Bên cạnh đó, đạo diễn Phương Điền của Tiếng Sét Trong Mưa cũng bày tỏ nuối tiếc về phản ứng của khán giả xung quanh những tình tiết kịch tính khi Thị Bình và Khải Duy gặp lại 24 năm sau.
Tiếng Sét Trong Mưa: Cảnh Thanh Bình đè mẹ kế trên phiến đá đã được chỉnh sửa (Nguồn: THVL Youtube)
Tiếng Sét Trong Mưa là bộ phim truyền hình hiếm hoi của miền Nam thu hút khán giả ngay tập đầu. Phim có độ dài 54 tập và được phóng tác từ vở cải lương Lôi Vũ với nhiều chi tiết mới. Bên cạnh phản hồi tích cực về nội dung sâu sắc góp phần lột tả góc khuất trong đời sống xã hội xưa thì phim cũng vấp phải những ý kiến về việc dùng "cảnh nóng" câu khách và không phù hợp chiếu trên truyền hình.
Trong một buổi trò chuyện với phóng viên, đạo diễn Phương Điền của Tiếng Sét Trong Mưa đã có nhiều chia sẻ về phản ứng của khán giả xung quanh diễn biến phim khi 2 nhân vật chính - Thị Bình (Nhật Kim Anh) và Khải Duy (Cao Minh Đạt) gặp lại 24 năm sau. Bên cạnh những tâm sự về chuyện nghề, đạo diễn còn nói nhiều về dự án phim Vua Bánh Mì với dàn diễn viên chính gần như bước ra từ Tiếng Sét Trong Mưa.
Bài học rút ra từ sức hút của Tiếng Sét Trong Mưa là sự chân thật. Khi tôi coi lại phim, coi lại những lời khán giả nhận xét về phim thì tôi đã nhận ra một bài học rất lớn. Đó là sự chân thật của bộ phim sẽ thu hút người xem.
Nhiều người thắc mắc “tại sao phim này ác quá, đánh đập con người ta như thế”, nhưng đó là bản chất thật của một con người, vào thời điểm đó. Trong phim có một chi tiết khiến tôi đắn đo hoài, đó là chi tiết Khải Duy cầm súng chĩa vào chính mẹ mình.
Lúc đó tôi nghĩ: “Mình cũng có mẹ mà, nhưng liệu mình có thể mất dạy đến cỡ đó không? Nhưng nếu mình không để nhân vật “mất dạy” như vậy thì tình yêu của Khải Duy dành cho Thị Bình lại không được thể hiện rõ”, và rồi tôi đã để Khải Duy làm như vậy.
Khi phim được trình chiếu, tôi vẫn thấy khán giả thông cảm cho cậu Ba, vì tình yêu của cậu với Thị Bình quá lớn. Rõ ràng khi mình làm như vậy đã làm cho phim rất "đời" và lúc đó người xem sẽ còn không để ý đến tình tiết nhỏ, mà họ quan tâm đến cả quá trình diễn biến tâm lý của nhân vật làm nên cảm xúc, hành động đó.
Rồi sau đó chúng tôi lại tạo nên một Khải Duy cô độc, một Khải Duy yêu Thị Bình đến nỗi 24 năm sau vẫn thờ Thị Bình trong một căn phòng khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Nếu biết khán giả háo hức chờ cậu Ba Duy gặp lại Thị Bình như thế, đáng lẽ tôi phải cho họ gặp lại sớm hơn, để họ hạnh phúc hơn, rồi mâu thuẫn và giằng xé hơn.
Sự chân thật còn thể hiện ở câu chuyện của cậu Ba Xuân, người lúc nào cũng bị đè nén trong nhà. Mỗi khi ba cậu ta về là cậu ta trốn chui trốn lủi. Nhưng rồi, Phượng xuất hiện mang lại một nét tươi mới trong nhà, đồng thờ khiến con người cậu ta cũng cởi mở hơn hẳn. Những tâm sinh lý đó đều được tôi phân tích rất rõ và rất kỹ.
Chính vì vậy khi người ta thắc mắc hỏi tại sao lại chọn Bạch Công Khanh già quá so với tuổi 16 của nhân vật, thì cũng là một sự cố ý của tôi để tạo nên sự chân thật cho nhân vật này.
Bởi nếu cậu Ba Khải Duy và Hạnh Nhi yêu nhau, đến với nhau trong một tuổi trẻ thanh xuân phơi phới, tinh thần thoải mái thì chắc chắn sinh ra con đẹp lắm; nhưng sự thật là câu Ba đến với vợ lúc đó là bằng sự giao ước để được cả một cái đồn điền chứ không hề có tình yêu. Nên tôi quyết định làm tạo hình của Bạch Công Khanh già đi, xấu đi, bởi vì nhân vật cậu Ba Xuân của anh ta không được sinh ra trong tình thương yêu.
Hình ảnh và tính cách của nhân vật này như vậy là kết quả của cả một quá trình từ lúc ra đời đến khi lớn lên luôn bị áp bức, bị đè nén,...
Những tình tiết nhạy cảm trong phim vừa được thêm vào lại vừa được bớt đi so với bản gốc. Tôi biết tiết chế một cảnh “nóng” ở bao nhiêu giây, độ hở bao nhiêu phù hợp quy định của nhà Đài, tôi đều có bảng quy định hết rồi, nên khi vào phim, tôi xử lý những cảnh đó rất nhẹ nhàng.
Đạo diễn Phương Điền trên phim trường.
