Chỉ đến khi làm mẹ và có con ở Dubai, chị Nga mới biết đến tập tục này.
Chị Trần Nga (sinh năm 1984, Tuyên Quang) từng trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân và làm mẹ đơn thân của một bé trai nay đã 9 tuổi. Vì kinh tế gia đình, chị sang Dubai làm việc và tình cờ gặp được anh Majdi Al Mallad (sinh năm 1987) - người đã chinh phục chị bằng sự chân thành và tử tế.
Sau 3 năm tìm hiểu, chị Nga quyết định tái hôn với anh Majdi Al Mallad và có thêm 2 người con là bé Mohamad (biệt danh là Coca, 4 tuổi) và Maya (20 tháng tuổi). Ở xứ người, chị Nga vừa kinh doanh, vừa chăm sóc con nhỏ và tìm hiểu văn hoá quê chồng.
Gia đình chị Nga hiện sinh sống ở Dubai.
Bất ngờ tập tục anh em họ có thể cưới nhau, không được bú chung dòng sữa
Làm dâu Ả Rập, chị Trần Nga tìm hiểu và hoà nhập với nhiều truyền thống của quê chồng, chẳng hạn như theo đạo Hồi, trùm khăn kín, nhịn ăn trong tháng Ramada,... Tuy nhiên một trong những phong tục làm chị cảm thấy bất ngờ và lạ lẫm hơn cả là anh em họ xa có thể cưới nhau. Chị bật mí: "Trong nhà, chỉ mỗi chồng mình lấy người khác họ. Còn lại anh chị em họ hàng xa trong nhà,... thường lấy nhau".
Đáng chú ý hơn, chị Nga chỉ phát hiện ra truyền thống này sau khi hạ sinh con trai đầu với chồng Ả Rập. "Mình ở Dubai bao nhiêu năm nhưng đâu biết đến việc này. Mãi đến khi sinh con mới biết". Cụ thể sau khi sinh con, chị Nga đợi 2 ngày vẫn chưa có sữa cho em bé bú. Nóng lòng, chị nhờ mẹ chồng mua sữa ngoài cho con trai nhưng bé lại không thích.
Đúng lúc đó, em họ cũng vừa mới sinh em bé nên chị Nga ngỏ ý xin sữa cho con bú nhờ nhưng bị từ chối. Chị cảm thấy khá lấn cấn, mãi cho đến khi mẹ chồng giải thích mới vỡ lẽ. Hoá ra vì có tập tục anh em họ hàng xa có thể cưới nhau nên những đứa trẻ cùng dòng họ không được bú cùng bầu sữa. Vì bú chung thì giống như cùng một mẹ nên sau này không lấy nhau được nữa.
Mãi đến khi có con, chị Nga mới biết đến tập tục anh em họ có thể lấy nhau sau lần ngỏ lời xin sữa cho con.
"Lúc đó mình cứ tưởng em họ "kẹt xỉn" nên không cho bú nhờ, nào ngờ có cả tập tục ấy. Mình thấy lạ lắm vì anh em chung dòng máu thì có thể lấy nhau nhưng chung dòng sữa thì lại không được. Mình không tin nên cứ hỏi mãi, còn bị mẹ chồng trêu cơ", chị Nga chia sẻ.
Chi phí nuôi con ở Dubai rất đắt đỏ, vừa bán hàng online vừa chăm con nhỏ
Nói đến Dubai, ai nấy đều nghĩ ngay đến "xứ vàng" lắm tiền nhiều của nhưng người mẹ quê Tuyên Quang cho biết cuộc sống không phải lúc nào cũng xa hoa như mọi người lầm tưởng: "Đúng là nếu lấy đại gia Dubai thì sẽ đổi đời nhưng mình và ông xã đều là người làm công ăn lương nên cũng áp lực cơm áo gạo tiền". Chị Nga chia sẻ chi phí nuôi con và sinh hoạt ở Dubai rất đắt đỏ.
