TP HCM - Nỗi thất vọng vì vợ sinh con gái, cộng thêm việc phải thức đêm trông con, ngày đi làm cực nhọc, khiến anh Nam, 35 tuổi, mắc trầm cảm.
Là con "độc đinh" trong gia đình, áp lực phải có "thằng cu" nối dõi đè nặng trên vai anh Nam, ở quận Phú Nhuận. Người kỹ sư điện cũng khao khát có con trai để cùng chơi thể thao và chia sẻ những sở thích nam tính.
Năm ngoái, con gái thứ hai của vợ chồng anh Nam chào đời, hoàn toàn khỏe mạnh. Song, khi nhìn thấy con lần đầu tiên, cảm giác thất vọng khiến anh buồn bã kéo dài. Người đàn ông trở nên ít nói, mất hứng thú với công việc và cuộc sống. Chưa kể, áp lực từ việc phải chăm sóc, dỗ dành con cả ngày lẫn đêm khiến anh càng mệt mỏi và lo lắng.
Dần dần, anh Nam bị mất ngủ, cảm giác bản thân vô dụng, tội lỗi với bố mẹ, dòng họ nên thường xuyên nghĩ về cái chết, có ý định tự tử lặp lại nhiều lần. Hai tháng trước, khi không thể chịu đựng thêm cảm giác chán chường, anh vào viện khám, bác sĩ chẩn đoán trầm cảm nặng.
Còn anh Hải, 40 tuổi, là nhân viên kinh doanh và trụ cột kinh tế trong nhà. Với cuộc sống chỉ có hai vợ chồng, thỉnh thoảng tụ tập bạn bè ăn uống, vui chơi, thu nhập của anh vẫn đủ cho gia đình chi tiêu mà không cần quá tiết kiệm.
Sau nhiều năm mong chờ, hồi đầu năm, vợ anh lần đầu sinh con. Do mẹ không đủ sữa, con trai anh Hải phải tập bú sữa bột kèm theo. Các khoản chi từ viện phí, sữa bột, quần áo cho đến những vật dụng khác đều phát sinh thêm ngoài dự kiến. Song, vợ chồng không có khoản phòng thân, áp lực tài chính đè nặng lên vai anh Hải, khiến ông bố lo lắng và căng thẳng.
"Trước đây vợ chồng tôi cứ nghĩ làm được bao nhiêu thì tiêu bao nhiêu, giờ có con mới thấy quá nhiều khoản phải chi trả", anh Hải kể.
Ngoài ra, từ khi vợ sinh, anh phải hạn chế việc đi chơi, tụ tập bạn bè, dành hoàn toàn thời gian rảnh để chăm sóc con. Những hôm thức khuya cho con bú đêm hoặc dỗ dành khi bé quấy khóc khiến người đàn ông mất ngủ, cáu gắt. Dần dần, anh đánh mất mọi hứng thú, luôn buồn bã, chán nản, cạn kiệt năng lượng, đến Bệnh viện Quân Y 175 khám, được chẩn đoán trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh cũng có thể xảy ra ở nam giới. Ảnh: Pexels
Theo một nghiên cứu đăng trên NYtimes, cứ 6 đàn ông thì có một người có thể bị lo lắng ở mức độ cao trong thời kỳ hậu sản và khoảng 10% đàn ông mới làm bố lần đầu trầm cảm sau sinh. Trong khoảng thời gian 3-6 tháng sau khi có con, tỷ lệ đó tăng lên 25%.
Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần định nghĩa trầm cảm "khởi phát chu sinh" là một giai đoạn trầm cảm nặng trong thời kỳ mang thai hoặc 4 tuần sau khi sinh. Đối với nam giới, vấn đề này có thể phát triển chậm hơn trong vòng một năm.
Thông thường, các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng có thể bao gồm cảm thấy buồn, khóc, thường xuyên có ý nghĩ về cái chết và mất hứng thú với các hoạt động. Theo Sheehan Fisher, trợ lý giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Northwestern, các triệu chứng ở nam giới có thể khác nhau.
Tương tự, ThS.BS Lý Minh Đăng, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175, nói khi nhắc đến trầm cảm sau sinh, chúng ta thường nghĩ đến phụ nữ, bởi họ là người trải qua quá trình mang thai và sinh con với những thay đổi lớn về mặt thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh cũng có thể xảy ra ở nam giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến đàn ông mà còn tác động tiêu cực đến cả gia đình và xã hội.
