Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác.
Dưới đây là những phép lịch sự tối thiểu cha mẹ nên dạy con từ nhỏ. Những phép lịch sự này sẽ theo con suốt đời, tạo nên nhân cách và phẩm chất đạo đức của con.
1. Không nên cắt ngang lời người khác nói
Phụ huynh cần giải thích với trẻ, trò chuyện là hoạt động hai chiều, người nói và người nghe thay phiên nhau. Giống như khi muốn người khác lắng nghe mình, con cũng cần phải đợi họ nói hết câu.
Khi trẻ nói, bố mẹ cần thể hiện mình đang lắng nghe chăm chú, đôi lúc gật đầu và biểu hiện nét mặt phù hợp. Tiếp đó, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ làm tương tự khi lắng nghe người khác nói.
Muốn ngắt lời trẻ, bố mẹ cần khéo léo và lịch sự trong hầu hết tình huống, chẳng hạn bảo "mẹ xin lỗi nhưng mẹ có thể nói 1-2 câu được không" hoặc "câu chuyện con kể rất hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đi ngủ".
Phụ huynh cần giải thích với trẻ, trò chuyện là hoạt động hai chiều, người nói và người nghe thay phiên nhau. Ảnh minh họa
2. Sử dụng câu "Vui lòng", "Cảm ơn" và "Xin lỗi" đúng cách
Người Việt vẫn có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Vì vậy mà những lời nói tưởng chừng đơn giản như "Vui lòng", "Cảm ơn", "Xin lỗi" lại có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giao tiếp hàng ngày.
Khi muốn nhờ vả người khác điều gì đó, trẻ cần phải biết cách nói "Vui lòng", khi đã được giúp đỡ xong thì câu "Cảm ơn" là tuyệt đối không thể quên. Và đặc biệt, lúc trẻ làm sai thì câu "Xin lỗi" rất quan trọng. Vì những câu nói này khá đơn giản nên dễ bị bố mẹ xem nhẹ nhưng thực tế thì đây chính là một trong những cách cơ bản nhất để thể hiện sự tôn trọng người khác.
Khi muốn nhờ vả người khác điều gì đó, trẻ cần phải biết cách nói "Vui lòng", khi đã được giúp đỡ xong thì câu "Cảm ơn" là tuyệt đối không thể quên. Ảnh minh họa
3. Luôn gõ cửa phòng trước khi muốn vào
Cho dù đến nhà bạn, người quen thân thiết đến mức nào cũng cần bấm chuông, gõ cửa và đợi chủ nhà ra mở cửa. Dạy con rằng nếu đột nhiên mở cửa và chạy vào nhà người khác là mất lịch sự.
Dạy con rằng nếu đột nhiên mở cửa và chạy vào nhà người khác là mất lịch sự. Ảnh minh họa
4. Dạy trẻ cách ăn uống lịch sự
Lời mời trước mỗi bữa ăn cho thấy sự lễ phép của trẻ với những người lớn tuổi như: ông bà, bố mẹ, anh chị em. Đây được coi là phép tắc và lễ nghĩa cơ bản mà bố mẹ cần dạy trẻ ngay từ khi con nhỏ.
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động nên khó ngồi im một chỗ để ăn. Chính vì thế, bố mẹ rất cần tạo lập thói quen vào bàn ăn là ngồi ngay ngắn, không nghịch ngợm từ khi trẻ còn nhỏ.
Không phải món ăn nào trẻ cũng thích và có nhiều trẻ còn thường xuyên hạch sách yêu cầu bố mẹ phải phục vụ đúng món cho mình. Tuy nhiên, nếu chiều theo trẻ, lâu dần sẽ khiến trẻ sinh hư và hay vòi vĩnh.
Nhiều trẻ khi nhìn thấy món đồ ăn yêu thích là liền vồ lấy và ăn ngay, không cần biết có được cho phép hay không. Người lớn cần dạy con biết xin phép ý kiến khi làm việc gì đó, không được phép tự tiện; vì nhiều thứ đồ ăn nếu không cẩn thận trẻ ăn phải sẽ nguy hiểm. Đây không chỉ là cách dạy bảo vệ an toàn cho con mà còn dạy con biết suy nghĩ trước khi hành động.
Đừng ngồi đợi những hành vi xấu của con diễn ra mới phê phán, bắt nó sửa chữa. Ảnh minh họa
5. Không bình phẩm, chê bai về ngoại hình của người khác
Trời sinh ra mỗi người một vẻ bề ngoài khác nhau và không phải ai may mắn để có được diện mạo xinh xắn, ưa nhìn. Nhưng không phải vì thế mà người ta có quyền chê bai hay miệt thị ngoại hình của những người không được dễ coi. Bởi vì điều này tạo cho trẻ sự ám ảnh về ngoại hình và hình thành cho trẻ thói quen "nhìn mặt mà bắt hình dong" như ông bà ta vẫn nói.
