Lựa chọn loại sữa phù hợp giúp con phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cũng yên tâm hơn.
Sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của con trẻ. Trong những năm tháng đầu đời, nhất là khi chưa bắt đầu giai đoạn ăn dặm, trẻ nhỏ cần duy trì các cữ bú sữa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.
Ngoài sữa mẹ, sữa tươi và sữa bột khá phổ biến, thường được các bậc phụ huynh lựa chọn cho con sử dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sự khác biệt cũng như những lưu ý khi cho con sử dụng 2 loại sữa này.
Vì sao trẻ em cần uống sữa?
Sữa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bao gồm các chất:
- Canxi cần thiết cho xương và răng chắc khỏe.
- Protein giúp tăng trưởng và cung cấp năng lượng.
- Vitamin A cho thị lực và chức năng miễn dịch.
- Vitamin B12 sản xuất các tế bào khỏe mạnh.
- Iốt điều chỉnh sự trao đổi chất.
- Magie cho chức năng cơ.
- Photpho giúp giải phóng năng lượng.
Sữa có hàm lượng calo cao, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của trẻ. Sữa mẹ chứa các axit béo thiết yếu được gọi là DHA, có liên quan đến chức năng não và phát triển chỉ số IQ. Nhiều loại sữa công thức cũng có thêm những chất béo này.
Sữa không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp trẻ đủ nước, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Thêm vào đó, sữa cũng là một nguồn an ủi tốt. Nhiều trẻ em thích bú sữa mẹ hoặc bú bình như một thói quen trước khi đi ngủ hoặc khi cảm thấy không khỏe.
Sữa cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển khoẻ mạnh.
Sữa tươi và sữa bột khác nhau thế nào?
Sữa tươi thường có nguồn gốc từ động vật như bò, dê, cừu,... đã được xử lý bởi công nghệ khử trùng hiện đại để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người sử dụng. Do đó, sữa tươi còn có tên đầy đủ là sữa tươi thanh trùng hoặc sữa tươi tiệt trùng. Về cơ bản, các loại sữa tươi đều có các thành phần dinh dưỡng như vitamin A, B2, B12, D, các protein, chất béo,… cùng các khoáng chất như: magie, kali, photpho, canxi,…nhưng lại nghèo chất sắt.
Sữa tươi có công dụng phát triển chiều cao của trẻ nhỏ và ngăn ngừa loãng xương ở người lớn. Tuy nhiên tỷ lệ canxi, đạm và photpho trong sữa tươi thường quá cao so với hệ tiêu hóa non nớt của bé, nên trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể không hấp thụ hết và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Sữa tươi tốt nhưng nghèo sắt, tỷ lệ các chất dinh dưỡng quá cao nên trẻ dưới 1 tuổi không hấp thụ hết. Trong khi đó sữa bột có nguồn gốc từ sữa tươi nhưng được điều chỉnh công thức phù hợp cho từng độ tuổi và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.
Trong khi đó, sữa bột có nguồn gốc từ sữa tươi nhưng tỷ lệ các chất dinh dưỡng đã được điều chỉnh cho phù hợp với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, sữa bột còn được bổ sung thêm nhiều chất khác như DHA, sắt, omega-3,... phù hợp với từng độ tuổi và các nhu cầu khác nhau như tăng cân, phát triển chiều cao, phát triển trí não,... Do đó, sữa bột đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng toàn diện và đầy đủ hơn, phù hợp với cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tuỳ vào độ tuổi, nhu cầu về sữa của trẻ em sẽ thay đổi. Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thuỳ Dương sẽ giải đáp rõ hơn thắc mắc trẻ nhỏ nên uống sữa tươi hay sữa bột và những lưu ý khi cho trẻ sử dụng các loại sữa.
Trẻ em dưới 1 tuổi uống sữa tươi được không?
Chế độ ăn của trẻ trong năm đầu cần nhiều sữa để đáp ứng nhu cầu calo để tăng trưởng. Ngoài ra, sữa còn cung cấp đủ chất béo cần thiết cho sự phát triển của não và mắt.
