Đối với những đứa trẻ bướng bỉnh và thường xuyên cãi lời, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng trong trường hợp này cha mẹ không nhất định phải nhường nhịn, cho qua, mà nên có tiêu chuẩn, cách xử lý thật tốt.
Cha mẹ nào cũng mong con cái ngoan ngoãn, vâng lời và trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, trẻ nhỏ phát triển nhanh qua từng ngày cả thể chất và tâm lý, cùng với sự tăng lên về tuổi thì ý thức độc lập của trẻ cũng ngày càng mạnh hơn. Đối với rất nhiều sự việc, trẻ sẽ có cái nhìn khác với người lớn, có cái nhìn của riêng mình.
Do đó, không ít trẻ sẽ bày tỏ chính kiến riêng, thậm chí một số trẻ còn nói "Bố mẹ im đi, nói quá nhiều". Đối với những đứa trẻ bướng bỉnh và thường xuyên cãi lời, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng trong trường hợp này cha mẹ không nhất định phải nhường nhịn, cho qua, mà nên có tiêu chuẩn, cách xử lý thật tốt.
Bởi việc cha mẹ quá nhân từ, nhường nhịn khi trẻ cãi lại lâu dần sẽ khiến trẻ càng lúc càng làm ra nhiều chuyện khiến cha mẹ thêm lo lắng. Nhưng nếu áp dụng cách xử lý quá nghiêm khắc thì sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân không thể biểu đạt được cảm xúc của mình, dần dần sinh ra bất hòa với cha mẹ, không thích giao lưu chia sẻ với cha mẹ nữa.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp cha mẹ chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất khi trẻ thường xuyên cãi lời, cha mẹ có thể áp dụng và tham khảo những những bước cơ bản dưới đây.
Bắt đầu từ việc vì sao trẻ thường xuyên nói "Không"
Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc tại sao trẻ nhỏ cãi lời, biểu hiện cụ thể nhất là trẻ thường xuyên nói "không" khi cha mẹ đưa ra yêu cầu nào đó.
Trên thực tế, việc trẻ thường xuyên nói "không", không có nghĩa là trẻ đang thể hiện sự chống đối, mà ngược lại có thể trẻ đang thể hiện chính kiến của mình, nhưng vẫn còn hạn chế trong cách diễn đạt.
Khi con cãi lời, cha mẹ thường cảm thấy khó chịu, tức giận, từ đó dẫn đến những cuộc khẩu chiến vô tội vạ giữa cha mẹ và trẻ. Điều này là hoàn toàn không tốt đối với sự phát triển của con và tình cảm gia đình.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải hiểu nguyên nhân do sự thay đổi tâm sinh lý ở trẻ; bởi trẻ mỗi ngày một lớn lên là mỗi ngày mỗi khác. Ngoài ra, đó là quá trình con cái đang muốn “tập làm người lớn” mà cha mẹ vẫn dùng các nguyên tắc giáo dục như khi con còn nhỏ.
Khi con cãi lời, cha mẹ thường cảm thấy khó chịu, tức giận, từ đó dẫn đến những cuộc khẩu chiến vô tội vạ giữa cha mẹ và trẻ.
Dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc, nói ra suy nghĩ của chính mình
Khi trẻ cãi lại sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ, nếu cha mẹ lớn tiếng quát mắng sẽ chặt đứt lối thoát dòng cảm xúc tiêu cực của trẻ. Từ biểu hiện bề ngoài, có lẽ do trẻ yếu thế nên tỏ vẻ phục tùng; nhưng trong tâm có thể vẫn rất ấm ức, bắt đầu tránh xa cha mẹ.
Nếu trẻ bắt đầu cãi lại và mắc lỗi nghĩa là trẻ đã lớn và có chủ kiến của mình, cha mẹ không nên phản đối, ép buộc mà hãy kiên nhẫn hướng dẫn, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc.
Khi lớn lên, trẻ bắt đầu có đủ loại ý tưởng và phản đối, thậm chí thách thức cha mẹ trong mọi khía cạnh của cuộc sống như thức ăn, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại.