Còn về Tiếng Sét Trong Mưa, mình đang phóng tác từ câu chuyện Lôi Vũ, nên bắt buộc những tình tiết loạn luân nó đã có sẵn trong kịch bản rồi, ngay cả cảnh anh em họ yêu nhau để xảy đến loạn luân, khi đọc đến đó tôi cũng cảm thấy… nổi da gà, thấy sợ rồi. Vậy nên ở trong phim của tôi sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Không có chuyện họ ăn nằm rồi lại có thai giống như kịch bản gốc, mà sẽ chỉ ở mức độ trai gái mới lớn lên, họ không nhận ra nhau, họ chớm nở tình cảm thì họ hôn nhau. Tôi cũng tiết chế ở cảnh này khi để họ hôn nhau vừa chạm môi rồi sẽ chuyển qua cảnh khác.”
Còn về nhân vật Hạnh Nhi, trong bản gốc chỉ miêu tả cô ấy trong hình ảnh người “hồng y hừng hực tìm đến con” rồi này nọ. Nhưng trong phim truyền hình tận 54 tập, mình phải khai thác nhiều hơn về nhân vật này, phải lý giải được tại sao cô ấy lại như vậy.
Cô ấy sống bên một ông chồng mà luôn nghĩ về một người phụ nữ trong quá khứ khiến bản thân cô ấy cũng bị đè nén. Nhưng chi tiết cậu Ba Khải Duy cho vợ dùng thuốc kích dục là không đúng, mà đó là thuốc trị sự lãnh cảm.
Mối quan hệ Hạnh Nhi với Thanh Bình cũng được lý giải rất rõ trong phim nếu khán giả để ý. Nó bắt nguồn từ việc cô được cậu Hai cứu, rồi cảm động sinh tình. Một cậu con trai mới lớn có cái rạo rực của tuổi thanh niên, đã lỡ hôn người mẹ kế.
Thực ra ban đầu kịch bản còn cho vào thêm tình tiết cậu Hai biết vẽ, vẽ lại hình ảnh Hạnh Nhi, trong khi cơ thể mẹ kế lúc đó lại “hừng hực”, cô ta lại chủ động có ý với cậu…
Trong cái cảnh hôn đó, khi quay còn có đoạn cậu Ba Xuân đang chơi ở gốc cây sẽ chứng kiến cảnh đó. Nhưng trong quá trình dựng, tôi đã quyết định cắt đi để không bị mang tiếng ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ khi nhìn thấy mẹ nó hôn anh nó."
Khi tôi làm xong Tiếng Sét Trong Mưa, bộ phim cũng phải nằm trong kho của đài truyền hình gần một năm trời, khi đó cũng không biết rằng khi phim ra lại HOT như hiện nay.
Tôi nhận dự án Vua Bánh Mì, cũng phải cast rất nhiều, cast đến 10 kỳ để tuyển được người diễn viên ưng ý. Các diễn viên không cần biết có nổi tiếng hay không, đều phải bắt buộc lên cast. Ngay cả Cao Minh Đạt hay Thân Thúy Hà, Nhật Kim Anh đều phải lên diễn xuất lại trước mặt tôi, cho đến khi tôi tìm được nét tương đồng ở nhân vật trong Vua Bánh Mì để tôi mời họ vào vai đó. Chứ không phải vì các diễn viên đã diễn với tôi ở một phim này nên tôi chọn họ cho vai của phim khác.
Đạo diễn Phương Điền trong một buổi chia sẻ về bộ phim.
Thật ra, tôi cũng có những sự lựa chọn trong một vai. Ví dụ như vai của Cao Minh Đạt trước đó tôi cũng có nhiều phương án khác lắm nhưng đến khi lựa chọn thì cái thời điểm của người này lại không phù hợp với lúc bấm máy hoặc người kia phát sinh gì đó,...
Ngay cả vai của Bạch Công Khanh cũng vậy, nhiều người nói là sao lại ưu ái cậu ấy, nhưng thật ra cái nét của Khanh lại rất phù hợp với nhân vật trong Vua Bánh Mì. Vai của Quốc Huy cũng vậy, tôi cũng đã phải cân đong đo đếm cho một vai đó, vì đây là vai rất quan trọng trong phim, mình phải tìm cách nào để diễn viên có thể lột tả được nhân vật này. Và cuối cùng tôi có dàn diễn viên như vậy chứ không có ưu ái cho ai hết.
Bạch Công Khanh và Quốc Huy đều đảm nhiệm vai chính trong "Vua Bánh Mì".
Tôi chọn dàn diễn viên này vì thấy hình bóng của nhân vật trong họ, chứ không phải vì danh tiếng của Tiếng Sét Trong Mưa. Vì thật ra, lúc dàn diễn viên được chọn, tôi cũng không biết trước được tương lai rằng Thị Bình và cậu Ba Khải Duy sẽ hút như vậy.
Về diễn xuất, Tiếng Sét Trong Mưa đã quay từ 2 năm trước và đến với Vua Bánh Mì, các diễn viên đã hoàn toàn lột xác, cùng là các diễn viên đó vào vai, nhưng khán giả sẽ không còn nhận ra Thị Bình, Khải Duy hay Ba Xuân, Thanh Bình... trong phim mới. Bên cạnh việc quay Vua Bánh Mì, tôi cũng đang ấp ủ làm tiếp Tiếng Sét Trong Mưa phần 2. Tôi sẽ chia sẻ thêm với khán giả về dự án Tiếng Sét Trong Mưa phần 2 trong thời gian tới."