Thay vì dùng thuốc trị cảm cúm như bác sĩ kê thì bà mẹ lại tin những lời khuyên trên mạng xã hội, dẫn tới cái chết thương tâm cho con trai.
2 tháng đầu năm 2020, tiểu bang phía Tây của miền trung Hoa Kỳ - Colorado, đã xảy ra 2 trường hợp trẻ tử vong vì nhiễm cúm. Trường hợp đầu tiên xảy đến với một em bé đang trong độ tuổi đi học, trường hợp thứ 2 là một cậu bé 4 tuổi đến từ Pueblo. Tuy nhiên, cái chết của bé 4 tuổi gặp khá nhiều chỉ trích từ dư luận bởi nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của bé là do mẹ bé đã nghe lời khuyên của hội anti vắc-xin trên mạng xã hội.
Cậu bé đáng thương có tên là Najee. Theo chia sẻ của mẹ bé với đài KKTV, Najee là một cậu bé sôi nổi và thường xuyên mang nụ cười hạnh phúc đến cho mọi người. "Thằng bé luôn tràn đầy niềm vui, nguồn năng lượng tích cực và có nụ cười má lúm cực đẹp".
Cậu bé Najee xấu số đã qua đời hôm 2/2.
Được biết, vào đầu tháng 2, hai anh em Najee có kết quả dương tính với virus cúm. Bà mẹ đã đưa em trai 10 tháng tuổi của Najee đến phòng khám với biểu hiện sốt 40 độ C. Sau khi trở về nhà, bà tắm cho Najee và anh trai 5 tuổi rồi đưa các bé vào phòng mặc quần áo.
Vài phút sau đó, con trai 5 tuổi chạy tới chỗ bà và nói rằng Najee ngủ say quá. Bà mẹ lập tức lao vào phòng thì phát hiện Najee đang nằm trên sàn nhà, khuôn mặt tái nhợt và sốt co giật. Bà liền gọi 911 và chuyển con đến một bệnh viện ở Colorado Spings. Cậu bé không may mắn, qua đời 4 ngày sau đó.
Một manh mối khác được tìm thấy được cho là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của cậu bé đáng thương đó là khoảng 1 tuần trước khi bé qua đời, mẹ của Najee đã vào nhóm hội "ngừng tiêm chủng bắt buộc" và xin lời khuyên về cách điều trị bệnh cúm cho con trai mình. Tại đó, các thành viên của hội đã khuyên chị cho cậu bé uống vitamin, ăn rau và trái cây thay vì uống thuốc Tamiflu mà bác sĩ kê trước đó.
Mẹ Najee đã trả lời "Ok. Khá hay, tôi sẽ thử xem sao". Theo đó, khi ở nhà, cô đã cho con dùng cơm cháy, dầu bạc hà và vitamin C như lời khuyên trong nhóm nhưng cơn sốt của con trai không giảm.
Khi đứa con 4 tuổi qua đời, bà lên mạng xã hội và đổ lỗi cho những thành viên nhóm, lúc này các thành viên phản bác rằng cái chết của bé liên quan đến điều kiện thiếu thốn của bệnh viện và phương pháp điều trị không hiệu quả từ bác sĩ. Hiện tại, nhóm facebook này đã bị xóa.
“Chúng tôi đau đớn tột cùng và cảm thấy chính chúng tôi là người vô tình đẩy con đến cái chết”, mẹ của Najee chia sẻ với CBS News.
Trên thực tế, cái chết thương vong của cậu bé 4 tuổi Najee không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đây đã có khá nhiều vụ tai nạn xảy đến với trẻ do mẹ tin tưởng lời khuyên trên mạng xã hội. Một bà mẹ cũng chia sẻ tình trạng bệnh của con trên mạng và nhận được lời khuyên nên tắm nước lá để mặt bé lặn hết những nốt đỏ. Tuy nhiên, sau khi tắm thì bé lại bị viêm da bội nhiễm.
Hay một em bé khác được mẹ thuê người về tắm và nặn đầu ti để mong muốn khi bé lớn lên có "đôi bồng đào" hồng hào xinh xắn. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thấy đâu đã khiến đầu ngực bé sưng đỏ, xuất hiện mủ.
Theo các bác sĩ nhi khoa, cha mẹ tuyệt đối không nên tin bất kì lời khuyên nào để chữa bệnh, làm đẹp cho trẻ từ trên mạng, nhất là với trẻ sơ sinh. Sức khỏe của các bé rất yếu và dễ bị ảnh hưởng bởi chỉ một tác động nhẹ. Để chăm sóc hay điều trị bất kì vấn đề nào cho bé, tốt nhất cha mẹ nên tìm đến các cơ sở tư vấn, thăm khám nhi uy tín để nhận được lời khuyên tốt nhất.
Tamiflu là một loại thuốc chống virus được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa cúm A và cúm B. Nhiều tổ chức y tế khuyên dùng nó ở những người bị biến chứng hoặc có nguy cơ biến chứng cao trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng nhiễm trùng đầu tiên. Cúm là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Thông thường, trẻ mắc cúm sẽ sốt cao và nhanh, thậm chí tới 39-40 độ, hơi thở không có mùi hôi, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen nếu được bác sĩ cho phép). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc chống cúm như tamiflu cho trẻ dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Song song với việc dùng thuốc do bác sĩ kê, cha mẹ nên chăm sóc trẻ bị cúm: - Vệ sinh đường hô hấp như súc miệng bằng nước muối sinh lý... - Bù nước và bổ sung vitamin Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin cúm, vệ sinh thân thể và đặc biệt giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là vào thời điểm lúc nửa đêm, trẻ hay vã mồ hôi và lạnh ở gan bàn chân. |