Do đó, cách tốt nhất là cha mẹ nên dạy trẻ thể thể hiện chính xác cảm xúc của mình. Khi còn nhỏ, trẻ ít nói nên thích nói "không". Nhưng khi trẻ lớn lên, bộc lộ cảm xúc càng rõ ràng thì việc nuôi dạy con cái sẽ càng đơn giản hơn.
Nếu trẻ bắt đầu cãi lại và mắc lỗi nghĩa là trẻ đã lớn và có chủ kiến của mình, cha mẹ không nên phản đối, ép buộc mà hãy kiên nhẫn hướng dẫn, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc.
Giữ bình tĩnh và lắng nghe trẻ
Biện pháp tốt nhất chính là nhẫn nhịn không nói, hít sâu, sau đó cân nhắc những gì cần nói để hóa giải được tình cảnh khó xử hiện tại.
Đồng thời, lắng nghe rất quan trọng đối với cha mẹ; cha mẹ biết cách lắng nghe rất quan trọng đối với một đứa trẻ. Khi giữa cha mẹ và con cái nảy sinh mâu thuẫn, cha mẹ có thể muốn lắng nghe con cái nói trước và cho con cơ hội bộc lộ suy nghĩ thật của mình. Sau đó, cha mẹ và con cái cùng nhau phân tích và gợi ý để trẻ đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Khi trẻ nói lại, cha mẹ học cách im lặng và lắng nghe tâm tư của trẻ là lựa chọn đúng đắn. Lúc này trẻ có thể bày tỏ ý kiến và suy nghĩ của mình một cách dễ dàng, điều này không chỉ có lợi cho việc xây dựng lòng tự tin của trẻ mà còn làm giảm xung đột giữa cha mẹ và con cái.
Khi trẻ nói lại, cha mẹ học cách im lặng và lắng nghe tâm tư của trẻ là lựa chọn đúng đắn. Lúc này trẻ có thể bày tỏ ý kiến và suy nghĩ của mình một cách dễ dàng.
Cha mẹ không thể đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời mà trẻ cần có khả năng thích ứng với xã hội và giải quyết vấn đề. Vì vậy, đối với trẻ khả năng diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng là vô cùng quan trọng.
Nhằm giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh đã có nhưng chia sẻ hữu ích, cha mẹ có thể tham khảo để có cái nhìn tổng quát cũng như tìm ra phương pháp nuôi dạy con lành mạnh, ngoan ngoãn mà không cần dùng đòn roi.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
Vì sao trẻ thường xuyên cãi lời cha mẹ?
Việt Nam ta thường có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Điều này như một khẳng định về việc con cãi cha mẹ chắc chắn là con sai. Thế nhưng dù sai mà tại sao con vẫn thích cãi cha mẹ? Theo tâm lý phát triển, khi bước vào giai đoạn xung quanh 3-4 tuổi, đứa trẻ đã có nhận thức về bản thân, biết phân biệt được cái tôi (bản thân) và người khác.
Trẻ có ý thức về những gì thuộc về mình và cũng có suy nghĩ muốn xác định sự “tự chủ”. Vì thế ở lứa tuổi mà ta hay gọi là “khủng hoảng tuổi lên ba”, trẻ hay có phản ứng muốn cãi lại, muốn nói không trước các yêu cầu của người lớn. Đó không phải là con hư, mà đó chỉ là sự bộc lộ nhu cầu khẳng định bản thân của con.
Vì thế, cha mẹ không nên lấy đó làm bực mình mà nên biết uyển chuyển lèo lái cái chống đối của con sang những hoạt động giúp con phát triển tư duy tự chủ nhiều hơn. Như khi hỏi con: “Con muốn ăn bánh không?”, trẻ có thể trả lời: “Không” nhưng thật ra thì vẫn muốn. Phụ huynh sẽ nói: “Thế à? Vậy con muốn ăn gì? Hay ăn như thế nào?”, trẻ có thể õng ẹo một lúc rồi cũng đi đến quyết định ăn bánh.
