Cháo lươn rau mồng tơi cho bé ăn dặm là món cháo bổ dưỡng, rất tốt đối với sự phát triển hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Chỉ cần áp dụng cách nấu cháo lươn mồng tơi cho bé dưới đây, mẹ đã có món cháo cực ngon cho bé rồi đấy.
Theo nghiên cứu, trong số tất cả các loại thủy hải sản nước ngọt thì lươn là thực phẩm có giá trị về dinh dưỡng khá cao nên được nhiều mẹ lựa chọn để nấu cháo ăn dặm cho con. Trong thống kê về bảng thành phần dinh dưỡng có trong thịt lươn thì thịt lươn có hàng loạt những chất dinh dưỡng cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể như protein, đạm, các vitamin nhóm A, B hay khoáng chất canxi, magie, sắt…
Cháo lươn rau mồng tơi rất giàu dinh dưỡng cho bé. (Ảnh minh họa)
Do vậy, món cháo lươn cho các bé ăn dặm được sử dụng như bài thuốc bổ dưỡng để trẻ thêm phần cứng cáp. Không những dùng được cho trẻ nhỏ mà những người già, bà bầu, người cần phục hồi thể lực cũng nên dùng để hỗ trợ chữa suy dinh dưỡng, đau mỏi lưng, kiết lỵ, đau khớp...
Lưu ý trước khi nấu cháo lươn rau mồng tơi cho bé ăn dặm
Khi chế biến món cháo lươn rau mồng tơi cho bé, điều quan trọng nhất là cần phải loại bỏ hoàn toàn xương và chỉ giữ lại phần thịt lươn để dùng.
- Cách chọn lươn phù hợp để nấu cháo lươn rau mồng tơi cho bé
+ Nên chọn loại lươn to để nấu cháo cho bé, loại lươn trên 400g/ con.
+ Chọn những con lươn có 2 màu rõ rệt: phần lưng đen và phần bụng vàng sẽ thấy thịt thơm ngon và chắc hơn vì đó là những con lươn được bắt từ ao hồ, kênh rạch, không phải lươn nuôi. Lươn nuôi thường là những con đen mình, thịt nhão và không thơm.
Cách chọn thịt lươn ngon. (Ảnh minh họa)
+ Muốn mua được loại lươn đồng sạch và ngon giúp mang đến sự an toàn, đảm bảo cho sức khỏe của bé thì các mẹ nên chọn mua tại những cửa hàng bán uy tín.
- Thực hiện sơ chế lươn đúng cách trước khi nấu để cháo không bị tanh
+ Trước tiên, cần phải làm thật sạch nhớt của lươn, có thể dùng nước vo gạo, nước cốt chanh, tro bếp để tuốt thịt lươn. Tuốt đến khi nào không thấy độ nhớt nữa là được.
+ Mổ thịt lươn và bỏ hết nội tạng bên trong rồi rửa lại bằng nước ấm pha thêm với chút muối. Thịt lươn sẽ rất tanh nếu như chỉ rửa bằng nước lã không.
Cách sơ chế thịt lươn trước khi nấu cháo. (Ảnh minh họa)
+ Sau khi lươn đã làm sạch và để khô ráo thì cho ướp cùng với chút muối, tiêu, bột nghệ cùng với một chút rượu trắng hoặc ớt, sả để lươn không bị tanh. Sau cùng là để trong khoảng 15 phút cho đến khi ngấm gia vị.
Lưu ý:
- Mẹ không nên dùng giấm để làm sạch phần nhớt của lươn vì có thể sẽ làm mất đi mùi thơm đặc trưng của phần thịt lươn cũng như chất dinh dưỡng.
- Không sử dụng gừng và nước mắm để ướp thịt lươn vì không hợp.
Cách nấu cháo lươn mồng tơi cho bé
Nguyên liệu dùng để nấu cháo lươn mồng tơi cho bé ăn dặm
- 50g gạo (hoặc tùy theo lượng ăn của bé)
- 30g Thịt lươn đồng (đã sơ chế)
- 1 nắm rau mồng tơi (chọn ngọn bánh tẻ, lá không quá già)
(Ảnh minh họa)
- Gừng tươi
- Hành củ, gia vị
Cách nấu cháo lươn mồng tơi cho bé ăn dặm
- Bước 1: Ninh nước xương của lươn cho ngọt nước. Sau khi ninh xong, có thể lấy xương ra xay nhỏ rồi lọc chắt lấy nước cốt sẽ giúp món cháo ngon hơn.
- Bước 2: Vo gạo sạch rồi cho vào nồi nước xương lươn nấu cháo, ninh cho đến khi cháo nhừ.
- Bước 3: Rửa sạch rau mồng tơi, băm nhỏ.
- Bước 4: Lươn sau khi đã sơ chế sạch thì cho vào nồi luộc, đến khi lươn chín thì vớt ra gỡ thịt, băm nhỏ, ướp cùng với gia vị.
(Ảnh minh họa)
- Bước 5: Bóc vỏ hành củ, rửa sạch, băm nhỏ và phi thơm rồi cho lươn vào xào qua, múc ra để riêng thịt lươn.
- Bước 6: Chờ đến khi cháo đã chín thì cho thịt lươn vào xào, rau mồng tơi cùng nước luộc lươn vào đảo thật đều.
(Ảnh minh họa)
- Bước 7: Nêm nêm gia vị vừa ăn cho bé rồi múc ra bát cho bé thưởng thức lúc còn ấm nóng.
Mặc dù cháo lươn rau mồng tơi tốt cho bé trong thời kỳ ăn dặm nhưng mẹ cũng cần lưu ý, nên cho bé ăn lươn từ khoảng 8 tháng tuổi trở lên và tập cho bé ăn từng chút một xem bé có bị dị ứng hoặc có hợp với thịt lươn hay không rồi mới cho ăn tiếp. Việc nêm nếm gia vị cũng chỉ nên được áp dụng với các bé từ 12 tháng tuổi trở lên để đảm bảo hệ tiêu hóa của bé phát triển khỏe mạnh.