Thực tế, trong quá trình mang thai và chuẩn bị chào đón em bé thứ hai lọt lòng, các mẹ đã có nhiều kinh nghiệm, không còn lo lắng như trước đó nên có tâm lý thoải mái hơn.
Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con là thông điệp được ngành dân số đưa vào vận động nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và cũng khuyến khích các cha mẹ có thể có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy các con tốt nhất. Với chính sách này, nhiều gia đình lựa chọn sinh con thứ hai trở nên khá phổ biến.
Cũng vì vậy mà nhiều câu chuyện hài hước được các mẹ truyền tai nhau khi sinh con so (con đầu) và con rạ (con thứ hai), trong đó có một câu đùa rất phổ biến: Con so “ngơ” hơn con rạ - ý nói em bé thứ hai thường thông minh hơn anh chị đầu của mình.
Tất nhiên lời nói đùa là dựa trên căn cứ cảm nhận về nhiều mặt của nhiều bậc phụ huynh, thế nhưng liệu điều này có chính xác hay không? Nhiều bà mẹ vì ý nghĩ này mà khi mang thai em bé thứ hai đều cảm thấy vui hơn. Một số nghiên cứu và khảo sát được thực hiện trên những bà bầu đã cho ra một số kết quả rất thú vị về sự khác nhau khi mang thai 2 em bé.
Thực tế, sau lần đầu mang thai, các mẹ khi chuẩn bị chào đón em bé thứ hai lọt lòng đã có kinh nghiệm hơn, không còn lo lắng như trước đó nên có tâm lý thoải mái hơn.
Vậy nên, khi người mẹ mẹ có tâm trạng ổn định thì con nằm trong bụng cũng có thể cảm nhận được điều đó, cho nên việc mang thai và sinh em bé thứ hai mới dễ dàng hơn. Ngoài ra, một số phản ứng khác biệt khác mẹ bầu có thể gặp như:
Những khác biệt khi mẹ mang thai và nuôi dạy em bé thứ hai
Mẹ “quyết đoán” trong quá trình mang thai em bé thứ hai
Khi sinh con đầu lòng, không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Chính vì vậy mà các mẹ bầu rất lo lắng, thường “ai chỉ gì đều làm nấy”, luôn nghe theo lời người lớn trong nhà như mẹ chồng, mẹ ruột hoặc ông bà, cô dì chú bác… mỗi khi mẹ không biết phải làm gì và dạy con như thế nào cho tốt?
Nhưng khi mẹ có em bé thứ hai, trong đầu mẹ sẽ có nhiều ý tưởng của riêng mình, hiểu rõ cơ thể mình trải qua ốm nghén như thế nào, sinh nở như thế nào và cũng sẽ biết cách chăm sóc con sao cho tốt nhất với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân thay vì “ai nói gì cũng nghe theo”.
Nhiều quan niệm dân gian tin rằng em bé thứ hai sẽ thông minh hơn. (Ảnh minh họa)
Mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn khi nuôi dạy em bé thứ hai
Lần đầu tiên làm mẹ, chắc hẳn bà mẹ nào cũng phải thử nghiệm nhiều phương pháp để tìm ra phương pháp nuôi con hợp với mẹ và em bé nhất.
Thế nhưng khi mang thai lần hai, mẹ trở nên “dày dặn kinh nghiệm”, có thể loại trừ một số phương pháp không phù hợp với mình trước đó và áp dụng lên em bé thứ hai cũng “trơn tru” hơn. Nhờ vậy mà có cảm giác em bé thứ hai chào đời được nuôi nấng một cách dễ dàng và hợp tác hơn.
Bởi mang thai, sinh con và chăm sóc em bé thứ hai có nhiều lợi thế hơn, nên nhiều ông bố bà mẹ cho rằng việc này sẽ khiến em bé thứ hai thông minh hơn em bé đầu tiên.
Dù trên thực tế, thứ tự sinh có thể ảnh hưởng đến tư chất thông minh của một em bé, nhưng kết quả lại ngược lại: Con càng chào đời sớm, càng thông minh hơn. Vì vậy, em bé đầu mới là em bé thông minh hơn các em bé sau theo nghiên cứu của Belmont - nhà khoa học nổi tiếng từ năm 1973.
Bởi khi các mẹ mang thai, sinh con và chăm sóc em bé thứ hai có nhiều lợi thế hơn.
Có hai nguyên nhân chính lý giải cho điều này: Trẻ sinh đầu thường rơi vào độ tuổi sinh nở tốt nhất của cha mẹ, do đó thường được thể hiện nhiều tính trạng gen tốt trên cơ thể và cả trí não. Thứ hai, trẻ sinh đầu được cha mẹ đặc biệt quan tâm chăm sóc vì mới chỉ có một em bé. Trẻ được cha mẹ quan tâm bầu bạn, chăm sóc sẽ dẫn đến trí tuệ và cảm xúc tốt hơn.
Ngược lại, một em bé thông minh hay không còn có nhiều yếu tố liên quan khác, thứ tự sinh em bé chỉ ảnh hưởng rất nhỏ mà thôi. Một số nghiên cứu khoa học đã đưa ra câu trả lời cho sự khác biệt về trí thông minh của trẻ em còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự khác biệt về trí thông minh của trẻ em
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng luôn mong muốn con mình thông minh, hạnh phúc,... nhưng để trẻ sở hữu những ưu điểm ấy cần rất nhiều yếu tố như: Yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, môi trường giáo dục,... Thậm chí ngay cả những việc làm của cha mẹ trước và trong khi mang thai cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ.
