Bà đã đồng ý lên trông con hộ nhưng vẫn liên tục chỉ trích chúng tôi.
Hôm nay khắp facebok của tôi xôn xao tin về thời tiết lạnh giá dưới 10 độ C thế này, học sinh các cấp cũng được nghỉ học. Thế nên nghĩ bụng chắc quyết định cho con nghỉ học ở nhà của mình cũng hoàn toàn là xứng đáng, vậy mà vẫn bị mẹ chồng mắng ra rả suốt từ hôm qua đến giờ.
Vợ chồng tôi và cô con gái 5 tuổi mua một căn chung cư nhỏ trên thành phố để sống và làm việc còn gia đình nội ngoại hai bên đều ở quê. Mỗi khi có việc gì cần nhờ thì chỉ cần điện trước cho ông bà ít hôm, ông bà cũng tranh thủ lên giúp được. Vì vậy ngay từ tuần trước có thông tin về thời tiết lạnh giá vợ chồng đã bàn nhau chắc tuần tới phải cho con nghỉ học ở nhà mấy hôm để tránh rét vì đằng nào cũng sẽ nhờ được ông bà trông, ở lớp học không có điều hòa hai chiều, gió lồng lộng.
Ảnh minh họa
Vậy nên cứ cẩn thận một chút để con khỏe mạnh còn hơn. Do đó từ cuối tuần vợ chồng tôi đã gọi điện trước cho bà nội, nói nhờ bà ra trông cháu 5 tuổi 2-3 ngày, đợi ấm lên cháu đi học thì không phiền đến bà nữa.
Đúng như dự tính, bắt đầu từ thứ 2 cho đến sang hôm nay, thứ 3, học sinh nhiều khối mầm non đã lũ lượt được bố mẹ cho ở nhà để tránh rét. Mẹ chồng tôi vì bận việc nên chiều thứ 2 bà mới vượt 150 cây số lên tới nơi để giúp chúng tôi trông nom cháu. Những tưởng bà lên với tâm thế vui vẻ, nhưng không mọi thứ đều ngược lại. Vừa lên tới nhà bà đã mắng ra rả:
- Thời tiết như thế này thì có gì mà lạnh đâu lại chiều hư con, cho chúng nó ở nhà rồi bắt cái thân già này lên trông hộ.
- Ô hay, chúng con nhờ mẹ, mẹ đồng ý nên chúng con mới dám cho cháu ở nhà chứ nếu mẹ không đồng ý, chúng con đã có phương án khác.
- Phương án nào, rồi lại nghỉ làm ở nhà trông con thì cũng bằng hòa à. Rét vậy chứ rét nữa vẫn cứ cho nó đi học, tới trường tới lớp có bạn bè vẫn còn tốt hơn là ở nhà chơi bởi lêu lổng. Vừa cực bà mà lại khổ cháu. Mẹ thì không ngại đường xá xa xôi lên đây trông cháu đâu nhưng mẹ thấy cái việc này nó không cần thiết. Sau này cứ động khó khăn một chút là đứa nhỏ lại lười nhác, bàn lùi.
Miệng bà nói vậy nhưng bà vẫn đồng ý ở lại trông con cho chúng tôi đi làm vì đằng nào cũng lên tới đây rồi chẳng nhẽ lại về. Thế nhưng người bực mình nhất lại là tôi vì mẹ chồng một mặt đồng ý lên trông cháu nhưng một mặt lại nói tôi chiều hư con, cho con ở nhà vì trời rét.
Cũng chính vì thế mà thành ra tôi đi làm cũng không được yên tâm. Mẹ chồng gọi điện liên tục:
- Con ơi mẹ thấy trời ấm rồi đấy, hay mẹ dẫn con bé ra trường nhé. Nó ở nhà nghịch lắm mà không chịu ăn gì cả, còn đang mè nheo bà đây này.
