Đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà cha mẹ làm lại cực kỳ to lớn với bé.
Những đứa trẻ luôn muốn có thật nhiều thời gian bên bố mẹ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số trẻ phải đối diện với sự căng thẳng ở trường là do không được bố mẹ quan tâm nhiều, không cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ dẫn đến não bộ chịu tác động tiêu cực. Những điều này hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bố mẹ áp dụng những cách sau:
1. Hòa mình vào thế giới của con
Để thể hiện tình yêu của mình với con, hãy học cách bước vào thế giới của con, kết nối với con một cách ấm áp. Bạn nên giao tiếp với con một cách thân thiện, thiết lập giao tiếp bằng mắt, gần gũi với con.
Cụ thể, bạn có thể cùng con tham gia các trò chơi của con dù cho nó không phải là thứ hấp dẫn với bạn. Hãy hỏi con xem ngày hôm nay của con như thế nào. Theo thời gian, điều này sẽ giúp bạn thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn, ấm ấp hơn và có ý nghĩa nhiều hơn với con. Giao tiếp của bố mẹ với con chính là cách mang lại niềm vui, nụ cười cho con.
2. Tạo sự tin tưởng, thân thiết và gắn bó của con với cô giáo hoặc những người thân
Dù yêu thương con cái đến mấy nhưng bố mẹ không thể nào ở bên con 100% thời gian. Chúng ta phải đi làm để đảm bảo con cái và việc chăm sóc con tất nhiên phải nhờ cậy vào người thân, cô giáo. Khi trẻ đi học, để con vẫn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ với mình thay vì thấy bị bỏ rơi, bố mẹ cần phải xây dựng 1 mối quan hệ đáng tin cậy, gắn bó giữa con với các cô.
Trẻ em có bản năng tự nhiên, chúng sẽ nhút nhát và không thể ngay lập tức thân quen với người xa lạ, chưa từng gắn bó. Để vượt qua trở ngại này, một lời giới thiệu ấm áp về bé với cô giáo, giới thiệu về cô giáo với bé sẽ kích thích mối quan hệ mới này phát triển và tạo sự gần gũi.
Bố mẹ có thể áp dụng các cách sau:
- Chủ động giới thiệu con với cô giáo
Thay vì chỉ dẫn con đến lớp học và phó mặc cho cô – trò tự làm quen với nhau, bố mẹ nên chủ động giới thiệu con mình với cô giáo – người sẽ gắn bó, đồng hành cùng con. Điều này giúp trẻ hiểu rằng đây là người được bố mẹ chấp thuận cho mình, gửi gắm mình chứ không phải người xa lạ. Không chỉ vậy, việc chủ động giới thiệu con với cô giáo sẽ khiến con cảm thấy tình cảm của bố mẹ dành cho mình nhiều hơn là để bé phải tự giới thiệu bản thân.
- Nêu ra những điểm tương đồng giữa bản thân và cô giáo
Cách tốt nhất để một đứa trẻ cảm thấy có sự kết nối với người khác là việc trẻ tìm thấy những điều chung giữa hai người. Để làm điều này, bố mẹ phải hướng sự chú ý của con mình vào những điểm chung giữa hai người. Bố mẹ có thể giới thiệu rằng: Cô giáo rất giống con nhé, cô giáo cũng thích màu hồng này, cô cũng thích ăn món bánh ngọt này, cô cũng rất yêu quý con…
- Tạo cảm giác tin tưởng
Trẻ em có xu hướng bắt chước thái độ của bố mẹ với người lớn khác để đối xử. Khi một đứa trẻ thấy cha mẹ chúng tự tin, giao tiếp thân mật với người khác, tự khắc trẻ sẽ có cảm giác gần gũi và tương tác tốt hơn với cô.
- Dặn con đây là người con có thể nhờ giúp đỡ khi cần
Cho dù trẻ có thể nhanh chóng bắt quen với cô giáo đến đâu, bố mẹ vẫn phải giữ vai trò lãnh đạo. Bố mẹ nên dặn dò con rằng nếu có bất cứ tình huống khó khăn nào cần giúp đỡ, con hãy gọi cô nhé. Cô sẽ là người hỗ trợ con.
- Thể hiện tình cảm tăng cường sự kết nối
Thói quen thể hiện tình cảm, được đón nhận sự yêu thương từ bố mẹ sẽ tạo nên một môi trường an toàn và giúp trẻ tự tin hơn. Ví dụ bạn áp dụng thói quen mỗi ngày khi đưa con đi học và tới đón con về hãy dành cho con một nụ hôn, một cái ôm, một lời chào… Duy trì thái độ tốt với cô giáo cũng là cách để con cảm thấy có thêm 1 người để mình tin tưởng khi ở trường.
3. Giúp con vượt qua cảm giác sợ xa bố mẹ
Trẻ em rất khó để vượt qua việc phải xa bố mẹ, đặc biệt là với trẻ dưới 6 tuổi. Nếu vì công việc hoặc một lý do bất khả kháng nào đó mà bạn phải tách khỏi con, bạn hãy cố gắng “thu hẹp” khoảng cách giữa con và mình.
Bạn có thể làm điều này bằng cách gửi ảnh, gửi thư, gọi điện thoại, gọi video, để một món đồ thân thuộc của bạn cho con để con luôn cảm thấy có sự liên kết với bạn. Ngoài ra, khi bắt đầu chia xa, hãy vẽ ra một tương lai thật đẹp để con có hứng khởi, ví dụ như: “Con ngoan nhé, mẹ đi công tác về sẽ đưa con đi chơi sở thú nha”.