Giai đoạn này, sữa tốt nhất cho bé là sữa mẹ. Nếu thiếu sữa mẹ, bé phải được bú sữa công thức phù hợp với tháng tuổi (thường được chế tạo từ sữa bò tươi, nhưng đã được xử lý để có thành phần gần giống với sữa mẹ, đặc biệt là có bổ sung sắt và các vitamin).
Sữa bò tươi không phù hợp với bé ở lứa tuổi này vì khó tiêu hóa, khó hấp thu. Nó cũng chứa ít sắt, vitamin E và các axit béo thiết yếu và chất béo lý tưởng như trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngược lại, hàm lượng protein và khoáng chất quá cao có thể ảnh hưởng đến thận còn non nớt của bé.
Ngoài sữa bò, cũng cần tránh cho bé ở tuổi này uống sữa dê, sữa đậu nành, sữa hạt, các loại sữa có hương vị như sô cô la, vani hoặc dâu tây vì không phù hợp với nhu cầu phát triển và tăng trưởng của bé. Dù vậy, thỉnh thoảng, mẹ có thể dùng 1 ít sữa tươi khi nấu ăn cho bé từ 6 tháng trở đi.
Trẻ em trên 1 tuổi nên uống sữa tươi hay sữa bột?
Sau 1 tuổi, sữa tốt nhất vẫn là sữa mẹ, hay sữa công thức phù hợp với tuổi khi không đủ sữa mẹ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cho bé uống sữa tươi. Nếu đã lựa chọn sữa tươi, bạn cần chú ý lọai sữa phù hợp cho bé:
- Từ 1-2 tuổi, nên cho bé uống sữa tươi nguyên béo (4% béo). Tuy nhiên, những trẻ có nguy cơ quá cân, đã quá cân/ béo phì, có tiền căn gia đình tiểu đường, cao huyết áp, hoặc tăng lipid máu cần uống sữa ít béo hơn. Lượng sữa khuyến cáo 480ml đến tối đa 720ml mỗi ngày.
- Từ 2 đến 3 tuổi, nên chuyển sang sữa ít béo (1%) hoặc không có chất béo (tách béo). Có thể chuyển dần dần bằng cách uống sữa giảm béo (2%) trong vài tuần trước. Lượng sữa khuyến cáo 600ml mỗi ngày.
Nên cho bé uống sữa tươi không đường hay có đường? Vì sao?
Bất kỳ loại sữa động vật nào cũng luôn có sẵn 1 lượng carbohydrate là lactose (trong chữ lactose này, gốc lact- là sữa), sữa mẹ và sữa công thức cũng vậy, nên ngọt là một hương vị mà bé đã quen.
Sữa bò nguyên chất nếu thêm đường thường sẽ khiến bé dễ uống sữa hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khuyến khích bé thích ngọt, thích đồ uống và thức ăn có đường. Hơn nữa, lượng đường dư thừa này dễ gây “nghiện” và làm bé tăng cân theo khuynh hướng xấu (thừa cân, béo phì), tiểu đường và bệnh tim mạch về sau.
Thức ăn và đồ uống có đường cũng có hại cho răng đang phát triển của bé, và làm giảm sự thèm ăn các thực phẩm lành mạnh. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể cho bé đồ uống sữa có vị ngọt nhẹ, nhưng không nên thường xuyên.
Nên lưu ý gì khi cho bé uống sữa tươi?
- Cung cấp thêm cho trẻ 600UI vitamin D mỗi ngày.
- Nếu bé uống nhiều hơn lượng cần thiết thì có thể làm giảm thèm ăn đối với thức ăn rắn, dẫn đến giảm lượng dinh dưỡng thiết yếu như sắt và vitamin (vì nhiều thức ăn rắn là nguồn cung cấp nhiều sắt), còn ít hơn thì không đủ năng lượng cũng như chất dinh dưỡng. Vì vậy, nên kiểm soát lượng sữa ở lượng khuyến cáo.
- Dù uống sữa gì, sau 12 tháng, nên tập cho bé uống bằng ly, vì bé đã hoàn toàn có thể uống theo cách này. Việc uống với ly giúp giảm nguy cơ tiêu chảy (do làm vệ sinh bình khó sạch hơn), và giảm nguy cơ biến dạng hàm và răng do ngậm/ nút núm vú.
Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!