Theo đó, đàn ông có thể kỳ vọng rất nhiều vào đứa con sắp chào đời, từ giới tính đến ngoại hình. "Trong xã hội Á Đông, việc có một đứa con trai đôi khi vẫn được xem là biểu tượng của sự tiếp nối gia đình", bác sĩ Đăng lý giải, thêm rằng khi thực tế không như mong đợi, người bố dễ cảm thấy thất vọng và tự trách. Những suy nghĩ như "Mình đã làm sai điều gì?" hay "Mình không đủ tốt" có thể len lỏi trong tâm trí, dần dần tích tụ và gây ra trầm cảm sau sinh.
Ngoài ra, sau khi có con, những hoạt động như đi chơi, nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè đều bị hạn chế. Sự thay đổi đột ngột này có thể khiến đàn ông cảm thấy cô đơn và mất mát. Song, họ thường không dễ dàng chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của mình, và việc thiếu đi một hệ thống hỗ trợ xã hội có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Đồng thời, việc thức khuya chăm con, thiếu ngủ và mệt mỏi kéo dài là những yếu tố khiến đàn ông dễ stress, lo âu. Lúc này, họ có thể cảm thấy không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu của con cái và gia đình, dẫn đến tình trạng tự trách và cảm thấy vô dụng. Những áp lực này nếu không được giải tỏa kịp thời sẽ dẫn đến trầm cảm.
Bên cạnh đó, khi gia đình có thêm thành viên mới, chi phí sinh hoạt tăng lên, đồng nghĩa với áp lực tài chính đè nặng. Đàn ông thường cảm thấy trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo cuộc sống cho các thành viên, dẫn đến căng thẳng.
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản thứ năm (DSM-V), chẩn đoán một người bị trầm cảm cần dựa trên ít nhất 5 trong 9 triệu chứng sau, kéo dài ít nhất hai tuần. Bao gồm tâm trạng buồn bã, chán nản gần như cả ngày; giảm hứng thú hoặc niềm vui trong hầu như tất cả hoạt động; giảm hay tăng cân một cách đáng kể mà không phụ thuộc vào chế độ ăn (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể) hoặc giảm hay tăng cảm giác thèm ăn so với mọi ngày; mất ngủ hay ngủ quá mức.
Bệnh nhân cũng có thể quá kích động hoặc quá chậm chạp (có thể quan sát bởi những người khác); mệt mỏi hoặc cảm giác mất năng lượng; cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức hoặc ảo tưởng mỗi ngày; giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, thiếu quyết đoán; suy nghĩ thường xuyên về cái chết, có ý định tự tử lặp đi lặp lại nhiều lần.
Theo Medical Daily, trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Còn theo Brightside, hơn 30% đàn ông bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời, khoảng 9% trải qua cảm giác chán nản hoặc lo lắng hàng ngày.
Bác sĩ Nghĩa thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175, trầm cảm sau sinh xuất hiện ở nam giới là một vấn đề không nên xem nhẹ. Thông thường, xã hội và cả chính bản thân đàn ông đều không nhận ra hoặc không thừa nhận rằng họ có thể bị trầm cảm.
Các bác sĩ cho rằng stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Từ đó, mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác. Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện... Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi.
Như anh Nam, bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS). Đây là cách điều trị không xâm lấn, được sử dụng để điều trị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rTMS có thể cải thiện triệu chứng trầm cảm ở người không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác như thuốc hoặc liệu pháp tâm lý. Phương pháp này sử dụng từ trường để kích thích các vùng não hoạt động kém hiệu quả do trầm cảm.
Sau một số buổi trị liệu, anh bắt đầu cảm thấy tâm trạng được cải thiện. Người đàn ông trở nên tích cực hơn, bắt đầu quan tâm và yêu thương, chăm sóc con gái. Anh cũng tìm lại được niềm vui trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Gia đình nhờ đó cũng trở nên êm ấm, hạnh phúc.
Anh Hải cũng trải qua quy trình điều trị tương tự với rTMS. Tâm trạng anh cải thiện, những đêm mất ngủ và căng thẳng tài chính dần giảm. Nhờ thư giãn hơn, ông bố 40 tuổi dễ dàng tìm ra các giải pháp tài chính hợp lý và biết cách quản lý thời gian để chăm con hiệu quả. Anh cũng tái lập lại mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và bạn bè, ngày càng vui vẻ, cởi mở.
"Trầm cảm là một căn bệnh và chẳng có gì xấu hổ nếu bạn tìm cách chữa trị. Tương tự như bị đau răng, đau mắt, hãy tìm chuyên gia nếu bạn cảm thấy mình hoặc người thân, bạn bè có dấu hiệu trầm cảm", bác sĩ khuyên.
*Tên nhân vật được thay đổi