Cảnh tượng ấy khiến nhiều người đau đớn vô cùng.
Nhiều cặp vợ chồng không còn tiếng nói chung trong cuộc sống nên quyết định ly hôn và đi tìm cuộc sống mới. Điều đó cũng là lẽ phải, thế nhưng ai cũng phải thừa nhận người đau khổ nhất chính là những đứa trẻ. Hầu hết 100% con cái đều không muốn cha mẹ ly tán, gia đình tan vỡ mà muốn chung sống trong một gia đình có cả bố cả mẹ. Một câu chuyện đau lòng mới xảy ra cách đây ít lâu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng xã Trung, không ít người thừa nhận đã bật khóc khi thấy cảnh tượng ly tán đau lòng đến vậy.
Một bà mẹ họ Dương cho biết, vợ chồng chị lấy nhau được 8 năm nhưng khoảng thời gian sống gần nhau rất ít. Thậm chí sau khi có con, chồng chị cũng rất ít khi về nhà mà toàn đi làm xa.
Người chồng chăm chỉ đi làm để kiếm tiền và mỗi tháng đều đặn gửi về cho vợ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu đồng) để trang trải cuộc sống. "Khi chưa có con, mỗi tháng tôi có thể chỉ tiêu 2 nghìn tệ nhưng sau khi có con, số tiền này là không đủ" - bà mẹ họ Dương nói.
Cũng kể từ đó cuộc sống của hai mẹ con cô trở nên chật vật và cô thường xuyên cãi nhau với chồng vì chuyện này. Bên cạnh đó vì chồng đi làm xa quanh năm ít có thời gian quan tâm đến hai mẹ con nên chị Dương đã quyết định đâm đơn ly hôn và giành quyền nuôi con nhưng bất thành. Đứa trẻ được phán quyết về ở với bố và chị Dương cũng đành chịu.
Khi hoàn tất thủ tục ly hôn, chị về nhà thu dọn quần áo và gọi điện cho anh trai ruột đến đón. Trong suốt khoảng thời gian mẹ thu dọn hành lý, cô con gái nhỏ luôn ở bên cạnh để cầu xin mẹ đừng đi. Nghe con gái nói vậy, bà mẹ rất đau khổ, mắt đỏ hoe, nước mắt lưng tròng.
Tuy nhiên chị đã nghĩ bản thân nếu mang theo con gái cũng không thể cho bé cuộc sống tốt được nên đành để con lại. Trong khoảnh khắc người bác đến đón mẹ đi, cô con gái bé bỏng của chị Dương đã gấp rút đuổi theo mẹ, vừa chạy theo vừa khóc nức nở "Mẹ ơi mẹ đừng đi, mẹ ơi mẹ ở lại với con", "Bác ơi bác đừng bắt mẹ cháu đi, cháu muốn mẹ".
Tiếng hét đau đớn đến xé lòng khiến những người chứng kiến đều nghẹn ngào. Thậm chí đứa trẻ còn ôm lấy chân người bác để ngăn cản việc chia ly với mẹ. Nhìn đứa trẻ níu kéo và khóc nấc lên, người bác cũng đưa tay lau hai hàng nước mắt mà bật khóc, không dám ngẩng lên nhìn cháu gái.
Chị Dương cũng rất buồn khi phải xa con, nhìn thấy đứa trẻ gắn bó với mình, cô ước gì mình có thể mang đứa trẻ đi ngay lập tức. Thế nhưng lý trí mách bảo rằng cô không thể làm vậy, chỉ có thể khóc để giải tỏa cảm xúc, không để đứa trẻ nhìn thấy bộ dạng đau buồn của mình, cô đưa tay lên lau nước mắt, dùng khăn che mặt.
Trên thực tế việc vợ chồng khi đã không còn tình cảm với nhau lựa chọn chấm dứt cuộc hôn nhân là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Tuy nhiên những đứa trẻ vô hình chung phải chịu quá nhiều đau đớn vì lỗi lầm của người lớn.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh trước khi đi đến một quyết định quan trọng nào đó trong gia đình thì cần phải hiểu nỗi đau chia ly của những đứa trẻ, đặt mình vào địa vị của con để cảm nhận. Từ đó cha mẹ sẽ hiểu được làm thế nào để tốt nhất cho con.
Bên cạnh đó cần tiến hành nhiều bước theo những trình tự khác nhau trước khi quyết định ly hôn để trẻ không bị bất ngờ, choáng ngợp khi biết bố mẹ ly hôn. Bố mẹ có thể tâm sự, chia sẻ với trẻ nhiều hơn để con hiểu hiện trạng thực sự của gia đình và lắng nghe nguyện vọng của con.
Ngoài ra quan tâm và chăm sóc trẻ sau ly hôn cũng là việc làm rất cần thiết đối với cả cha lẫn mẹ để trẻ không bị tổn thương và chịu thiệt thòi so với bạn bè.