Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con

Hạ Mây - Ngày 09/08/2021 19:00 PM (GMT+7)

Song song với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, cha mẹ cũng nên đặc biệt dành sự quan tâm đến vấn đề tâm lý của trẻ trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 1

Đại dịch Corona (COVID-19) đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề của xã hội, đồng thời cũng gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến trẻ em. Ngoài việc có nguy cơ mắc bệnh, đại dịch còn ảnh hưởng đến tâm trạng giao tiếp xã hội, cảm xúc và tinh thần của nhiều trẻ.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp Hội Y Học Thiên Tai và Y Tế Công Cộng, trong 2 đợt đại dịch SARS hoặc H1N1 trước đó, có đến hơn 30% trẻ em hội đủ các tiêu chí của hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) do bị cách ly, như vậy không loại trừ khả năng này trong đại dịch COVID-19. 

Tổn thương mà các em phải đối mặt ở giai đoạn phát triển này có thể để lại hậu quả lâu dài trong cuộc đời. Nếu trẻ phải đi cách ly tập trung, xa vòng tay của cha mẹ có thể dẫn đến việc con có tâm lý lo lắng và hoảng sợ. Còn khi phải ở nhà quá lâu do lệnh giãn cách xã hội có thể làm trẻ gia tăng cảm giác căng thẳng, ngại giao tiếp, sợ đám đông, cũng có thể làm gia tăng nguy cơ tiếp xúc với bạo lực ở trẻ em và vô vàn những nguy cơ khác. 

Cha mẹ nên biết những khó khăn do COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, để có phương pháp gỡ rối và giúp con phát triển tinh thần tốt hơn.

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 2

Trẻ bị gián đoạn quá trình học tập, thay đổi nếp sinh hoạt

Lệnh giãn cách xã hội và việc các trường học phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc trẻ phải ở nhà cùng cha mẹ 24/24 giờ mỗi ngày. Dù được duy trì việc học tập bằng các nền tảng trực tuyến nhưng không tránh khỏi những bất cập của các giải pháp kỹ thuật số khi được ứng dụng vào việc hỗ trợ trẻ học tập.

Trẻ em ở độ tuổi đi học, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, trẻ rất hiếu động và yêu thích các hoạt động thể chất, do đó thật khó để bắt con phải thay đổi một nếp sinh hoạt mới khi phải học online tại nhà. 

Trẻ không được giao tiếp, chơi đùa cùng bạn bè và thầy cô, không có sự giám sát kèm cặp quá nhiều của cha mẹ - những người có trách nhiệm trông nom con kèm theo nhiệm vụ làm việc tại nhà.

Một số học sinh có thể bộc lộ những hành vi căng thẳng hoặc lo âu, chán nản khi phải đối diện với lớp học thông qua màn hình máy tính và chưa chắc chắn về việc được đi học trở lại. Các bậc cha mẹ rất cần phải quan sát những thay đổi trong hành vi để sớm phát hiện những vấn đề tâm lý của trẻ. 

Cách lý xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng giao tiếp xã hội, cảm xúc và tinh thần của nhiều trẻ. (Nguồn ảnh: Internet)

Cách lý xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng giao tiếp xã hội, cảm xúc và tinh thần của nhiều trẻ. (Nguồn ảnh: Internet)

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 4

Trẻ bị kém giao tiếp, sợ đám đông do ở nhà quá nhiều 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị kém giao tiếp, sợ đám đông sau thời gian cách ly và giãn cách xã hội, thường do rối loạn (có sau) về tâm lý. Dù cha mẹ và người chăm sóc ở nhà cùng trẻ, tuy nhiên không đảm bảo có thể quan tâm con đầy đủ do bận rộn công việc.

Khi đang trong giai đoạn phát triển và nhận thức xung quanh, trẻ phải tự chơi một mình, không được tới lớp cùng bạn bè và thầy cô, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của con, là nguyên nhân khiến cho trẻ mắc chứng không muốn giao tiếp hay tìm hiểu mọi thứ xung quanh, sợ đám đông...  

Việc trẻ hoạt động trên mạng nhiều hơn cũng đặt các em trước các nguy cơ rình rập trên mạng cao hơn, chẳng hạn như bóc lột tình dục trên mạng, bắt nạt qua mạng, hành vi chịu rủi ro trên mạng và tiếp xúc với các nội dung có hại. 

Việc học của trẻ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt thường ngày. (Nguồn ảnh: Internet)

Việc học của trẻ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt thường ngày. (Nguồn ảnh: Internet)

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 6

Trẻ mắc phải các hội chứng tâm lý do phải đi cách ly tập trung, xa cha mẹ

Trẻ em phải đi cách ly tập trung và điều trị tại các cơ sở y tế do mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng lên mỗi ngày. Chưa kể, theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, 30% bệnh nhân mắc COVID-19 có các di chứng về sức khỏe tâm thần sau khi khỏi bệnh như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, mức độ không nặng nhưng có nhiều bất lợi. 

Nhiều trẻ khi đi cách ly hoặc điều trị phải xa gia đình, thiếu sự chăm sóc động viên của người thân và phải quen dần với việc tự lập dưới sự hướng dẫn của các y bác sĩ. Điều này không khiến trẻ tránh khỏi tình trạng hoang mang, lo lắng hoặc sang chấn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi… 

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 7

Trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do người thân qua đời vì COVID-19 

Trẻ có thể lo lắng chuyện bản thân cũng như người thân nhiễm COVID-19. Cảm giác lo lắng hoặc buồn bã quá độ, thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ không lành mạnh và tình trạng khó tập trung, chú ý là một số dấu hiệu của sự căng thẳng ở trẻ em.

Đau buồn là một phản ứng bình thường khi mất ai đó hoặc điều gì đó quan trọng đối với cả người lớn và trẻ nhỏ, nhưng trong giai đoạn khó khăn vì tình hình COVID-19 có thể gây ra những ám ảnh tâm lý đối với trẻ, đặc biệt, hệ quả của việc này có thể kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. 

Nhiều trẻ khi đi cách ly hoặc điều trị phải xa gia đình, thiếu sự chăm sóc động viên của người thân. (Nguồn ảnh: Internet)

Nhiều trẻ khi đi cách ly hoặc điều trị phải xa gia đình, thiếu sự chăm sóc động viên của người thân. (Nguồn ảnh: Internet)

Cảm giác lo lắng hoặc buồn bã quá độ, không giao tiếp, thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ không lành mạnh và tình trạng khó tập trung, chú ý là một số dấu hiệu tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng.

Sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của cha mẹ, người thân, các y bác sĩ (tại khu cách ly) là rất cần thiết với trẻ trong giai đoạn này để phòng ngừa, phát hiện sớm kịp thời điều trị các sang chấn tâm lý do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hãy cùng lắng nghe chuyên gia tâm lý lâm sàng trẻ em giải thích về những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến tâm lý trẻ em để biết rõ hơn về vấn đề này. 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Phương, tâm lý gia lâm sàng trẻ em, Khoa Tâm Thể, bệnh viện thành phố Thủ Đức.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng Phương, tâm lý gia lâm sàng trẻ em, Khoa Tâm Thể, bệnh viện thành phố Thủ Đức. 

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 10

Trẻ em bị cách ly hoặc giãn cách trong thời điểm Covid-19 có những ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến vấn đề tâm lý, khả năng giao tiếp của trẻ? 

Trẻ em phải chịu nhiều biến động trên quy mô mà có thể chúng chưa bao giờ thấy trong cuộc đời. Các em phải chịu nhiều thay đổi đột ngột trong cuộc sống và các em còn chưa hiểu rõ hết các tác động đến tâm hồn của chúng. 

Theo một báo cáo từ tháng 5 năm 2020 của tổ chức cứu trợ trẻ em thuộc tổ chức Unicef cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến 1,3 tỷ trẻ em trên toàn thế giới, các lệnh cách li xã hội nghiêm ngặt được áp dụng trên toàn cầu. Cuộc khảo sát với 6000 trẻ em và phụ huynh ở Hoa kỳ, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha và Anh cho kết quả có tới 65% trẻ em phải vật lộn với buồn chán và cảm giác bị cô lập.

Cụ thể hơn, tới 49% trẻ em Hoa kỳ cho rằng chúng lo lắng, con số này ở Phần Lan là 70%, Ở Anh 20% trẻ em lo lắng khi trường học đóng cửa và lo là người thân có thể bị bệnh chiếm tỷ lệ tới 60%. Tại các quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia , 66% trẻ em lo lắng về đại dịch, đặc biệt là lo lắng về bị nhiễm bệnh do virus.

