Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn

Thi Thi - Ngày 24/07/2022 19:57 PM (GMT+7)

Những câu chuyện ngụ ngôn, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để phản ánh những vấn đề thực tế trong cuộc sống, truyền tải bài học có giá trị.

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 1

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 2

Đổi lòng can đảm

Có một con Thỏ rất nhát gan, luôn bị những kẻ trong rừng lừa gạt, ức hiếp. Nó thường nghĩ giá như có được gan của Báo thì tốt biết mấy. Vì thế nó tìm đến gặp Báo và nói:

– Anh Báo, anh đổi lòng can đảm của anh cho tôi được không?

Báo nghĩ: “Lòng can đảm của ta quá lớn, vì thế ta thường gặp rắc rối. Nếu đổi lòng can đảm cho Thỏ, có lẽ mọi người sẽ lại yêu quý ta!”, vì thế Báo vui vẻ đồng ý.

Ngày hôm sau, Báo và Thỏ cùng đi đến gặp bác sĩ Hươu thần kỳ để làm phẫu thuật. Thỏ đổi được gan Báo, chạy ra đường dương oai, cảm thấy rất đắc ý, tất cả Khỉ, Gà, Dê,… đều bị Thỏ coi thường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một con Sóc đến chào hỏi Thỏ, nhưng Thỏ không những không đoái hoài đến mà còn nhảy lên đánh Sóc. Sóc nghĩ bụng: “Con Thỏ này hôm nay không muốn sống nữa hay sao?”. Vì không muốn cãi vã với Thỏ nên Sóc đã trèo lên cây. Thỏ nhìn thấy Sóc bỏ đi mất, khoái chí không nói nên lời.

– Ôi! Khi Thỏ ta làm chúa sơn lâm, xem còn ai dám chống lại ta!

Lúc đó, nó bỗng nhìn thấy một con Sói xám đang ngủ dưới gốc cây. Nó nghĩ bụng: “Sói xám, ngày thường ngươi ra oai trước ta, hôm nay xem ta dạy dỗ ngươi thế nào!”.

Không do dự, Thỏ liền xông thẳng đến Sói xám, sau đó lấy chân ra sức đá lên người Sói. Sói bị dọa tròn mắt nhìn, không nín được cười:

– Ha ha, mọi người nói “há miệng chờ sung“, hôm nay ta ngủ mà cũng chờ được Thỏ, thật là may mắn!

Nó há miệng cắn phập một cái vào chân Thỏ.

Đúng lúc đó, nghe thấy một loạt tiếng bước chân dồn dập vọng từ xa lại, Sói xám ngẩng đầu nhìn. Ối! Một con Báo người đầy bùn nhơ đang xông đến. Nó vội vã bỏ Thỏ lại và quẫy đuôi bỏ chạy.

Hoá ra là con Báo đã đổi lòng can đảm cho Thỏ. Nó gặp một con hồ li, nó bị doạ đến nỗi dựng đứng tóc gáy, quay đầu bỏ chạy, rồi rơi xuống đầm lầy. Mới có thế mà trông nó đã thảm hại như vậy. Đương nhiên con hồ li nào dám đuổi theo nó.

Thỏ trắng run rẩy và nói với Báo rằng:

– Anh Báo, bây giờ tôi mới biết, chỉ có gan Báo nhưng không có tài năng thì càng tệ hại hơn.

Báo cũng gật đầu và nói:

– Tôi cũng thế. Mất đi sự gan dạ và dũng khí, uy danh cũng không thể dùng được. Chúng ta cần phải đổi lại lòng can đảm cho nhau mới được!

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 4

Con Vẹt biết nói

Có một anh Vẹt sau khi học được vài ba tiếng Người thì lấy làm hãnh diện và tự phụ lắm. Anh ta tuyên bố:

– Ta biết nói tiếng Người. Từ nay các người sẽ không bao giờ nghe ta nói một lời nào bằng tiếng chim nữa!

– Ồ, ồ! – Mấy chị chim Chìa Vôi thốt lên – Thông minh làm sao! Anh ta chỉ nói bằng tiếng Người! Anh ta khinh rẻ tiếng chim!