Vì vậy, trẻ cần được dạy không bao giờ được bình phẩm về ngoại hình của người khác từ khi còn nhỏ để tránh thói quen xấu sau này.
6. Che miệng khi hắt hơi hoặc ho
Khi hắt hơi, giọt bắn từ miệng chúng ta có thể phát tán trong bán kính 1m. Thế nên, để tránh làm lây lan vi khuẩn trong không khí, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ che miệng khi ho và hắt hơi bằng cách dùng giấy ăn hoặc khuỷu tay của mình.
Lịch sự là nền tảng cơ bản để hình thành nhân cách mỗi người. Ảnh minh họa
7. Mượn đồ của người khác hãy nhớ trả lại
Đó là chữ tín. Người cho mượn sẽ cảm thấy tin tưởng và vui vẻ nếu con giữ đúng lời hứa của mình. Nếu chỉ mượn mà không trả sẽ để lại ấn tượng xấu trong họ và chắc chắn con sẽ không giữ được mối quan hệ tốt với người đó.
Để trẻ làm được những điều này, cha mẹ cũng nên làm gương cho con. Cha mẹ thường xuyên thực hiện hành động tốt, lặp đi lặp lại giúp trẻ học theo. Điều này cũng rất có ích cho sự phát triển tính cách trong tương lai của bé.
8. Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào mặt người đối diện
Khi đang nói chuyện với người khác, hành động chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm theo kiểu săm soi sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên khi trẻ còn nhỏ thì khá là khó khăn để trẻ hiểu được điều này. Do đó, bố mẹ hay để trẻ thử trải nghiệm cảm giác khó chịu đó. Khi đã hiểu và biết được cảm giác này thì trẻ biết tại sao không nên hành động như thế.
9. Luôn nói câu đầy đủ chủ - vị, không nói trống không với người lớn
Trẻ mầm non thường xuyên nói câu trống không do khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, bố mẹ nên dạy con kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp "trả lời bằng câu hoàn chỉnh" ngắn gọn, các con sẽ biết sử dụng các câu đầy đủ chủ, vị để giao tiếp từ nhỏ.
Ví dụ, khi bạn hỏi "Con có vui không?", hãy dạy cho trẻ cách trả lời bằng câu hoàn chỉnh như "Dạ, con vui ạ!", "Dạ, con cảm thấy không vui lắm!"…
Trong giao tiếp, việc trả lời câu hỏi bằng một câu hoàn chỉnh sẽ thể hiện sự tôn trọng người hỏi. Đồng thời, khi trẻ trả lời câu hoàn chỉnh, các con cũng sẽ biết viết các câu có đầy đủ thành phần câu ở bậc tiểu học.
10. Tự giới thiệu bản thân đúng cách
Không chỉ sau này, khi đã lớn thì trẻ mới cần biết cách tự giới thiệu bản thân mà đây là điều trẻ cần biết dù còn nhỏ. Đó có thể là tình huống trẻ giới thiệu bản thân trước cả lớp, là lúc có ai đó là người quen của bố mẹ muốn làm quen với trẻ. Lúc này đây, tốt nhất trẻ nên được dạy cách nhìn thẳng vào mắt người nghe, hơi mỉm cười và nói về những thông tin cơ bản nhất của mình.
Dạy trẻ lịch sự cha mẹ nên chuẩn bị điều gì?
Ngay từ lúc còn nhỏ, bạn phải dạy con những phép xã giao tối thiểu. Ảnh minh họa
Giải thích tại sao phải lịch sự
Trẻ không chú ý phép xã giao nếu như không hiểu tầm quan trọng của nó. Hãy nói rằng nếu con đối xử không tốt với mọi người xung quanh thì họ sẽ không yêu thích, không muốn chơi chung nữa. Như thế, con sẽ rất buồn chán.
Hãy làm gương tốt
Đừng mong con cái 5 tuổi có hành vi đẹp nếu như bạn làm điều xấu trước mắt nó. Trẻ con bắt chước rất nhanh, kể cả thói xấu của người lớn. - Cần có thái độ đúng đắn: Nếu con thô lỗ ngắt lời người lớn thì bạn phải nhắc nhở ngay, biểu lộ thái độ không hài lòng. Thấy cha mẹ im lặng, trẻ cứ nghĩ cử chỉ đó không có gì sai trái và mặc nhiên chấp nhận. Trong trường hợp con làm bạn xấu hổ trước bạn bè thì phải nhắc nhưng với thái độ bình tĩnh. Cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao nó lại như vậy, tuyệt đối không được nóng giận, mắng chửi hay đánh đập trẻ.
Đừng chờ đợi vô ích
Đừng ngồi đợi những hành vi xấu của con diễn ra mới phê phán, bắt nó sửa chữa. Mọi chuyện đều có thể thay đổi nếu như chúng ta luôn tạo cho con cái niềm tin rằng chúng là một cô bé (cậu bé) ngoan ngoãn, lễ phép và rất đáng yêu.