Không có gì lạ khi trẻ em phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, thất vọng, buồn bã, lo lắng, tức giận, mất mát ... Nhưng chính tính chất kéo dài, hạn chế và lan rộng của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử tăng lên, quan hệ gia đình căng thẳng hoặc lối sống ít vận động ở nhà đặt ra những thách thức. 

Một số vấn đề của trẻ em trong giai đoạn này có thể kể đến như:

Các dấu hiệu lo lắng nhẹ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc khó tập trung, đã trở nên phổ biến. Nhưng trẻ em rất mạnh mẽ, và hầu hết sẽ xoay sở để ứng phó với sự hỗ trợ của cha mẹ và bạn bè. Tuy nhiên, một số trẻ em có nguy cơ phát triển các phản ứng dữ dội hơn, bao gồm lo lắng nghiêm trọng, trầm cảm và xu hướng tự tử.

Bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào đã có từ trước, những trải nghiệm đau thương trong quá khứ hoặc bị lạm dụng, sự bất ổn trong gia đình hoặc mất người thân đều có thể khiến trẻ em rất dễ bị phát triển các tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Cha mẹ và người chăm sóc là những người hiểu rõ con mình nhất. Nếu họ nhận thấy sự khác biệt đáng kể đột ngột trong hành vi của con mình trong hơn một tuần, họ phải tìm kiếm sự trợ giúp lâm sàng chuyên nghiệp. Các triệu chứng hành vi như vậy thay đổi theo thời gian khi đứa trẻ lớn lên:

Ở trẻ em dưới 5 tuổi: Mút ngón tay cái, đái dầm, bám cha mẹ, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, sợ bóng tối, thoái lui trong hành vi hoặc rút lui khỏi tương tác.

Ở trẻ em từ 5 đến 10 tuổi: Cáu kỉnh, hung hăng, đeo bám, gặp ác mộng, trốn học, kém tập trung và rút lui khỏi các hoạt động và bạn bè.

Ở thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi: Hiếu động thái quá hoặc bồn chồn, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kích động, gia tăng xung đột, phàn nàn về thể chất, hành vi thách thức và kém tập trung.

Nói tóm lại, trẻ em luôn ở trong tiến trình lớn lên, phát triển các mặt tâm lý, xã hội. Tiến trình đó không thể nào rời khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình, người thân, bạn bè, trường học. Trong tình hình đại dịch như hiện nay, tất cả mọi người trong xã hội đều phải chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch, trẻ em cũng không là ngoại lệ.

Trong tình hình này, tiến trình phát triển của trẻ em phải chịu rất nhiều thay đổi, mọi thứ trở nên bấp bênh và không thể đoán trước được. 

Những điều đó dẫn đến cho trẻ em những phản ứng về tâm lý khác nhau thể hiện trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Trẻ em đứng trước những một khủng hoảng mà chúng chưa bao giờ biết tới , chúng sẽ có phản ứng căng thẳng, sợ hãi, và lo lắng.

Có nhiều trẻ em chưa có khả năng ngôn ngữ thành thục sẽ khó diễn đạt điều này và thường chúng sẽ biểu lộ bằng hành vi như sẽ hoạt động nhiều hơn, lăng xăng hơn, nói rất nhiều, hoặc thậm chí là không nói chuyện và chia sẻ. Về sinh lý và hành vi sẽ thấy trẻ có xu hướng dùng thiết bị điện thoại nhiều hơn và cha mẹ trở nên khó kiểm soát việc này, trẻ còn có thể gặp vấn đề về giấc ngủ, hành vi ăn uống, đường tiêu hóa. 

Có nhiều trẻ em sơ sinh được sinh ra ở trong giai đoạn này được gọi là “pandemic babies”, được sinh ra và chập chững trong đại dịch, vì vậy cơ hội tiếp xúc xã hội để dạy cho chúng tương tác ngày càng khó khăn và khan hiêm hơn trong gần 2 năm vừa qua. Những hạn chế cơ hội tiếp xúc có thể cản trở trẻ em khó khăn về giao tiếp, bộc lộ cảm xúc, các kỹ năng phi ngôn ngữ khác nhau, các kỹ năng đồng cảm,… 

Ở những em lớn hơn trong độ tuổi vị thành niên trong tiến trình phát triển không thể nào rời xa nhóm bạn và môi trường xã hội thì việc giao tiếp với trẻ giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn vì những biện pháp cách ly xã hội, học trực tuyến và những khủng hoảng tuổi vị thành niên, nơi mà trẻ và cha mẹ khó tiếp xúc và trò chuyện vì có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng.

Trẻ ở tuổi này có thể trở nên khó gần gũi hơn, phụ thuộc vào các thiết bị điện thoại, dễ nổi nóng hơn, khó khuyên bảo và có thể làm theo ý mình mà không để ý tới sự an toàn.

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 11

Có những giải pháp nào giúp trẻ có thể tránh khỏi tình trạng chậm nói, kém giao tiếp do cách ly, giãn cách trong mùa dịch Covid-19? 

Cần phải phân biệt các vấn đề của trẻ em như chậm nói hoặc kém giao tiếp đó là biểu hiện của các rối loạn tâm lý phát triển hay là những phản ứng tâm lý mà trẻ phải trải qua trong đại dịch covid19. Những vấn đề về nói năng hoặc giao tiếp không đơn thuần là những vấn đề tâm lý, mà còn liên quan đến lĩnh vực Nhi khoa phát triển hành vi, thần kinh, thể chất, vận động, các chuyên khoa chuyên sâu như tai mũi họng , răng hàm mặt,… Vì nguyên do các biểu hiện chậm nói hoặc giao tiếp kém đó là dấu hiệu của nhiều rối loạn thần kinh, rối loạn phát triển, rối loạn tâm lý khác nhau. 

Theo hiệp hội về nhi khoa Hoa Kỳ, hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, tất cả các trẻ em nên được tầm soát về sự phát triển tổng quát trong các độ tuổi từ 9, 18, 24 và 30 tháng tuổi và tầm soát chuyên sâu về rối loạn phổ tự kỷ khi trẻ được 18 và 24 tháng tuổi. 

Đã nói ở trên, các em bé được sinh ra trong thời kỳ đại dịch có ít nhiều ảnh hưởng. Có thể cha mẹ vì cách ly xã hội, mà có rất nhiều ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của con, trong đó có lĩnh vực giao tiếp và ngôn ngữ. Đừng lo lắng nếu em bé không có cơ hội học các kỹ năng xã hội do cách ly, trẻ có khả năng dễ dàng bắt kịp đối với những khoảng cách đó khi chúng được xã hội hóa một cách nhất quán. 

Đối với những rối nhiễu nhẹ, do tình trạng phản ứng cảm xúc với tình trạng đại dịch, cha mẹ có thể làm theo một số cách để giao tiếp tốt với con.

Một số trường hợp cha mẹ không thể gần gũi con để hướng dẫn con, chơi đùa hoặc giao tiếp với con, tuy nhiên hãy cố gắng duy trì một thời gian biểu đều đặn tiếp xúc gặp mặt trực tuyến, gửi cho con những vật phẩm tự tay cha mẹ làm, thành thật giải thích với con và trả lời những câu hỏi của chúng, cố gắng đều đặn những chăm sóc về cảm xúc, tinh thần thể chất như những cái ôm, âu yếm, trò chuyện,…

Nhưng nếu những vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp của con là những dấu hiệu bất thường trong sự phát triển của trẻ em, cha mẹ nên chú ý tới và theo dõi những hướng dẫn của các cơ sở y tế nơi mà có cung cấp dịch vụ theo dõi và đánh giá tâm lý trẻ em, các trung tâm phòng chống dịch bệnh như CDC Hoa Kỳ, hoặc WHO để có những theo dõi, hỗ trợ và thăm khám kịp thời bằng các hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp an toàn sau khi thời kỳ dãn cách được nới lỏng.

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 12

Hội chứng sợ đám đông, sợ người lạ của trẻ có xuất phát từ nguyên nhân do thời gian giãn cách, cách ly xã hội vì Covid-19? Nếu con gặp tình trạng này, cha mẹ nên làm gì? 

Một số tổ chức về trẻ em đã cảnh báo trẻ em đang phát triển các tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, bao gồm những vấn đề như trải qua tình trạng căng thẳng khi phản ứng với sang chấn, hoặc cũng có thể diễn tiến tới tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), vì đại dịch covid 19.

Chứng kiến người thân, cha mẹ qua đời, chứng kiến hàng ngàn ca tử vong trên toàn thế giới qua truyền hình, mất đi những cơ hội tiếp xúc những buổi học những dịp vui chơi với bạn bè cũng được coi là một loại mất mát tâm lý, trẻ em tiếp thu hết tất cả những điều này.

