rất ít bạn ở trường và/hoặc trẻ né tránh khi được hỏi về bạn bè ở trường học.

Gặp khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở trường học.

Xin bố mẹ/Đòi hỏi tiền tiêu vặt nhiều hơn hoặc một loại đồ dùng nào đó (do người thực hiện hành vi bắt nạt đòi tiền hoặc vật dụng của trẻ)

Thay đổi các tương tác/ thói quen xã hội (chẳng hạn như rút lui hoặc tránh né các hoạt động trẻ từng rất yêu thích trước đây)

Thu mình, ngại tiếp xúc.

Về cảm xúc: Trẻ có vẻ lo lắng bất thường, hồi hộp, buồn bã, tức giận, khó chịu,.... Những biểu hiện này có thể rõ ràng hơn vào ngày chủ nhật hoặc ngày cuối trong đợt nghỉ lễ trước ngày trẻ trở lại trường.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những dấu hiệu này không chắc chắn rằng trẻ đang bị bắt nạt. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác.

Vì vậy, bố mẹ nên quan tâm, xem xét những dấu hiệu này một cách cẩn thận và có thể trao đổi với giáo viên hoặc chuyên viên tâm lý học đường tại trường học của trẻ.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 8

Khi bị bắt bạt trẻ phản ứng thế nào? Giữ im lặng mách cô, hay đánh lại bạn?

Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách ứng phó với hành vi bắt nạt nếu nó xảy ra. Điều quan trọng cần lưu ý là không nên dạy trẻ phản ứng với hành vi bắt nạt bằng cách đánh nhau hoặc bắt nạt lại.

Thay vào đó, bố mẹ nên dạy trẻ tránh xa tình huống này, báo với giáo viên hoặc các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường; tìm đến những bạn khác để được giúp đỡ.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 9

Nhiều người gợi ý rằng sự tương tác, gắn kết của bố mẹ sẽ giúp trẻ giảm thiểu tình trạng bị bạn bắt nạt, chuyên gia nghĩ gì về vai trò của bố mẹ trong vấn đề này?

Tình yêu thương, sự kết nối và ảnh hưởng của bố mẹ có sức mạnh to lớn đối với trẻ. Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong đó, bao gồm cả việc dự phòng và giúp trẻ ứng phó với hành vi bắt nạt; cũng như giúp trẻ xây dựng sức mạnh nội tại, lòng tự tôn để trẻ có thể tự bảo vệ và ứng phó với hành vi bắt nạt ở trường học.

Con bị bạn đánh nên mách cô hay đánh lại? TS tâm lý gợi ý cách dạy con xử lý đúng - 10

Bố mẹ nên làm gì để dạy con xử lý và phòng ngừa bị bắt nạt ở trường?

Bố mẹ có thể chủ động giáo dục trẻ về vấn đề bắt nạt ở trường học để trẻ hiểu và có phản ứng phù hợp.  Ví dụ, bố mẹ có thể nói chuyện với trẻ về bắt nạt là gì, chia sẻ những câu chuyện, bài học về bắt nạt, cách ứng phó với hành vi bắt nạt,…

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số cách thức sau đây để ứng phó và phòng ngừa bị bắt nạt ở trường:

- Chủ động tránh những kẻ có hành vi bắt nạt và hạn chế ở một mình, cụ thể, lưu ý trẻ không sử dụng nhà vệ sinh khi kẻ bắt nạt đang ở gần đó và xung quanh không có ai khác; chủ động kết bạn và luôn có bạn đi cùng hoặc tham gia cùng trong các hoạt động ở trường.

- Kiểm soát cảm xúc: Việc trẻ cảm thấy khó chịu, sợ hãi bởi kẻ bắt nạt là điều đương nhiên, nhưng chứng kiến điều này làm cho kẻ bắt nạt cảm thấy thích thú và sẵn sàng duy trì hành vi.

Vì vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số bài tập kiểm soát cảm xúc như “đếm đến 10”, hít thở sâu, giữ vẻ mặt bình tĩnh, hoặc bỏ đi thay vì phản ứng bằng cách khóc, đỏ mặt, buồn bã hoặc sợ hãi

- Không quan tâm, phớt lờ kẻ bắt nạt: dạy trẻ cách nói rõ ràng và dứt khoát để kẻ bắt nạt dừng lại, sau đó bỏ đi, đồng thời, hướng dẫn trẻ phớt lờ những nhận xét gây tổn thương như tỏ ra không quan tâm hoặc chú tâm vào một việc nào khác.

Bằng cách phớt lờ kẻ bắt nạt, trẻ đang cho thấy là trẻ không quan tâm, vì vậy, kẻ bắt nạt có thể cảm thấy nhàm chán và không tiếp tục hành vi bắt nạt.

- Nói với người lớn: Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự hỗ trợ từ người lớn (đặc biệt là giáo viên và các lực lượng giáo dục trong nhà trường) bởi đây là những người sẵn sàng hỗ trợ trẻ và có biện pháp để ngăn chặn hành vi bắt nạt.

- Chia sẻ: Bố mẹ có thể tạo điều kiện, khơi gợi để trẻ chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm ở trường học của mình. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng khuyến khích trẻ chia sẻ với bạn bè, giáo viên hoặc bất kỳ ai mà trẻ tin tưởng.

Việc chia sẻ này có thể giúp trẻ giải toả cảm xúc, thiết lập các mối quan hệ xã hội, xác lập các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời có thêm các gợi ý về cách thức ứng phó và dự phòng hành vi bắt nạt khi trẻ không có bố mẹ bên cạnh.

Theo Thi Thi Dịch từ: Sohu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia