Mẹ của Arya vì thương con nên để con ăn nhiều, nằm sofa và ăn mà ít vận động nên đã gây nên tình trạng tồi tệ.
Béo phì là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em Việt và các nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc ăn uống không kiểm soát và không lành mạnh của trẻ. Cha mẹ hãy lấy trường hợp của cậu nhóc người Indonesia - Arya Permana dưới đây là bài học và động lực thay đổi cho chính con em của mình.
Được biết, cách đây chừng 7 năm, khi Arya Permana mói 9 tuổi khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi cậu bé có số cân nặng kỉ lục 127kg. Chỉ 1 năm sau đó, khi Arya Permana 10 tuổi, số cân nặng tăng vọt hơn nữa, chạm mốc gần 200 kg (cụ thể là 191 kg).
Theo chia sẻ từ phía gia đình của cậu bé, nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ cơ địa của Arya mắc hội chứng thèm ăn kết hợp với sự nuông chiều từ bố mẹ đã khiến cậu nhóc thường xuyên chỉ nằm trên sofa hay giường để ăn, xem điện thoại và ăn, không hề vận động.
Được biết, chế độ ăn uống của Arya gồm 5 bữa/ngày với các món như gà rán, cơm, mì và kem socola. Cậu nhóc bày tỏ, em ăn không hề biết no, có thể ăn 2 gói mì, 2 quả trứng, hơn nửa cân thịt gà và 4 lần lấy cơm mỗi ngày. Tình trạng đó kéo dài dẫn đến thân hình quá khổ của cậu nhóc là chạm mốc 200kg năm 10 tuổi.
Với thân hình như thế, Arya không thể tự vận động, sinh hoạt bình thường mà lúc nào cũng cần phải có người hỗ trợ đi lại. Ngoài ra cậu nhóc lúc nào cũng phải tắm ở hồ bơi mới đủ sức chứa, quần áo khó kiếm để mặc nên nhiều khi chỉ quấn khăn.
Cũng chính vì lý do đó, gia đình không có cách nào đưa Arya đến trường học nên đành phải cho em nghỉ học ở nhà. ”Chúng tôi không có cách nào đưa con đến trường vì thế con đã phải học ở nhà cả năm. Con không thể chơi đùa hay làm bất cứ điều gì khác như bạn bè. Con chỉ có thể xem TV hoặc chơi điện thoại. Chuyện đó thật là đau đớn đối với những người làm cha mẹ như chúng tôi”.
Mẹ của Arya thừa nhận việc để con đến tình trạng tồi tệ như hiện tại là lỗi của gia đình, cô chỉ muốn cho con ăn vì yêu con nhưng không thể ngờ lại khủng khiếp như vậy. Người mẹ đã đành phải nhờ đến các bác sĩ và chuyên gia vào cuộc, một cuộc phẫu thuật thực hiện cắt bớt dạ dày đã được diễn ra, bên cạnh đó họ áp dụng chế độ luyện tập thể dục thể thao, ăn uống được kiểm soát chặt chẽ nên vóc dáng Arya có sự thay đổi nhiều.
Những hình ảnh mới nhất về cậu nhóc béo nhất thế giới mới đây được nghị sĩ Indonesia - Dedi Mulyadi chia sẻ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Diện mạo mới của Arya thay đổi một trời một vực, cậu nhóc đã gần như quay về với vóc dáng của một đứa trẻ 16 tuổi bình thường.
“Cơ thể của Arya đã trở lại bình thường như các trẻ em khác. Thằng bé đeo kính hóa ra cũng đẹp trai. Giữ gìn sức khỏe nhé con trai, tương lai tương sáng đang chờ con.” – ông Dedi viết. Huấn luyện viên Ade Rai, người trực tiếp giúp cậu bé thay đổi vóc dáng cho biết, Arya đam mê thể thao và thích nhất là đá bóng. Anh ủng hộ và hỗ trợ cậu bé. Điều quan trọng nhất chính là chia sẻ được với bố mẹ của Arya về tầm quan trọng của việc tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và truyền động lực cho họ giúp Arya.
Hiện tại Arya cũng đã được quay trở lại trường học, đi học với bạn và không còn bị trêu đùa nữa. “Cháu thực sự rất sung sướng và không có lời nào diễn tả hết được. Được trở lại trường học là điều tuyệt vời nhất. Ở đây mọi người đều yêu quý cháu. Các thầy cô giáo đối xử với cháu rất tốt. Cháu cũng quen thêm nhiều bạn mới và chơi đùa rất thoải mái.” – Arya nói. Cậu nhóc cũng chính là biểu tượng của sự nỗ lực, cố gắng và niềm hy vọng cho nhiều bạn nhỏ khác.
