Trẻ mắc cúm A có nguy hiểm không?

Linh San - Ngày 13/07/2022 16:26 PM (GMT+7)

Trẻ mắc cúm A có nguy hiểm không? Trẻ em dưới 5 tuổi - đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm cao hơn.

Trên thực tế, biến chứng của cúm nguy hiểm hơn rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Bởi virus cúm lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác, đặc biệt là những nơi có đông người hoặc những nơi sinh sống, làm việc, học tập gần nhau. Trẻ em có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất và là đối tượng lây lan chính của bệnh cúm.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm A nhất. (Ảnh minh họa)

Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm A nhất. (Ảnh minh họa)

Cúm A có nguy hiểm không?

Virus cúm A nguy hiểm hơn bệnh cảm cúm thông thường đối với trẻ em. Tùy theo cơ địa cũng như sức khỏe của mỗi trẻ, cúm A sẽ có những biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Trong nhiều trường hợp, bé sẽ có các biểu hiện giống như cúm thông thường nên ba mẹ chủ quan không điều trị sớm và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm nhất khi trẻ bị mắc cúm A là liên quan đến suy hô hấp với những triệu chứng như thở gấp, khó thở, trong đờm có lẫn máu...lâu dẫn có thể dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy. Thậm chí có trường hợp còn bị tử vong.

Ngoài ra, cúm A ở trẻ nếu như không được sớm điều trị đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề khác như hen suyễn, tim mạch (viêm cơ tim), rối loạn chức năng não, các vấn đề về xoang và nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn thứ phát...

Tất cả những biến chứng này đều rất nguy hiểm, cần phải được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.

Cúm A có nguy hiểm với trẻ không? (Ảnh minh họa)

Cúm A có nguy hiểm với trẻ không? (Ảnh minh họa)

Trẻ bị cúm A có lây không?

Bệnh cúm A rất dễ lây lan. Nó có thể lây lan trong không khí khi ho và hắt hơi, nói chuyện trực tiếp và khi chạm vào các đồ vật đã tiếp xúc với nước bọt hoặc chất nhầy của người bị bệnh.

Những người bị cúm có thể lây từ ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu cho đến vài ngày sau đó. Điều này cũng có nghĩa là trẻ hoàn toàn có thể lây lan virus cho người xung quanh trước khi có những biểu hiện bệnh cũng như trong lúc bị bệnh.

Không những vậy, với một số trẻ đang bị cúm nặng hoặc trẻ có hệ miễn dịch kém, hệ miễn dịch suy yếu, thời gian làm lây nhiễm virus cho người khác có thể kéo dài hơn từ 5-7 ngày. Việc vệ sinh tốt cho trẻ sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm hoặc truyền bệnh cho người khác. Vệ sinh tốt bao gồm:

- Thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng cho trẻ.

- Không nên cho trẻ dùng chung đồ vật với người đang bị bệnh.

- Khuyến khích trẻ ho hoặc hắt hơi nên lấy tay che.

- Sau khi sử dụng khăn giấy xong thì bỏ vào thùng rác.

Trẻ bị cúm A rất dễ lây nên cần phải biết cách phòng tránh. (Ảnh minh họa)

Trẻ bị cúm A rất dễ lây nên cần phải biết cách phòng tránh. (Ảnh minh họa)

Cách điều trị cúm A cho trẻ tại nhà

- Cho bé nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu trẻ bị sốt, hãy mặc quần áo nhẹ và giữ nhiệt độ phòng khoảng 20 ° C.

- Thường xuyên cho trẻ uống nước mát. Nếu nước tiểu của trẻ có màu sẫm hơn bình thường, mẹ cần cho trẻ uống nhiều hơn.

- Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ vì trẻ có thể không muốn ăn khi bị cúm. Cho trẻ ăn những bữa ăn nhỏ, đủ chất dinh dưỡng.

- Theo dõi nhiệt độ của trẻ.

- Không nên cho trẻ em dưới 3 tuổi dùng thuốc ho và thuốc cảm không được kê đơn. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ em dưới 12 tuổi uống thuốc, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

- Nếu trẻ sơ sinh khó bú do bị nghẹt mũi, hãy dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi hoặc xịt nước muối sinh lý nếu dịch nhầy rất đặc.

- Máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ sẽ giúp trẻ bị ngạt mũi dễ chịu hơn. Làm sạch và làm khô máy tạo ẩm kỹ lưỡng để tránh nhiễm vi khuẩn hoặc nấm mốc. Không nên sử dụng máy xông hơi nước nóng vì có nguy cơ gây bỏng.

- Súc miệng bằng nước ấm sẽ làm dịu cơn đau họng cho trẻ.

Khi mắc cúm A, trẻ có thể điều trị tại nhà. (Ảnh minh họa)

Khi mắc cúm A, trẻ có thể điều trị tại nhà. (Ảnh minh họa)

Khi nào cần đưa trẻ bị cúm A đến bác sĩ?

Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến bác sĩ ngay để có phương pháp điều trị kịp thời:

- Thở nhanh hoặc khó thở.

- Môi hoặc mặt hơi xanh.

- Kiểm tra thấy xương sườn kéo vào theo từng nhịp thở.

- Tức ngực, khó thở.

- Đau cơ dữ dội (trẻ không chịu đi)

- Mất nước (không có nước tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc).

- Không tỉnh táo hoặc không tương tác

- Co giật, sốt trên 39 độ C.

- Sốt hoặc ho có cải thiện nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn

Để cúm A không gây các biến chứng nguy hiểm, cách tốt nhất là khi nghi ngờ trẻ bị mắc cúm, ngoài các triệu chứng đã được nhận biết, cha mẹ nên làm xét nghiệm dịch mũi họng để biết rõ thông tin và tránh lây lan cho cộng đồng.

Viêm tai giữa ở trẻ em và những điều cần biết
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em rất phổ biến, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, phát sinh nhiều bệnh lý tai mũi họng. Do vậy, để hạn chế sự nguy hiểm và...

Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp

Theo Linh San Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh cảm cúm