Dưới đây là 3 yếu tố phổ biến nhất ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ, cha mẹ nên biết và lưu tâm.
Yếu tố di truyền, ảnh hưởng bởi thể trạng của cha mẹ
Gen quy định rất nhiều tính chất trong việc di truyền, chỉ số thông minh là một trong số đó. Do đó việc trẻ có thông minh hay không trước hết là nhờ được thừa hưởng gen trội từ cha mẹ.
Nếu cha mẹ thông minh thì theo nguyên lý di truyền, con cái sẽ càng có chỉ số di truyền thông minh, có tiềm năng trí tuệ và IQ rất tốt từ khi mới lọt lòng. Yếu tố di truyền này chiếm tỷ lệ lớn quyết định trí thông minh của trẻ.
Ngoài ra, thể trạng của mẹ khi mang thai và việc mẹ bổ sung dinh dưỡng trong quá trình bầu bí cũng sẽ có tác động đến thể chất và trí tuệ của trẻ sau này.
Khi mẹ sinh em bé thứ hai, em bé đầu tiên cũng trưởng thành hơn, trong một số trường hợp có thể là người đáng tin cậy dẫn dắt cho em.
Yếu tố giáo dục, ảnh hưởng của môi trường nuôi dưỡng con trẻ
Tất nhiên yếu tố giáo dục là không thể thiếu trong việc rèn luyện và phát triển trí thông minh của em bé. Một điều rất thú vị là dù em bé đầu hay em bé thứ hai thì đều có những lợi thế nhất định khi giáo dục con trẻ. Nếu là em bé đầu tiên, mẹ sẽ rất cẩn thận, tỉ mỉ, dễ mềm lòng và yếu đuối với sự mỏng manh, nhỏ bé của con.
Trong khi đó em bé thứ hai chào đời thì mẹ đã có kinh nghiệm hơn, có nhiều cơ hội đối mặt trực tiếp với vấn đề và dễ dàng tìm cách giải quyết hơn. Mẹ khi sinh em bé thứ hai cũng sẽ có trách nhiệm hơn và người con đầu cũng sẽ trưởng thành hơn.
Ảnh hưởng của chế độ ăn uống, dinh dưỡng
Bất kể là con đầu hay con thứ, những em bé lớn được bú sữa mẹ sẽ luôn có trí thông minh cao hơn hẳn. Sữa mẹ rất giàu dinh dưỡng, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của bé cũng ảnh hưởng tới chỉ số IQ của trẻ.
Trong một ngày, trẻ cần ăn đủ bữa, khối lượng khẩu phần ăn thích hợp, cân bằng giữa các nhóm chất và bổ sung vào thực đơn những thực phẩm tốt cho trí não. Những em bé chỉ ăn mỗi thịt hay ăn vặt nhiều đều sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não.
Yếu tố giáo dục và môi trường sống tốt cũng là điều kiện thuận lợi giúp trẻ rèn luyện trí thông minh.
Cha mẹ nên nuôi dạy cân bằng với cả hai con
Ngoài những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ, các chuyên gia cho biết cách thức thể hiện tình yêu thương của cha mẹ giữa các con trong gia đình cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ về sau. Bởi sự xuất hiện của hai em bé trong một gia đình ở hai thời điểm khác nhau không tránh khỏi sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái. Do đó, cha mẹ cần cân bằng mối quan hệ giữa cả em bé thứ nhất và em bé thứ hai.
Dù em bé thứ hai còn nhỏ và cha mẹ chắc hẳn phải dành nhiều thời gian để chăm sóc cho em bé nhiều hơn, nhưng đừng quên dành thời gian riêng tư cùng con lớn, sắp xếp thời gian để ở cùng với hai con “bằng nhau” để trẻ tránh bị cảm thấy “bỏ rơi” hay sinh lòng đố kị với em bé.
Một sai lầm rất lớn của các ông bố bà mẹ khi có con thứ hai là luôn cho rằng “làm anh phải nhường nhịn em nhỏ”, luôn luôn trách phạt con lớn trong mọi tranh chấp mà không tìm hiểu nguyên căn vấn đề. Dạy con về sự nhường nhịn là cần thiết, nhưng nhường nhịn dưới mọi tình huống, dù trẻ không sẵn sàng lại là điều không nên.
Khi có những mâu thuẩn giữa các con, cha mẹ nên bình tĩnh trước những tranh chấp của trẻ và hướng dẫn cách giải quyết công bằng với cả hai.
Lắng nghe các con kể chuyện, bình tĩnh trước những tranh chấp của trẻ nhỏ và hướng dẫn cách giải quyết công bằng với cả hai. Ngoài ra, cha mẹ cũng thường có xu hướng cưng chiều những đứa con “ưu tú hơn, giỏi giang hơn, ngoan ngoãn hơn…”, khiến em bé còn lại bị tổn thương bởi chính sự so sánh này.
Hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau, cha mẹ nên tôn trọng tốc độ phát triển đó của con thay vì so sánh để tạo động lực cho trẻ phấn đấu bằng chị bằng em.
Mẹ cũng nên gắn kết tình cảm “đồng đội” giữa hai con, ví dụ như nhờ em bé lớn trông em để làm khăng khít tình cảm, đoàn kết hơn, tạo ra nhiều cơ hội để trẻ cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề, dạy trẻ có trách nhiệm hơn.
Có hai anh chị em trong một gia đình rất hữu ích cho sự phát triển của chính hai em bé, trẻ sẽ có khả năng giao tiếp tốt hơn, biết nhờ giúp đỡ khi khó khăn, ở một khía cạnh nào đó, tình anh em đã dạy trẻ cách xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp trong tương lai.