Sau khi xem camera, tôi nhẹ nhàng tiến gần lại phía cửa sổ lòng đầy hoang mang.
Vừa đọc được câu chuyện bắt cóc trẻ em ở bệnh viện ở Bình Dương mà tôi hoảng hết cả hồn. Phúc làm sao em bé may mắn được tìm thấy và đưa về nhà với người thân, điều đó cũng khiến tôi nhớ lại giây phút bàng hoàng của bản thân mình cũng trong cảnh tương tự. Chỉ có khoảng chục phút xảy ra mà đúng như ám ảnh cả cuộc đời các chị ạ.
Chẳng là chuyện của tôi lại không xảy ra ở bệnh viện mà xảy ra ở trong chính nhà tôi nhưng cũng đủ khiến tôi một phen khiếp vía.
Tôi sau khi sinh con được 2 ngày thì xuất viện về nhà. Lúc mọi chuyện diễn ra là chỉ có hai mẹ con trong phòng, tôi và em bé sơ sinh. Mẹ đẻ tôi thì đi xuống dưới nhà mua đồ. Đang nằm chơi với con sơ sinh thì tôi buồn đi vệ sinh, lúc đó em bé cũng đang thức, mắt mở thao láo nhìn mẹ nói chuyện.
Ảnh minh họa
Cực chẳng đã, tôi nghĩ em bé sơ sinh chưa thể lật người cũng chưa thể làm gì nên tôi liều để con một mình nằm trên giường để lết từng bước đi vào nhà vệ sinh phía ngoài phòng. Vì vết mổ còn đau nên tôi đi lại khó khăn, vệ sinh cũng lâu nhưng cũng chỉ tầm cỡ 3-4 phút là quay trở lại phòng ngay. Thế nhưng điều khiến tôi hoảng sợ là con sơ sinh đã không còn nằm ở đó, bằng một phép màu nào, đứa trẻ đã biến mất trên giường, tôi lật ga gối, cạnh giường dưới nền đất đều không có.
Trong giây lát trong đầu tôi không thể nghĩ ra được bất cứ tình huống nào, nghĩ ra ai có thể mang con mình đi trong khi bản thân chỉ đi có chưa đầy 5 phút. Tôi bắt đầu hít một hơi thật dài rồi bắt đầu bình tĩnh tìm phương án giải quyết. Tôi chợt nhớ ra trong phòng ngủ của mình mới lắp camera giám sát kể từ hôm đón con ở viện về. Vì vậy tôi vồ lấy chiếc điện thoại, đăng nhập vào phần mềm để xem có chuyện gì xảy ra trong 5 phút ấy và ai là người đã mang con sơ sinh đi.
Những ai chưa trong tình cảnh của tôi sẽ không thể hình dung ra được cảm xúc, tâm trạng của tôi lúc tua lại video để xem tình hình lúc đó, mọi thứ thật sự quá kinh khủng. Và rồi những gì diễn ra lại khiến tôi bắt đầu hạ nhiệt, vơi bớt nỗi sợ dần.
Tôi đặt chiếc điện thoại xuống, tiến lại gần cửa sổ của chiếc giường, vén tấm rèm cửa. Ồ quả thật đúng như camera ghi lại, con sơ sinh của tôi đang ở đây, trong vòng tay của con gái lớn. Mặc dù vừa hoang mang, vừa hoảng sợ, vừa lo lắng cũng tức giận lắm nhưng tôi hít một hơi để kiềm chế, nhẹ nhàng hỏi con:
- Ôi con gái, con đang ở đây làm gì vậy? sao con lại bế em ngồi đây?
- Con đang bế em bé ngồi trốn mẹ, mẹ tìm ra rồi ạ.
Ảnh minh họa
Tôi bất chợt nhớ ra trò chơi mà con gái hay chơi với mình nên cũng nhẹ nhàng hùa theo.
- Mẹ tìm thấy hai chị em rồi nhé, thôi ra đây nào. Để mẹ bế em cho, con đi theo mẹ ra đây nhé.
Cô con gái trao em bé sơ sinh vào tay tôi và đứng dậy theo.
Hóa ra sự thật là từ trước khi chưa có em sơ sinh, cô con gái đầu lòng của tôi đã rất thích chơi trốn tìm. Bé thường ôm một con búp bê để cùng trốn mỗi lần chơi trốn tìm với mẹ. Vào hôm xảy ra sự việc, đứa bé ngủ ở phòng bên cạnh, khi nó thức dậy và sang phòng mẹ thì biết mẹ đi vệ sinh, em thì thức giấc, con đã ngây thơ bế em sơ sinh cùng chơi trốn tìm với mình. Hành động của đứa trẻ đã khiến tôi một phen khiếp vía.
Sau sự vụ ngày hôm ấy, tôi cũng đã xem kĩ video camera để chắc chắn rằng con gái không có suy nghĩ gì khác như ganh tỵ với em sơ sinh. Sau đó tôi đã có cuộc trò chuyện với con thật nhiều về em sơ sinh, những gì con có thể làm và những gì thì không vì có thể gây nguy hiểm cho em.
Hy vọng câu chuyện của tôi cũng là một kinh nghiệm cho tất cả các bà mẹ, nên phòng tránh để không có bất kì điều gì đáng tiếc.
Tâm sự từ độc giả hanhsino....
Suy nghĩ của con trẻ vô cùng ngây thơ và con không biết những việc làm vô tình của mình có thể khiến em sơ sinh bị thương. Chính vì thế chính bố mẹ cần là người nhắc nhở nhưng phải thật khéo léo kết nối tình cảm giữa các con để không nảy sinh sự đố kỵ.
Nếu anh chị dưới 18 tháng tuổi
Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về "sự tồn tại" của "2,3", thay vì chỉ là "1". Hãy bắt đầu khi em bé có thể "đạp vào bụng bạn". Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với "em bé". Bé vẫn chưa hiểu "em bé" là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này:
- Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó.
- Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện
Với anh chị lớn hơn 18 tháng
Khi em bé vẫn chưa sinh ra
Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là "em của bé". Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm "anh/chị và em".
Vào ngày em bé ra đời
Vào ngày em bé chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với em bé mới sinh này. Khi bé thứ nhất vào xem em bé, hãy gọi bé thứ 1, thứ 2... vào.
Khi cả hai bé cùng chơi với nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em.
Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi.
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.