Chính vì vậy, với lứa tuổi này, nếu được thì phụ huynh nên đưa ra các câu hỏi mở, tạo cơ hội cho trẻ có sự chọn lựa và quyết định hơn là những câu hỏi đóng. Các câu hỏi có/ không dễ đưa trẻ vào cái thế nói không. Để rồi sau đó con lại khóc vì bị cha mẹ cất đi cái nhu cầu mà mình đã từ chối.
Với những trẻ lớn hơn, khi trẻ thường xuyên cãi lời bố mẹ thì đây không còn là sự khẳng định bản thân mà là những chống đối do cách ứng xử của cha mẹ rèn luyện. Nói cách khác, việc chống đối, cãi lời mà trẻ bộc lộ là do chính cách ứng xử không nhất quán của cha mẹ.
Có những điều chúng ta dặn trẻ không được làm, nhưng chính ta lại ung dung thực hiện trước mặt trẻ. Có những điều mà chúng ta đã hứa với trẻ, rồi không thực hiện mà coi đó là chuyện bình thường. Có những quyết định “sáng nắng chiều mưa”, lúc đầu thì không, một hồi sau hay đến chiều thì lại được.
Tóm lại, trẻ hay cãi bởi vì trẻ không còn tin tưởng những lời nói “gió bay” của cha mẹ. Và trong nhiều trường hợp, cha mẹ cũng phải “cứng họng” trước những phản ứng của trẻ. Lúc đó có khi lại lấy quyền “phủ quyết” của người lớn ra buộc trẻ phải theo, điều này chỉ khiến cho trẻ càng thêm chống đối.
Cha mẹ nên có nên lờ đi hay nên phản ứng thế nào khi trẻ thường xuyên cãi lời?
Nếu như chúng ta không có gì sai sót trong ứng xử, mà trẻ vẫn thích chứng tỏ bản thân thì đừng đưa mình vào cái bẫy chống đối của trẻ bằng 2 cách.
Không đặt ra những câu hỏi đóng có/ không như: “Con có muốn đi chơi không?” mà hãy hỏi: “Con muốn đi chơi đâu?”. Ngay cả khi trẻ muốn gây hấn bằng việc từ chối việc yêu cầu đi chơi thì chúng ta cũng có thể nói: “Vậy con muốn làm gì khi ở nhà?”. Điều này cho thấy là việc đi chơi hay không, không còn là sự quyết định của trẻ, mà chỉ là sự chọn lựa. Và trẻ sẽ chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.
Chúng ta không buộc trẻ phải làm những điều trẻ không mong muốn như yêu cầu trẻ cứ phải tập trung vào việc học. Sau khi trẻ đã mệt nhoài vì khối lượng bài vở thì chúng ta cũng không nên đưa ra những tình huống hay yêu cầu bất ngờ. Mọi hoạt động từ việc học hành, vui chơi hay nghỉ ngơi đều cần có sự trao đổi, sắp xếp trước.
Cha mẹ đừng ngẫu hứng theo nhịp sống của mình mà quên rằng trẻ con cũng có nhịp sống riêng và con cần chúng ta thấu hiểu, tôn trọng.
Lời khuyên nào cho cha mẹ trong việc nuôi dạy con, giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực và hình thành thói quen tốt?
Việc nuôi con làm sao để cho ngoan hơn có lẽ không nên là mục đích của giáo dục trong gia đình. Bởi nó cũng giống như việc nhà trường chỉ muốn học sinh trở nên giỏi thay vì trở thành một học sinh có sự hiểu biết.
Điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái là hãy làm sao cho con trở nên tốt hơn, tự tin và hạnh phúc hơn. Việc một đứa con hay cãi lời là điều không hay nhưng thực tế chúng ta lại cần có những đứa con biết cãi.
Các con biết cãi tức là biết nhận thức cái đúng cái sai, biết chọn lựa cho mình một tính cách, biết được năng lực của bản thân. Một đứa con biết hỏi, biết trả lời và biết cãi lẽ là một đứa trẻ thành công và hạnh phúc.