Mẹ tưởng con gái nói đùa vì muốn mua đồ chơi mới, nhưng biết sự thật mới vỡ lẽ.
Là bố mẹ, việc chú ý đến sự phát triển khỏe mạnh của con mình là điều bắt buộc. Muốn làm được như thế, bố mẹ phải dành thời gian chất lượng để quan tâm, chăm sóc con trẻ. Tuy nhiên, ngoài con cái thì bố mẹ còn có công việc và cuộc sống riêng của bản thân nên không thể lúc nào cũng ở bên cạnh trẻ được. Chính vì thế mà đồ chơi đã trở thành phương tiện để bố mẹ an ủi những đứa trẻ của mình.
Họ lựa chọn đồ chơi cho con dựa trên suy nghĩ của người lớn, từ đó bỏ qua việc trẻ có thực sự thích những món đồ đó hay không. Ví dụ, đa số các bậc phụ huynh đều có chung quan điểm, các bé trai chắc chắn sẽ thích những đồ chơi mô hình như ô tô và lắp ghép, còn các bé gái thì cực kỳ mê gấu bông hoặc búp bê.
Một ông bố (Trung Quốc) cảm thấy cô con gái 6 tuổi của mình chắc chắn sẽ thích búp bê nên đã mua cho đứa trẻ một con búp bê vô cùng xinh xắn, thậm chí nó tinh xảo đến mức trông rất giống người thật. Mặc dù giá thành của món đồ này không rẻ, nhưng vì để "chuộc lỗi" khi đã lỡ thất hứa với con gái nên ông bố này sẵn sàng bỏ ra số tiền khá lớn.
Ban đầu nhận được món quà từ bố, cô bé tỏ ra vô cùng thích thú, say sưa chơi búp bê cả ngày. Tuy nhiên thật bất ngờ qua vài ngày sau, đứa bé bỗng tỏ ra sợ hãi và nói với mẹ rằng cô nhóc rất sợ búp bê này nên không muốn chơi với nó nữa. Dẫu vậy nhưng bà mẹ lại không tin, thậm chí còn phớt lờ lời nói của con gái vì nghĩ đứa trẻ đang cố tình mè nheo để đòi mua đồ chơi mới.
Nào ngờ vào đêm hôm qua, người mẹ thức dậy sang phòng ngủ của con gái thì phát hiện đứa trẻ đang nói mớ và lên cơn sốt, miệng liên tục lẩm bẩm: "Con búp bê này đáng sợ quá, hãy vứt nó đi". Thấy biểu hiện của con như vậy, bà mẹ có chút lo lắng nên đợi đến khi trời sáng thì ngay lập tức đưa đứa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi kể với bác sĩ về những dấu hiệu, triệu chứng gần đây của con gái, bà mẹ điếng người khi bác sĩ kết luận: Đứa trẻ đang gặp vấn đề bất ổn về tâm lý dẫn đến chứng sợ hãi, lo lắng quá mức. Và nguyên nhân của tình trạng này có lẽ là do con búp bê ở nhà trông quá giống thật. Vào buổi tối, tạo hình của thứ đồ chơi này có thể gây nên cảm giác không an toàn đối với trẻ.
Nghe xong điều này, bà mẹ về nhà bỏ ngay con búp bê và tìm cách nhẹ nhàng nói chuyện, an ủi để ổn định tâm lý cho cô con gái nhỏ của mình. Trên thực tế, có nhiều đứa trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi khi nhìn thấy búp bê liền sợ hãi khóc lớn, không dám đến gần.
Vậy các chuyên gia tâm lý giải thích thế nào về hiện tượng này?
- Tạo hình búp bê hình người quá chân thực
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đồ chơi khác nhau, và không phải loại nào cũng phù hợp cho trẻ chơi, đặc biệt là những con búp bê được sản xuất vô cùng chân thật.
Lý do là bởi vì những đứa trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ, nhận thức chưa hoàn thiện và sức chịu đựng tâm lý kém rất dễ sợ hãi trước những con búp bê giả như vậy.