Hiện nay, thừa cân và béo phì ở trẻ em các lứa tuổi đang gia tăng nhanh. Tuy nhiên, một số phụ huynh khi thấy con mình bị béo đã tự ý cho trẻ ăn kiêng theo cách của mình mà không biết rằng nếu làm không đúng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con. Vậy bạn cần phải làm như thế nào? Theo ThS. BS. Trần Thị Hồng Loan, Chuyên gia Dinh dưỡng Cấp cao Viện nghiên cứu dinh dưỡng *** Ba nguyên tắc điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ mà bố mẹ cần biết: Do cơ thể trẻ em đang tăng trưởng và phát triển nhanh nên việc điều trị thừa cân béo phì ở trẻ cần phải đảm bảo 3 nguyên tắc sau: - Giúp trẻ tăng cân chậm lại hay đứng cân - Vẫn đảm bảo cho trẻ tăng chiều cao theo tuổi - Chỉ giảm cân cho trẻ nếu có bác sĩ theo dõi Ba nguyên tắc dinh dưỡng dành cho trẻ thừa cân béo phì: 1. Ba loại thực phẩm trẻ thừa cân béo phì CẦN DÙNG MỖI NGÀY Để giúp trẻ giảm tốc độ tăng cân nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng chiều cao tốt, có 3 loại thực phẩm mà trẻ không được thiếu, đó chính là các thực phẩm giàu chất Đạm, Sữa (cung cấp canxi) và Rau Củ Quả (cung cấp các vitamin và chất khoáng) nhưng lưu ý phải chọn loại ít ngọt, ít béo. Chất Đạm: nên chọn ăn thịt cá nạc, tôm tép, trứng, đậu đỗ, nấm, rong biển… và nên ăn cá nhiều hơn thịt, nên ăn đạm động vật phối hợp đạm thực vật. Sữa: không được cắt sữa của trẻ thừa cân béo phì nhưng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên phải cho trẻ đổi qua tập dùng các loại sữa giảm béo kèm ít/không đường (sữa chua cũng chọn loại ít/không đường), tuyệt đối không dùng sữa đặc có đường và vẫn cần đảm bảo cho trẻ ít nhất 400-600ml sữa mỗi ngày. Rau Củ Quả: nên tăng cường các loại trái cây nhiều nước, ít ngọt như bưởi, táo, mận, ổi, kể cả củ sắn… Nên tập cho trẻ ăn đa dạng, nhiều loại rau củ trong mỗi bữa ăn dưới dạng luộc, hấp, salad (tránh chiên xào)… và nên tăng thêm lượng canh rau củ trong mỗi bữa cơm. 2. Ba loại thực phẩm trẻ thừa cân, béo phì BẮT BUỘC PHẢI GIẢM Đây là 3 loại thực phẩm giàu năng lượng và cũng là 3 thủ phạm gây ra thừa cân, béo phì ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, cần cắt giảm. Ba loại đó chính là: Tinh bột: trẻ béo nên giảm ăn cơm (đặc biệt là cơm tấm có mỡ hành), xôi nếp (kể cả bánh chưng, bánh tét…), bánh mì ngọt hay mặn, mì, nui… Nên giảm lượng tinh bột và nên ăn dưới dạng nước thay vì dạng khô (ví dụ: ăn cháo thay cơm, ăn mì nước, nui nước thay mì khô, nui khô…). Nên tập cho trẻ ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ giúp no lâu như gạo lứt, yến mạch… Thức ăn ngọt: cần hạn chế tối đa các loại đường, mật ong, si rô, mứt, bánh, kẹo, rau câu, nước ngọt, kem, chè, các loại snack, kể cả trái cây ngọt như mít, nhãn, xoài chín, sầu riêng… Thức ăn béo: nên giảm tối đa lượng dầu, mỡ, bơ, sốt mayonnaise, đồ chiên xào quay, nước cốt dừa, mì gói, thức ăn nhanh (gà chiên, khoai tây chiên, hamburger, pizza…), không nên ăn thịt mỡ, da, đồ lòng… 4. Tuyệt đối KHÔNG BAO GIỜ để trẻ nhịn đói! Trẻ em nhịn ăn sẽ dễ bị thiếu chất, hạ đường huyết và sẽ có xu hướng ăn bù không kiểm soát vào bữa ăn sau. Vậy nên, dù trẻ đang thừa cân béo phì, vẫn cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ các bữa và uống đủ lượng sữa theo nhu cầu của lứa tuổi. Nếu trẻ vẫn còn than đói và đòi ăn thêm, hãy tăng thêm loại sữa phù hợp hay cho trẻ ăn thêm rau, củ, trái cây ít ngọt, mẹ nhé! |