Nếu cha mẹ nắm vững phương pháp và có chủ ý thực hành, chỉ số EQ của trẻ cũng có thể được trau dồi bằng những cách sau.
Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng IQ là chỉ số thể hiện mức độ thành công của một cá nhân. Nhưng các nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rằng, những ai sở hữu chỉ số EQ cao mới có nhiều thuận lợi trong cả chuyện học hành cũng như con đường sự nghiệp sau này. Hay nói cách khác, EQ chính là nền tảng cho thành công của trẻ về sau.
Các nhà khoa học cũng đã kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có khoảng 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi đó EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm đến 80%.
Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ (chỉ số thông minh). Ngược lại trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại...
Cũng giống như IQ, chỉ số EQ của trẻ cũng có thể bộc lộ thông qua những biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ dàng nhận thấy, một đứa trẻ có chỉ số EQ cao thường nhanh chóng thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, trẻ có thể tự khám phá ra điểm mạnh và điểm yếu của mình, luôn năng động.
Thêm vào đó, trẻ có khả năng giải quyết vấn đề cao, có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, trẻ luôn lạc quan, vui vẻ và rất dễ hòa đồng với người khác. Và những đứa trẻ có EQ cao thường lớn lên với sự động viên và khen ngợi nồng nhiệt.
Tuy nhiên, một đứa trẻ dù tốt đến đâu nhưng nếu cha mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy không phù hợp có thể khiến trẻ bị mai một tài năng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển cảm xúc lẫn trí tuệ.
Vậy làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ có EQ cao? Cha mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con trưởng thành hoàn hảo, tuy nhiên trẻ vẫn còn nhỏ và hành vi, tính cách vẫn chưa được định hình hoàn toàn, nhưng nếu cha mẹ nắm vững phương pháp và có chủ ý thực hành, EQ của trẻ cũng có thể được trau dồi bằng những cách sau.
Dùng tinh thần để khích lệ
Nhà tâm lý học người Mỹ Edward Deci từng nói rằng, động lực để kích thích một đứa trẻ là làm cho đứa trẻ cảm thấy rằng “Tôi có thể làm được”.
Theo đó, những lời động viên, khích lệ có tác dụng rất lớn đối với tinh thần của trẻ, tăng hiệu quả, năng suất học tập. Do đó, việc cha mẹ dùng tinh thần để khích lệ con là phương pháp hữu hiệu giúp trẻ làm giàu trí tuệ cảm xúc.
Ví dụ, khi một đứa trẻ xây một ngôi nhà bằng cát, và rất tự hào giới thiệu cho cha mẹ, nếu lúc này cha mẹ có thể kiên nhẫn lắng nghe giọng nói của trẻ và hướng dẫn trẻ chia sẻ nhiều hạnh phúc hơn trong quá trình sáng tạo mình, điều này như một phần thưởng đáng quý với trẻ, bởi vì nó là một sự khẳng định đầy đủ cho những nỗ lực và kết quả mà trẻ đã đạt được.
Ngoài ra, một ánh mắt cảm kích, một cái ôm ấm áp, một tràng pháo tay nồng nhiệt,… tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể trẻ sẽ ghi nhớ suốt đời. Bởi vì ngoài sự khích lệ, nó còn có thể mang lại cảm giác thỏa mãn cho trẻ và khiến trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.
Những lời động viên, khích lệ có tác dụng rất lớn đối với tinh thần của trẻ, tăng hiệu quả, năng suất học tập.
Dạy trẻ cách mô tả, bộc lộ cảm xúc cụ thể hơn
Theo các chuyên gia, giúp con hiểu rõ cảm xúc của mình bằng cách bộ lộ thành lời là cách tốt để trẻ phát triển chỉ số EQ, và thông qua việc bộc lộ được cảm xúc, trẻ sẽ có thể tự điều chỉnh được hành vi của mình với sự hướng dẫn của người lớn.
Việc giúp trẻ em bộc lộ được cảm xúc, người lớn đã giúp các em sống hồn nhiên hơn với lứa tuổi vốn rất ngây thơ trong việc đánh giá cuộc đời.
Đồng thời, khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc đó và hướng dẫn trẻ cách xử lý.
Ví dụ, khi trẻ đang khóc, hãy đồng cảm với cảm xúc buồn bã của trẻ: "Mẹ biết là con đang buồn, mẹ có thể giúp gì cho con?" Khi trẻ tức giận, hãy tìm hiểu ngọn nguồn cơn giận của con, nói chuyện để trẻ biết cha mẹ hiểu cảm xúc của trẻ. Nên sử dụng "Ừ", "Ồ" và "xin lỗi" khi giao tiếp để xoa dịu trái tim và giải phóng cảm xúc tiêu cực của trẻ.
Việc giúp trẻ em bộc lộ được cảm xúc, người lớn đã giúp các em sống hồn nhiên hơn với lứa tuổi vốn rất ngây thơ trong việc đánh giá cuộc đời.
Khen ngợi cụ thể về hành vi của trẻ
Ngay từ những năm đầu đời, khen ngợi đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và có chức năng như phần thưởng giúp trẻ học được loại hành vi nào có thể chấp nhận và không được chấp nhận. Hơn nữa, lời khen còn có tác dụng giúp cha mẹ định hình hành vi của trẻ.
Một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong khen ngợi là việc tập trung vào nỗ lực và quá trình thực hiện của trẻ, khen ngợi hành vi cụ thể.
Đồng thời, khi trẻ làm được một việc hữu ích, cha mẹ có thể dành cho trẻ những lời động viên, khẳng định những nỗ lực của trẻ thông qua những lời mô tả cụ thể, để trẻ tự nhận ra những nỗ lực của bản thân và lấy hết can đảm để tiếp tục làm việc, học tập chăm chỉ.
Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con: "Hôm nay, con đã rất nghiêm túc trong việc đánh răng. Đánh răng thường xuyên sẽ giúp mình khỏe mạnh hơn, con hãy tiếp tục phát huy nhé"!
Những lời khen có mục tiêu như vậy sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn và biết phải làm gì trong tương lai, làm thế nào để làm việc chăm chỉ và có ý thức định hướng mạnh mẽ hơn.
Những lời khen có mục tiêu sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn và biết phải làm gì trong tương lai, làm thế nào để làm việc chăm chỉ và có ý thức định hướng mạnh mẽ hơn.
Khuyến khích động lực bên trong của trẻ
Trẻ nhỏ luôn giàu trí tưởng tượng và nhạy cảm hơn người lớn nghĩ, và mỗi đứa trẻ đều có năng khiếu, thế mạnh riêng. Do đó, việc khuyến khích trẻ thể hiện bản thân, động lực, tiềm năng bên trong là rất quan trọng, là mấu chốt ảnh hưởng đến quá trình thành công của con về sau, đây cũng là chìa khóa quan trọng nhất với một đứa trẻ có EQ cao.
Khi khả năng bên trong của trẻ được phát hiện và trau dồi, cùng với tinh thần lạc quan trẻ mới có thể đối mặt với mọi vấn đề chủ động hơn, có khả năng chống thất vọng tốt hơn, không dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường và có tinh thần tự khuyến khích bản thân.
Khi khả năng bên trong của trẻ được phát hiện và trau dồi, cùng với tinh thần lạc quan trẻ mới có thể đối mặt với mọi vấn đề chủ động hơn, và có tinh thần tự khuyến khích bản thân.