– Anh ta biết nói tiếng Người ư? – Bác Quạ già hỏi – Thì đã sao! Thế càng tốt! Nhưng như thế không có nghĩa là anh ta thông minh hơn tất cả những kẻ khác. Tôi cũng biết nói tiếng Người nhưng chưa bao giờ tôi cho mình là một nhà thông thái.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Thế thì bác nói đi, nói với anh ta bằng tiếng Người đi! Mấy chị chim Chìa Vôi năn nỉ – Chúng em cam đoan là anh ta chẳng bao giờ nói với bác bằng tiếng chim đâu. Đấy, rồi bác sẽ thấy!

– Nào, để tôi thử xem! – Bác Quạ nói rồi nhảy sang cành cây, nơi anh Vẹt đang ngồi với vẻ quan trọng.

– Chào anh Vẹt! Bác Quạ cất tiếng chào và giới thiệu bằng tiếng Người rành rẽ – Tôi là Quạ!

– Vẹt là thằng ngu! Vẹt là thằng ngu! – Anh Vẹt cũng đáp lại tiếng Người rất trịnh trọng – Vẹt là thằng ngu!

– Bác nghe thấy chưa? – Mấy chị Chìa Vôi thán phục reo lên – Anh ta làm cho bác tin rồi chứ? Anh ta nói toàn bằng tiếng Người, bác tin rồi chứ?

– Vâng, tôi tin! Và tôi công nhận là anh ta nói rất đúng!

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 6

Sói và Voi

Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống.

Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.

– Xin lỗi anh bạn! – Bác Voi nói với Sói – Tôi sẽ sửa ngay cho anh.

Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước…

– Ô hô! – Anh Sói bụng bảo dạ – Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Này, đứng lại! – Sói quát bảo Voi – Lão làm cái thói gì thế? Lão tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à?

Biết điều thì đi làm cho ta một cái nhà mới! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!

Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói.

– Này, nhà mới này! – Bác Voi nói rồi đi thẳng.

Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:

– Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình, đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này… Thật không sao hiểu nổi!

Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già trên cây nói vọng xuống:

– Chú mày ngu lắm!  Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 8

Chuột Nhà và Chuột Đồng

Chuột Nhà và Chuột Đồng là bạn thân của nhau. Chuột Đồng sống ở nông thôn, ngày ngày ra đồng ăn thóc, cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Chuột Nhà sống trong một hốc tường của một gia đình giàu có ở thành phố.

Khi chủ nhà đi vắng, Chuột Nhà chạy ra trộm thức ăn: nào là đỗ, thóc, pho mát, mật ong,… Cuộc sống của Chuột Nhà cực kỳ sung sướng.

Một hôm, Chuột Đồng mời Chuột Nhà đến ăn giỗ. Chuột Nhà diện lễ phục chốn đồng quê dự tiệc. Chuột Đồng mang đại mạch và thóc mà mình dự trữ được ra đãi khách. Chuột Nhà vừa ăn đại mạch và thóc vừa bảo Chuột Đồng:

– Bạn thân mến ơi, bạn sống như một con kiến tầm thường vậy. Còn chỗ tôi thì có bao nhiêu là thứ ngon. Bạn hãy lên thành phố hưởng thụ với tôi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghe bùi tai, thế là Chuột Đồng theo Chuột Nhà lên thành phố sinh sống. Trong bếp nhà chủ của Chuột Nhà, Chuột Đồng thấy có đỗ, thóc, lại còn có cả pho mát, mật ong,… Nó thèm đến nỗi nước miếng cứ chảy ra ròng ròng.

Không ngờ Chuột Nhà lại có lắm cái ăn như vậy, nó rất ngưỡng mộ Chuột Nhà.

Khi chúng đang chuẩn bị đánh chén thì có tiếng người mở cửa bếp. Chuột Nhà nhát gan, nghe thấy tiếng động liền ba chân bốn cẳng chui tọt vào hang.

– Chủ nhà đấy! Chạy mau đi!

Cả hai con chuột chạy như bay. Khi xung quanh yên tĩnh trở lại chúng mới dám chui ra. Vừa định cầm miếng pho mát lên thì lại có người mở cửa tiếp. Chuột Nhà lại vội vàng trốn vào hang.

– Chủ nhà lại đến kìa, chạy đi!

Chuột Đồng cũng chạy chối chết. Lúc này, Chuột Đồng đói đến mức bụng kêu òng ọc. Nó run run nói với Chuột Nhà:

– Tạm biệt bạn thân mên! Bạn cứu việc hưởng thụ những thứ ngon lành này đi, còn tôi không muốn cứ phải nơm nớp lo sợ như thế nữa. Tôi sẽ quay về ăn thóc, sống một cuộc sống bình thường và yên ổn.

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 10

Muỗi và Sư Tử

Một con Muỗi rất muốn trở thành Chúa sơn lâm, bèn nghĩ: “Trong khu rừng này, Sư Tử là Chúa sơn lân, như vậy chắc hẳn là người mạnh nhất. Nếu mình có thể đánh bại nó, thế thì mình có thể đường đường chính chính làm Chúa sơn lâm rồi.”

Nghĩ là làm, Muỗi quyết định sẽ tuyên chiến với Sư Tử. Muỗi đến bên Sư Tử, và quát lớn:

– Chúa sơn lâm! Trong khu rừng này chỉ có tôi là không sợ anh. Không tin anh thử thì biết ngay.

Muỗi cứ bay vo ve trước mặt Sư Tử. Về cơ bản, Sư Tử chẳng bao giờ thèm để mắt đến loài muỗi bé nhỏ này, chỉ là tiện chân khua mấy cái. Muỗi tức giận hỏi:

– Lẽ nào anh không dám chấp nhận lời thách đấu của tôi? Nếu anh còn muốn làm Chúa sơn lâm thì hãy nhận lời thách đấu đi. Anh dùng móng vuốt vồ tôi hay dùng răng để cắn tôi?

Muỗi lại vo ve, xông thẳng vào Sư Tử, đốt vào xung quanh mũi của Sư Tử, những chỗ mà không có lông.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

– Hãy đỡ đòn của ta đây!

Sư Tử vô cùng tức giận, nói:

– Con Muỗi ranh này, dám coi thường ta hả? Thế thì ta sẽ đọ sức với mi.

Nghe xong, Sư Tử che mũi đi. Và bắt đầu tìm cách tóm cổ con Muỗi láo toét.

– Ta sẽ cho mi biết tay!

Nhưng Muỗi bay tới bay lui, Sư Tử dùng móng vuốt cào nát hết cả mặt và mũi mà vẫn không tóm được Muỗi. Đau quá, Sư Tử đành bỏ đi.

Sau khi Muỗi thắng Sư Tử, luôn hát vang bài ca thắng lợi và khúc ca thắng lợi đi khắp mọi nơi. Muỗi vừa bay vừa hét:

– Ta đã thắng Sư Tử, ta đã trở thành Chúa sơn lâm, ta là người mạnh nhất. Ha ha…

Muỗi vô cùng sung sướng bay qua bay lại. Đột nhiên, Muỗi bị dính chặt vào mạng nhện.

Nhện mừng rỡ reo lên:

– A ha, một con muỗi béo ú. Hôm nay ta gặp may rồi! Hãy cầu nguyện trước khi chết đi! Ha ha…

Muỗi cố gắng vùng vẫy mong có thể thoát ra nhưng vô ích. Lúc sắp bị Nhện ăn, Muỗi mới than thở rằng:

– Ta thắng kẻ mạnh nhất là Sư Tử, nhưng lại bị một con Nhện bé tí tẹo tiêu diệt. Thế là hết. Hu hu…

Truyện cổ tích: 5 câu chuyện ngụ ngôn ngắn về các loài vật, nhưng dạy bé bài học lớn - 12

Bài học hay từ những câu chuyện ngụ ngôn

Những câu chuyện ngụ ngôn, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để phản ánh những vấn đề thực tế trong cuộc sống, truyền tải bài học có giá trị.

Những câu chuyện ngụ ngôn, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để phản ánh những vấn đề thực tế trong cuộc sống, truyền tải bài học có giá trị.

Truyện cổ tích: Top 4 câu chuyện cổ tích phù hợp cho bé tiểu học
Những câu chuyện cổ tích sau đây thích hợp cho các bé lứa tuổi tiểu học, bố mẹ nên thường xuyên kể cho con nghe.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Theo Thi Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn