Con chào đời hoàn toàn bình thường, nhưng chỉ 2 tuần sau đó, da đầu con bị lớp vảy viêm da tiết bã (cứt trâu) bám kín phần thóp, khiến mẹ hoảng sợ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh từ khi chào đời luôn là một thử thách khó khăn với những người làm mẹ, đặc biệt là những sản phụ lần đầu có con. Vừa đau vết mổ, đau tầng sinh môn lại vừa loay hoay với cuộc sống bỉm sữa, nhiều bà mẹ không biết xử lý ra sao khi con có những biểu hiện lạ về sức khỏe.
Mới đây, bác sĩ nhi khoa Wang Weili, làm việc tại Bệnh viện Nhi Khoa Phúc Kiến, Trung Quốc đã chia sẻ một bài đăng về tình trạng viêm da tiết bã nghiêm trọng của một em bé sơ sinh vừa chào đời được 2 tháng, cảnh báo những người mẹ khác phải thật sự lưu tâm sức khỏe của con cái. Bài đăng của ông được chia sẻ trong chương trình đặc biệt "Weili Doctor's Parenting Weekly", nhanh chóng khiến giới y khoa và hội những bà mẹ bỉm sữa sốc nặng.
Con 2 tháng da đầu đặc kín "những cục bơ xanh đen", mẹ ngứa tay cạy sạch
Ông Wang cho biết, trước khi phát sóng chương trình vài ngày, ông tiếp nhận một trường hợp bé sơ sinh 2 tháng tuổi đến khám trong tình trạng da đầu đầy kín "những cục bơ đặc" xanh đen, bít kín chân tóc của em bé. Người mẹ ôm con đến bệnh viện khiến các bác sĩ không khỏi choáng váng vì chưa gặp tình trạng nào nghiêm trọng như vậy.
Sau khi thăm khám, bác sĩ còn biết một thông tin chấn động hơn là nguyên nhân làm tình trạng viêm da tiết bã (cứt trâu) nặng nề như vậy là do người mẹ đã nghe theo lời mách của hàng xóm, dùng dầu mè bôi và ủ lên đầu con. Sau đó dùng tay cạy những mảng cứt trâu để loại bỏ.
Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi mẹ ủ dầu mè lên đầu con
Tuy nhiên, chính hành động bôi dầu mè, ủ nóng trên đầu khiến tình trạng viêm da tiết bã của em bé càng thêm nặng nề. Da đầu vốn đã nhạy cảm sau đó bị viêm nặng hơn, những mảng bám ngày càng mọc dày như những "cục bơ đặc xanh đen".
Bác sĩ Wang cho biết, "cứt trâu" trên đầu trẻ em thực chất là tình trạng "viêm da tiết bã", nó xuất hiện khi nội tiết của trẻ mất cân bằng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều dầu, cộng thêm bụi bẩn da chết tích tụ gây lên tình trạng này trên da. Ở trẻ nhỏ sẽ xuất hiện từ 2 tuần sau sinh đến tầm 4 tháng và sẽ hết hoàn toàn sau 6 đến 10 tháng.
Một tình trạng khác của viêm dã tiết bã là mụn trứng cá sơ sinh
Nhiều bậc cha mẹ nhìn thấy tình trạng này lo lắng và dùng tay cạy nó lên, nhưng lại khiến con chảy máu và nhiễm trùng. Chính vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không nghe theo các phương pháp dân gian như ủ dầu mè, dùng lược bí chải cứt trâu cho con, dùng tay cạy... mà phải sử dụng dầu chuyên dụng cho trẻ em làm mềm, rồi gội sạch đầu bằng khăn xô và nước ấm, hoặc có thể dùng chanh tươi xát lên để làm sạch. Có thể dùng khăn xô, gạc y tế để chà xát các lớp vảy dần dần. Trong trường hợp nếu các triệu chứng quá nghiêm trọng, có thể dùng thuốc mỡ bôi ngoài da do các bác sĩ nhi khoa kê đơn để điều trị.
Bác sĩ Wang cảnh báo, ngoài "cứt trâu" thì một triệu chứng phổ biến khác của viêm da tiết bã là "mụn trứng cá sơ sinh". Đây là tình trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh, sẽ biến mất hoàn toàn sau 4 đến 6 tháng. Phụ huynh nên rửa mặt sạch cho bé bằng nước ấm, dùng dầu em bé chuyên dụng để mát xa, tránh làm vỡ các mụn nhỏ dễ bị bội nhiễm, biến chứng thành viêm mô tế bào, để lại sẹo cho em bé.