Đại dịch Covid 19 là một sự kiện bất thường, bất ngờ, khiến cho nhiều trẻ em lo lắng và hoảng sợ. Một số trẻ em trải qua sang chấn có thể có hình thành những suy nghĩ và hình ảnh không mong muốn được lập đi lập lại, hoặc không thể kiểm soát được; cảm xúc tiêu cực như buồn bã, vô vọng, cáu kỉnh và tức giận, những vấn đề về cơ thế như đái dầm, khó ngủ; né tránh những gì đang xảy ra, trở nên mất tập trung, hay bị giật mình, có các vấn đề cơ thể khác như đau đầu, đau bụng. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra một số trẻ có dấu hiệu căng thẳng khi phản ứng với các sang chấn, mất mát nhưng những triệu chứng này có thể biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu các triệu chứng này không giảm trong hai đến bốn tuần sau sự kiện này, tốt nhất là trẻ nên được đến gặp những chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bác sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Đối với trong thời gian cách ly xã hội nhiều ngày, các trẻ em sẽ không đến trường không đến lớp không tiếp xúc với bạn bè. Điều này có thể đem tới những trở ngại nhất định khi trẻ bắt đầu tiếp xúc trở lại với môi trường xã hội. Khi trẻ đa ở nhà quá lâu, việc quay trở lại các hoạt động như học tập và giao tiếp cũng khiến cho họ cảm thấy lo lắng.

Hơn nữa, nếu không có thường xuyên tương tác xã hội, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy tâm trạng không tốt, điều này cũng có thể hiểu với trẻ em và thanh thiếu niên. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đã cho rằng họ cảm thấy không có động lực, ít năng lượng, chu kỳ này lặp đi lặp lại nhiều tháng trong đại dịch trên toàn thế giới.

Những vấn đề về ám sợ xã hội, lo âu chia ly , lo âu lan tỏa liên quan chặt chẽ với nhau ở trẻ nhỏ , nếu một trong các vấn đề xuất hiện thì các rối loạn khác cũng kèm theo. Những bất ổn trong tâm lý và lo lắng sợ hãi của cha mẹ, tình trạng cách ly xã hội và hạn chế giao tiếp xã hội, cha mẹ bận tâm quá mức về con cái… là những yếu tố nguy cơ cho những tình trạng này. 

Một số mẹo mà cha mẹ có thể thực hiện trong giai đoạn này :

- Thừa nhận với con mình những tình huống mà khiến chúng sợ hãi, lo lắng và căng thẳng. Nói chuyện thành thật và thoải mái với chúng về cảm giác của chúng. 

- Cùng với con tiếp xúc nhiều lần với những kích thích gây sợ hãi. Một trong những tiếp cận trị liệu với nỗi sợ là làm cho chúng trở nên một cách bình thường. Hãy bắt đầu với quy mô nhỏ, từng bước tiếp xúc với những điều gây lo lắng sợ hãi. Luôn khen ngợi và động viên con bạn trong từng bước. 

- Gợi ý con bạn một vài việc nhỏ mà có thể tiếp xúc xã hội sau khi các lệnh dãn cách được tạm ngưng ví dụ nhìn vào mắt người đối diện, vẫy tay chào mọi người, cười với mọi người qua lớp khẩu trang.

- Hãy luôn ở bên cạnh con, khuyến khích, đồng cảm, không phán xét và cũng đừng thất vọng. 

- Đừng hứa hẹn với con rằng mọi chuyện sẽ ổn hoặc không có điều gì xấu xảy ra. 

- Hãy cho con những cơ hội thực hành, đừng vội lao vào cứu con khi chúng gặp khó khăn. Hãy để con bạn trải qua cảm giác của chúng. Bạn có thể chuẩn bị trước cho chúng, dạy, huấn luyện, nhưng bạn hãy để chúng tự trải nghiệm. Tất nhiên, bạn đã trải qua những vấn đề mang tính cấp bách và hoảng loạn và chúng cần biết điều nên làm. Tuy nhiên chúng mất đi cơ hội vượt qua những khó khăn. 

- Hãy tìm kiếm nguồn lực xung quanh, bạn bè người thân yêu. Hoặc một chuyên gia về sức khỏe tâm thần nếu bạn không biết phải làm gì cho những nỗi sợ của con bạn và gia đình bạn. 