- Chịu ảnh hưởng của văn hóa phim ảnh, truyền hình trực tuyến
Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với văn hóa Internet từ khá sớm, nên đôi khi khó tránh khỏi những tình huống bé sẽ xem được một số đoạn video, hình ảnh có tính chất kinh dị, đáng sợ làm tác động đến tâm lý và từ đó trẻ sinh ra những sự tưởng tượng thái quá, gây ám ảnh.
Đâu là những loại đồ chơi bố mẹ nên tránh mua cho trẻ nhỏ?
- Mô phỏng hình người và động vật quá chân thật
Dù là búp bê hình người hay mô phỏng động vật, cha mẹ cũng không nên mua cho con chơi. Một số loại gián, chuột, rắn mô phỏng trên thị trường hiện nay rất sống động như thật. Việc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tiếp xúc nhiều với những món đồ chơi này, sẽ dễ để lại bóng tối tâm lý.
- Đồ chơi có kích thước hoặc bộ phận nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường thích đưa mọi thứ vào miệng, rất dễ nuốt phải các bộ phận nhỏ trên đồ chơi. Những vật nhỏ như hạt bi, miếng ghép nhỏ, mảnh nhựa, nam châm... có thể gây tắc nghẽn đường thở, thậm chí tổn thương đường tiêu hóa nếu trẻ nuốt phải.
Bố mẹ nên chọn đồ chơi có kích thước đủ lớn, không thể nuốt trọn vào miệng để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Đồ chơi có cạnh sắc nhọn hoặc vật liệu cứng
Các đồ chơi bằng kim loại, gỗ cứng hoặc có các cạnh nhọn có thể gây thương tích khi trẻ chơi đùa, va chạm. Trẻ nhỏ chưa kiểm soát tốt các động tác, dễ ngã, va đập vào những vật cứng, sắc nhọn.
Bố mẹ nên chọn đồ chơi có thiết kế bo tròn, nhưng không quá cứng để tránh gây thương tích cho trẻ.
- Đồ chơi có chứa hóa chất độc hại
Một số đồ chơi, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu, có thể chứa chì, phthalate, BPA... những hóa chất này có thể gây hại cho sức khỏe trẻ.
Bố mẹ nên tìm hiểu kỹ thành phần, nguồn gốc của các loại đồ chơi trước khi mua, ưu tiên các sản phẩm an toàn, không chứa hóa chất độc hại. Nên lựa chọn đồ chơi làm từ các vật liệu tự nhiên như gỗ, vải, cao su... thay vì nhựa tổng hợp.
Những loại đồ chơi nào phù hợp cho trẻ chơi?
- Đồ chơi thúc đẩy phát triển giác quan
Các đồ chơi như xếp hình, ghép hình, xúc xắc, xe đẩy, công cụ làm bếp giúp trẻ luyện tập các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác. Những đồ chơi này giúp trẻ khám phá, và hiểu biết thế giới xung quanh thông qua các hoạt động chơi.
- Đồ chơi thúc đẩy vận động
Trẻ cần có đồ chơi kích thích các hoạt động vận động như bóng, nhún, leo, trượt, lăn... Những đồ chơi này giúp phát triển cơ bắp, kỹ năng vận động, thăng bằng và phối hợp của trẻ.
- Đồ chơi phát triển tư duy logic
Đồ chơi như xếp hình, lego, ghép hình, trò chơi câu đố... giúp trẻ luyện tập tư duy logic, giải quyết vấn đề. Những trò chơi này kích thích não bộ, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển trí thông minh của trẻ.
- Đồ chơi thúc đẩy phát triển ngôn ngữ
Sách, đồ chơi có âm thanh, hình ảnh, từ vựng phù hợp với lứa tuổi rất hữu ích cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Những đồ chơi này giúp trẻ tiếp thu và luyện tập ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Bằng cách chọn lựa những loại đồ chơi phù hợp, bố mẹ có thể hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ về cả thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ.