Khoảng một nửa số trẻ sinh non có nguy cơ bị ít nhất một lần nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng trong 72 giờ sau khi sinh, và nguồn gốc gây bệnh là từ hệ vi sinh vật đường ruột của chính đứa trẻ. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine.
Vì vi khuẩn phổ biến nhất trong các trường hợp nhiễm trùng máu cũng thường được thấy xuất hiện ở ruột, nên các nhà khoa học đã tiến hành tìm hiểu xem nhiễm trùng máu do vi khuẩn từ đường ruột hay do lây nhiễm từ bên ngoài.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Gautam Dantas, chuyên gia bệnh học và miễn dịch học tại Đại học Y Washington ở St. Louis (Mỹ) cho biết: "Đây là nhóm dân số dễ bị tổn thương và thời điểm ngay sau sinh là thời điểm mà thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột hình thành lần đầu tiên. Lần tiếp xúc sớm với vi khuẩn này sẽ có thể định hình hệ vi sinh vật đường ruột trong suốt quãng đời còn lại của trẻ".
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những trẻ sơ sinh được nhập viện vào các Khoa hồi sức tích cực sơ sinh của các bệnh viện: Bệnh viện Nhi St. Louis, Bệnh viện Nhi thuộc Đại học Oklahoma và Bệnh viện Nhi Norton ở Louisville (Mỹ).
Nhóm nghiên cứu đã phân tích toàn bộ trình tự bộ gen của chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng máu, đồng thời theo dõi các chủng vi khuẩn giống nhau trong phân của trẻ để từ đó xác định xem chủng vi khuẩn nào đã xâm nhiễm ruột trẻ sơ sinh trước khi trẻ bị nhiễm trùng máu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, giả thuyết cho rằng nhiễm trùng máu bắt nguồn từ đường ruột của trẻ là đúng với 58% số ca. Một số chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng máu đã lây truyền giữa các trẻ sơ sinh trong khoa hồi sức tích cực sơ sinh.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, ngay cả trong trường hợp môi trường được kiểm soát, vẫn có thể xảy ra sự lây truyền vi khuẩn, có thể lây nhiễm qua nhân viên bệnh viện hoặc lây nhiễm qua bề mặt tiếp xúc trong khoa hồi sức tích cực sơ sinh.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở khoa hồi sức tích cực sơ sinh, những trẻ bị nhiễm trùng máu có số loài vi khuẩn gây bệnh trong ruột nhiều hơn đáng kể trong hai tuần trước khi bị nhiễm trùng so với những trẻ sơ sinh không bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sinh non có thể có nguồn gốc từ đường ruột.
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh đủ tháng và nhận thấy rằng những đứa trẻ này không gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng rõ ràng là loài vi khuẩn xâm nhiễm đường ruột trong vài tháng đến 3 năm đầu đời sẽ quyết định hệ vi sinh vật sau này trong ruột của trẻ. Điều này cho thấy, việc xem xét sớm hệ vi sinh vật đường ruột ở trẻ sinh non có thể cho phép chúng ta xác định được những trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng máu nguy hiểm".
Theo các chuyên gia, trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm trùng cao do các cơ quan kém phát triển. Những trẻ sinh non thường được điều trị bằng kháng sinh dự phòng. Tuy nhiên, kháng sinh có thể gây nguy cơ phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh độc hại gia tăng số lượng.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy, chúng ta cần phải quản lý tốt hơn cách sử dụng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh rất quan trọng, chúng ta cần nó để điều trị nhiễm trùng, nhưng cần cân nhắc cẩn thận xem nên sử dụng trong trường hợp nào và khi nào. Và chỉ nên sử dụng kháng sinh trong những trường hợp thực sự cần thiết" – các chuyên gia cho biết thêm.