Ảnh minh họa
- Thôi mẹ ơi, đằng nào cháu cũng nghỉ học rồi thì mẹ cứ cho cháu ở nhà chứ ra ngoài trời rét rồi lại ốm ra đấy, chúng con lại mất vài buổi nữa ở nhà trông thì chết.
- Rét thế này đã là gì so với ở quê mà cứ chiều hư nó.
Nói xong mẹ chồng cúp máy thể hiện sự không hài lòng. Tôi nói lại chuyện này với chồng nhưng chồng tôi cũng "ba phải", có một phần trách mắng tôi đúng là chiều hư cho con ở nhà vì thực tế vẫn còn nhiều trẻ tới trường trong thời tiết lạnh giá như thế này. Đơn cử như ngay lớp học của con gái tôi vẫn có một nửa số học sinh đi học bình thường.
Tự dưng tôi cảm thấy thật khó xử, chẳng nhẽ chuyện mình bảo vệ con lại đáng bị chửi như thế? không biết cho con ở nhà là đúng hay sai và mẹ chồng đã đồng ý lên trông cháu giúp chúng tôi mà giờ đây còn liên tục phê phán như thế thì quả thật không vui chút nào.
Tâm sự từ độc giả thuyvi...
Quyết định cho hay không cho con nghỉ học trời lạnh phụ thuộc vào hoàn cảnh của tùy từng gia đình có người giữ trẻ ở nhà hay không. Trừ trường hợp nhà trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học vì trời giá rét, sau đó gia đình buộc phải sắp xếp người chăm sóc và giữ trẻ.
Ngoài ra việc bảo vệ trẻ trong nhà những ngày thời tiết nhiệt độ xuống thấp là hoàn toàn hợp lý bởi không khí lạnh có thể là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị cảm lanh, ốm, ho... nhiều hơn. Việc này nên được bàn bạc kĩ càng bởi các thành viên trong gia đình và có phương án trông giữ cũng như các hoạt động bổ ích cho trẻ khi ở nhà.
Khi trẻ ở nhà, người lớn cũng có thể hướng dẫn trẻ làm bài tập hoặc cũng có thể hướng dẫn con một số trò chơi trong nhà để việc trẻ ở nhà không ảnh hưởng quá nhiều tới người lớn.
Dưới đây là cách làm và cách chơi 5 trò chơi cực đơn giản trong nhà dành cho các bé lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
1. Trò chơi cái cây toán học
Cách làm:
- Chuẩn bị: Giấy bìa cứng và bút màu.
- Thực hiện: Mẹ vẽ hình 1 cái cây to ra giấy bìa cứng (bao hồm cả tán lá cây và thân cây). Sau đó tạo ra các vòng xoáy trên tán cây bằng bút màu. Với mỗi vòng xoáy, mẹ dán một phép tính cộng hoặc trừ khác nhau.
Lấy một tấm bìa màu đỏ khác cắt thành những hình tròn bằng nhau. Trên mỗi hình tròn là kết quả của các phép tính trên tán cây.
Hướng dẫn bé chơi: Trò chơi này phù hợp cho các bé đang ở độ tuổi học cộng trừ. Nhiệm vụ của bé là xếp kết quả (hình tròn giấy màu đỏ) vào đúng vị trí của phép tính trên tán cây. Mỗi phép tính chỉ có 1 kết quả duy nhất. Đừng quên thưởng quà cho bé khi bé làm đúng kết quả mẹ nhé!
2. Trò chơi đưa bóng vào lỗ tròn
Cách làm
- Chuẩn bị: 1 thùng bìa các tông và những quả bóng tròn nhỏ.
- Thực hiên: chiếc thùng bìa các tông to nguyên hộp, mẹ loại bỏ một mặt của chiếc thùng, để lại phần đáy và các thành xung quanh. Mẹ có thể dán giấy màu vào thùng và vẽ các hình thù ngộ nghĩnh khác nhau để tăng hứng thú cho bé.
Tại phần đáy thùng, mẹ khoét các lỗ tròn khác nhau ở các vị trí khác nhau sao cho kích thước vừa bằng quả bóng (3-5 lỗ tròn).
Hướng dẫn bé chơi: Hãy cho toàn bộ số bóng vào trong chiếc thùng đó. Nhiệm vụ của bé là cầm chiếc thùng và lắc nhẹ, uyển chuyển sao cho bóng rơi đúng vào các lỗ mà mẹ đã khoét trước đó. Bé sẽ dễ dàng thực hiện hơn nếu mẹ nói cần đưa bóng vào lỗ mũi, lỗ tai của hình nhân vật tại thùng bìa các tông.
3. Trò chơi nhận diện hình khối
Cách làm
- Chuẩn bị: 1 miếng thùng bìa các tông to và giấy màu (hoặc bìa các tông nhiều màu khác nhau).
- Thực hiện: Tại miếng thùng bìa các tông to, bé vẽ và cắt 5 hình khối khác nhau mà bé đang học: hình vuông, hình tròn, hình bầu dục, hình chữ nhật và hình tam giác. Tại các giấy màu, mẹ cũng cắt thành 5 loại hình này khác nhau với kích thước nhỏ vừa đủ.
Hướng dẫn bé chơi: Nhiệm vụ của bé là lựa chọn các hình giấy màu có hình khối tương thích, đặt vào đúng hình khối tại miếng bìa các tông to. Hoạt động này giống như việc phân loại hình khối cùng loại về chung với nhau (như nhặt những hạt đậu).
4. Trò chơi ghép đĩa - ghép chữ
Cách làm:
- Chuẩn bị: 10 chiếc đĩa giấy, bút màu khác nhau.
- Thực hiện: Mỗi chiếc đĩa giấy mẹ cắt làm 2 phần (có thể cắt hình zíc zắc để bé ghép sẽ thích thú hơn là cắt thẳng). Sau đó, tại mỗi nửa của chiếc đĩa, 1 nửa viết chữ in hoa, 1 nửa viết chữ in thường. Lưu ý, 2 nửa của 1 chiếc đĩa phải là 2 chữ cái giống nhau, chỉ khác nhau giữa chữ in hoa và chữ thường.
Hướng dẫn bé chơi: Mẹ tung tất cả những nửa đĩa ra sàn, làm đảo lộn các nửa đĩa. Nhiệm vụ của bé là tìm các nửa đĩa có chữ giống nhau và ghép lại thành 1 chiếc đĩa hoàn chỉnh.
5. Trò chơi xúc xắc
Trò chơi này phù hợp với gia đình có nhiều trẻ nhỏ, các bé thích hoạt động.
Cách làm
- Chuẩn bị: 5 loại giấy màu khác nhau và dài như đỏ, vàng, xanh nước biển, tìm, xanh lá cây, 1 cuộn băng dính đen. Những chiếc hộp nhỏ hình vuông để làm quân xúc xắc.
- Thực hiện: Mẹ trải dọc 5 loại giấy màu ra sàn nhàu, sau đó phân ô (như hình) bằng băng dính đen. Với quân xúc xắc, mẹ lấy 5 giấy màu dán vào 5 hộp giấy, dùng bút dạ đen để chấm các nốt tròn đen tương ứng các mặt của hộp xúc xắc: 1, 2, 3, 4, 5, 6.
Hướng dẫn bé chơi: Mỗi bé lựa chọn cho mình 1 loại màu khác nhau và chơi theo lần lượt. Tới lượt bé nào thì tung quân xúc xắc của mình, nếu mặt ngửa của quân xúc xắc là 2 nốt chấm tròn, bé được đi 2 ô, nếu là 3 chấm tròn, bé được đi 3 ô... Ai đi hết được các ô trước là người thắng cuộc. Mẹ nhớ dành phần thưởng xứng đáng cho bé nhé!.