Con trai đầu của chị là bé Coca, năm nay mới 4 tuổi nhưng học phí lớp mẫu giáo đã lên đến 100 triệu đồng/năm và học phí sẽ tăng dần theo từng cấp học. "Vì chồng mình ở tiểu vương quốc khác đến Dubai làm việc nên các con không được miễn tiền học phí. Nếu đưa con về quê nội học thì không mất học phí nhưng vợ chồng mình đều không muốn xa con", chị Nga cho biết thêm. Ngoài tiền học, mỗi tháng gia đình chị còn tốn tiền nhà khoảng 30 - 40 triệu đồng, tiền ăn 12 triệu đồng, tiền bỉm sữa,... Chị Nga cho biết thu nhập hàng tháng phải được khoảng 100 triệu đồng mới đủ trang trải và gia đình cũng cần vun vén, tiết kiệm chứ không tiêu xài phung phí.
Con trai và con gái chị Nga điển trai, xinh xắn.
Người mẹ 8X cho biết chi phí nuôi dạy con ở Dubai rất đắt đỏ.
Để chồng bớt gánh nặng kinh tế, chị Nga bán hàng online kiếm thêm thu nhập và linh hoạt thời gian chăm con nhỏ. "Phần lớn phụ nữ Trung Đông họ không đi làm, chỉ ở nhà nuôi con. Nhiều nhà còn thuê cả người giúp việc chăm con nữa cơ. Chỉ phụ nữ Việt Nam mình thích ôm đồm (cười)", người mẹ 8X bật mí.
Tuy áp lực kinh tế nhưng theo chị Nga, cuộc sống ở Dubai khá thoải mái, rất giống ở Việt Nam, cả chồng và bố mẹ chồng đều tốt tính nên chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Chị Nga có mối quan hệ thân thiết với gia đình bên nội, được mọi người yêu mến.
Chuẩn bị sổ tiết kiệm đủ mua một căn nhà, sẽ lo cho con riêng nhiều hơn 2 em
Sau một lần đổ vỡ hôn nhân, chị Nga giờ đã viên mãn với cuộc sống mới ở Dubai bên chồng và các con. Tuy nhiên, chị luôn trăn trở khi nghĩ về con trai riêng ở quê nhà. Chị Nga cho biết khi con mới được hơn 1 tuổi, chị phải sang nước ngoài làm việc lo kinh tế gia đình và gửi con sống cùng bà ngoại.
"Nhiều người không hiểu, họ nói mình lấy chồng giàu bỏ con. Mình chạnh lòng chứ. Vì mình sang Dubai là để kiếm tiền nuôi con mà. Mình đâu định tái hôn, ông xã cũng theo mình suốt mấy năm trời mình mới nhận lời, nghĩ lại thì cũng là do duyên phận", 8X trải lòng.
Con trai lớn của chị em bên người em Coca.
Chị Nga cho biết thu nhập hàng tháng từ công việc bán hàng online của chị đều do bà ngoại ở Việt Nam giữ để chăm lo cho con trai lớn. Ngoài ra trước khi tái hôn, chị đã chuẩn bị một sổ tiết kiệm là toàn bộ số tiền chị kiếm được khi làm việc ở nước ngoài, đủ để nuôi con ăn học và mua nhà khi cưới vợ. "Mình phải lo cho con mình chứ, mình còn muốn lo cho con nhiều hơn 2 em vì cháu thiệt thòi, không được sống cùng mẹ".
Chị Nga cũng từng nghĩ đến việc cho con sang Dubai nhưng hiện tại điều kiện kinh tế chưa cho phép và bà ngoại cũng không đồng ý. "Mẹ mình sống một mình nhiều năm nên quý cháu lắm, nếu đưa bé sang đây chắc bà ngoại không chịu vì con gái đã sống xa nhà rồi. Với lại hiện tại điều kiện kinh tế chưa cho phép, con ở Việt Nam thì mình còn lo đầy đủ được, chứ con sang Dubai thì với mức học phí và sinh hoạt này, mình chưa đủ sức".
Chị Nga thường đưa cả gia đình về Việt Nam để anh em gần gũi.
Sống xa con đầu lòng, người mẹ đến từ Tuyên Quang không khỏi trăn trở, luôn mong muốn mang đến điều tốt nhất cho cậu bé. Chị thường xuyên gọi điện về Việt Nam tâm sự với con. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, mỗi năm chị đều về Việt Nam 1 - 2 lần. Điều làm chị Nga cảm thấy được an ủi phần nào là ông xã Trung Đông rất quan tâm tới con trai riêng. "Anh ấy hay hỏi về con lắm, còn nhắc mình gọi điện về Việt Nam cho cháu nữa cơ", chị Nga thổ lộ.