Trẻ ngại giao tiếp, khép kín vì cách ly, chuyên gia mách cách bảo vệ sức khỏe tâm thần con - 13

Trong thời điểm giãn cách xã hội và cách ly vì tình hình dịch bệnh Covid-19, cha mẹ nên làm gì để tâm lý của trẻ được thoải mái nhất kể cả khi trẻ không gặp vấn đề về khả năng giao tiếp như trên?

Đầu tiên, cha mẹ phải biết đây là khủng hoảng chung của nhân loại, của các giai đoạn lứa tuổi và của thời kỳ mà cha mẹ đang sống mà bất kỳ cha mẹ nào cũng phải trải qua. Cha mẹ nào cũng phải đối diện với công việc, áp lực kinh tế, tình hình sức khỏe và dịch bệnh, những quy định về cách li xã hội, chuyện học tập của con cái, sức khỏe thể chất và tinh thần của con…

Nói cách khác, cha mẹ đừng gục ngã nếu cảm thấy mọi chuyện không diễn ra theo ý muốn của mình. Không tự đổ lỗi cho mình, tự làm mình thoải mái, chăm sóc bản thân về thể chất lẫn tinh thần là điều mà cha mẹ nên cần làm, để có thể giúp con cùng con vượt qua giai đoạn này. 

Một số mẹo nhỏ mà cha mẹ có thể áp dụng khi con mình có những phản ứng cảm xúc và hành vi trong giai đoạn cách ly xã hội. 

Nên nhớ đến ngay cả bản thân bạn cũng rất dễ dàng rơi vào căng thẳng và sợ hãi, mệt mỏi cũng như lo lắng. Vì vậy, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ xung quanh bạn là một trong những điều quan trọng. Đó có thể là người thân bên cạnh bạn, hoặc bạn bè của bạn, hay bất kỳ ai mà bạn có thể dễ dàng sẵn lòng chia sẻ những vấn đề của mình. Tham gia một nhóm như vậy đem lại cảm giác an toàn cho bạn, để bạn và những người xung quanh không cảm thấy cô độc, đó là điều rất quan trọng. 

Một trong những điều khiến con người lo sợ đó là họ không biết chuyện gì xảy ra trong tương lai, cảm giác bất an, không thể kiểm soát phát triển thành những vấn đề tâm lý cho trẻ nhỏ và người lớn. Những điều ổn định, nề nếp sẽ làm con người ta cảm thấy có thể kiểm soát, an toàn.

Hãy thiết lập một thời gian biểu cố định trong những ngày dãn cách, mà trong đó có những điều không thể thay đổi như giờ thức dậy và đi ngủ, giờ học trực tuyến, giờ tập thể dục, giờ cơm tối cùng gia đình. Hãy nhớ, giấc ngủ rất quan trọng trong sức khỏe tinh thần và thể chất, giữ con bạn có một lịch thức ngủ đều đặn và đúng giờ, tránh xa các thiết bị điện tử trước 1 giờ khi ngủ là những điều cần thiết.

Những điều trên không thể thiếu việc bạn và gia đình phải có một kế hoạch. Hãy lập kế hoạch cùng con bạn cho những điều từ đơn giản đến phức tạp. Và đừng quên tự khích lệ mình và con trẻ bằng lời khen, một phần thưởng nho nhỏ tạo động lực cho chúng.

Và quan trọng là trong việc giao tiếp với con trong giai đoạn này, khi tất cả các thành viên có cùng một mục tiêu chung kế hoạch chung, con bạn sẽ cảm thấy chúng và bạn là một đội, chúng sẽ rất hào hứng tham gia! Đó có thể cùng nấu một món ăn, trồng một cái cây, dọn dẹp nhà cửa, hoặc là sáng tạo những bài học trực tuyến bằng nhiều cách khác nhau như là làm thí nghiệm bằng rau củ và đồ dùng nhà bếp, thỏa sức với bút màu và đất cát. 

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận độ phủ sóng thông tin về đại dịch ở khắp mọi nơi. Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng về những điều này khi chúng nghe được ở đâu đó. Hãy trung thực cho trẻ biết sự thật bằng những câu trả lời khi chúng hỏi, trong giới hạn hiểu biết và trình độ ngôn ngữ của chúng. Đừng cố gắng nói hết mọi thứ, trả lời những điều chúng hỏi là điều quan trọng. Có quá nhiều thông tin sẽ làm chúng khó kiểm soát và lo lắng hơn. 

Hãy đồng cảm với con của bạn. Chúng đã bỏ lỡ những buổi đến lớp sôi nổi, những cuộc chơi vui đùa với chúng bạn, những hoạt động thể chất mà chúng yêu thích, những buổi hẹn với bạn bè, những cuộc thi quan trọng … Lắng nghe chúng chia sẻ về cảm xúc của chúng và cho chúng biết bạn hiểu những điều đó như thế nào.

Đừng cố gắng khuyên bảo con bạn hoặc nói dối là mọi chuyện vẫn ổn, chia sẻ những cảm xúc của chính bạn, lắng nghe không phán xét giúp bạn và con vào cùng một liên minh cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn này. 

Trong giai đoạn này, con cái có thể có rất nhiều vấn đề về hành vi cư xử, chúng sẽ thách thức hơn, hoặc có những hành vi khó kiểm soát hơn.

Thay vì quát mắng và đánh đòn sẽ làm chúng sợ hãi và cảm thấy bất an. Hãy làm một số mẹo như chuyển hướng con bạn đến những việc làm tốt, hãy khen ngợi chúng khi chúng làm được một việc nhỏ nào đó như là lau dọn cái bàn học của mình ( có thể việc này trong giai đoạn bình thường, nhưng trong giai đoạn này, chả phải đó là một cố gắng lớn sao?), kể cho chúng nghe về những tác hại của hành vi xấu lúc nào đó khi chúng thật sự bình tĩnh, hoặc có khi bạn chẳng cần làm gì, để chúng có thể duy trì những hành vi gây chú ý. 

Tìm kiếm những điều tích cực. Mỗi ngày, mỗi buổi tối, hãy cùng con bạn chia sẽ một điều thú vị, một niềm vui, hạnh phúc hoặc tích cực mà bạn và chúng đã trải qua trong ngày hôm đó. Khuyến khích chúng chia sẻ, đó có thể là vẽ được một bức tranh đẹp, phụ mẹ lặt được một bó rau, hoặc đơn giản là nhìn thấy con chó vui đùa, cảnh mưa tuyệt đẹp,.. Thừa nhận lòng biết ơn và những trải nghiệm tích cực có thể mang lại cân bằng, giúp cho con bạn và bạn có những thời gian nghỉ ngơi, thúc đẩy tâm trạng. 

Luôn nhớ, trẻ con có thể học tập hành vi từ người lớn rất nhanh. Trẻ nhỏ dễ gây ấn tượng và bắt chước hành vi từ người lớn. Hãy nhớ những gì bạn hướng dẫn cho con và thực hành những điều đó trước, như vệ sinh tay, quy định giãn cách xã hội, tôn trọng và cư xử với những người dễ bị tổn thương. 

Ở cả những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, giao tiếp trong giai đoạn này có thể có một số khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Hãy nhớ điều quan trọng là cho trẻ biết bạn và chúng là một liên minh. Trẻ vị thành niên sẽ dễ chia sẻ với bạn hơn nếu bạn bắt đầu trò chuyện với chúng về sở thích của chúng, về cuốn phim chúng xem, nhóm nhạc chúng thần tượng, về video mà chúng tâm đắc, cuốn sách chúng đã đọc,…

Từ đó hãy tiếp tục với những chủ đề khó hơn như là những quy định về dãn cách xã hội, những quy tắc cư xử, những hành vi mà bạn muốn chúng thực hiện vì tốt cho chúng. Bạn và chúng có thể cùng nhau, cùng nhau nấu ăn và ăn uống chung, cùng nhau làm vườn, cùng nhau chơi thể thao,… là những mẹo có thể giúp ích cho bạn. 

Cuối cùng là, hãy cho thêm yêu thương. Trong giới hạn của sự an toàn, những cái ôm và hôn trong giai đoạn này không bao giờ là thừa, những buổi kể chuyện vào buổi tối, những cái ôm khi con sợ không thể đi vào giấc ngủ. Đây là khoảng thời gian căng thẳng với tất cả chúng ta, thêm yêu thương sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực. 

Con lười đến trường sau kỳ nghỉ Tết kèm dịch Covid-19: Chuyên gia mách mẹ cách chuẩn bị tâm lý
Sau kỳ nghỉ Tết dài kết hợp nghỉ phòng chống dịch Covid-19, việc quay trở lại trường học đối với trẻ không đơn giản.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con tình cảm