Thời gian gần đây có nhiều chị em sau sinh cấy que cấy tránh thai thay vì đặt vòng, uống thuốc tránh thai. Song một số trường hợp hy hữu còn đối mặt với tình trạng que đi lạc đến nhiều nơi trong cơ thể.
Que tránh thai "đi lạc" vào cơ bắp tay, cách khuỷu tay 10cm
Đó là trường hợp của chị N.T.T. (31 tuổi, Nam Đàn) đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kiểm tra sau khi bị rong kinh suốt 2 tháng. Tại đây bác sĩ phát hiện que tránh thai đi lạc vào sâu trong cơ bắp tay, cách khuỷu tay 10cm, cần phẫu thuật ngay.
Do đi lạc sâu vào tổ chức cơ phức tạp, chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh và không thể kéo ra ngoài bằng phương pháp tiêm thuốc tê rồi rạch đường nhỏ dưới da tay, vì thế bác sĩ đã lên phương án phẫu thuật, đánh dấu bằng siêu âm tần số quét cao, đưa dị vật ra ngoài an toàn.
Que tránh thai "đi lạc" vào cơ bắp tay, cách khuỷu tay 10cm.
Que tránh thai "đi lạc" vào tận buồng phổi trái
Đó là trường hợp của một phụ nữ 31 tuổi đã cấy que tránh thai Implanon NXT vào cánh tay. Nhưng sau 3 tháng cấy que tránh thai, cô vẫn bị chảy máu bất thường.
Khi đi khám các bác sĩ không thể tìm thấy mô cấy trong tay cô, vì vậy đã yêu cầu chụp X-quang ngực. Họ phát hiện que tránh thai đã di chuyển sang buồng phổi bên trái của cô.
Sau khi loại bỏ mô cấy ra khỏi phổi, may mắn không có biến chứng trong ca phẫu thuật và người phụ nữ được xuất viện 4 ngày sau đó.
Que cấy tránh thai chạy khắp cơ thể, chui cả vào tim phổi
Thời gian trước đây, trên các trang mạng xã hội có chia sẻ thông tin về một phụ nữ Anh tên Deborah cấy que tránh thai để ngừa thai nhưng không ngờ chiếc que này đã “chạy” khắp nơi trên cơ thể và chui cả vào tim, phổi…
Theo Cô Deborah viết trên mạng xã hội: “Tôi cấy que tránh thai từ năm 2015, sau đó nó đã “chạy” khắp cơ thể tôi, đi qua cả tim. Sau nhiều lần chụp X quang và siêu âm nhưng không thể xác định vị trí của nó”.
Cho đến tháng 8/2017 các bác sĩ mới có thể phát hiện chiếc que tránh thai đang nằm tắc tại động mạch phổi bên phải của cô thông qua chụp CT. Thật may là cô chưa phải thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực để lấy nó ra.
Chiếc que tránh thai được lấy ra từ trong phổi của cô Deborah.
Sau sinh có nên cấy que tránh thai?
Sau nhiều câu chuyện thực tế và chuyện que cấy tránh thai đi lạc trên khắp cơ thể, nhiều chị em phân vân khi không biết có nên tiếp tục thực hiện phương pháp này không vì thấy chứa nhiều rủi ro.
Thực tế, que tránh thai là thanh nhựa nhỏ chứa nội tiết tố Levonorgestrel hay etonogestrel. Chúng được cấy dưới da cánh tay không thuận của phụ nữ, giúp chị em tránh thai từ 3-5 năm. Sau khi cấy, ta có thể sờ, cảm nhận như một que tăm dưới cánh tay. Đây cũng là biện pháp tránh thai có tỉ lệ tránh thai hiệu quả cao nhất so với nhiều biện pháp khác vì thế vẫn nên sử dụng.
Theo các bác sĩ sản khoa, que cấy tránh thai đi lạc phần lớn do kỹ thuật cấy que chưa phù hợp. Vì thế que cấy đi sâu sẽ dễ bị di chuyển sâu - xa hơn vị trí ban đầu khi cánh tay hoạt động.
Khi bị que cấy tránh thai đi lạc, nếu không can thiệp lấy sớm, que tránh thai có thể tiếp tục đi sâu vào các bộ phận khác trong cơ thể. Điều này khiến người bệnh có thể bị viêm, chèn ép dây thần kinh, khó khăn trong việc nâng, mang, vác các đồ vật thường ngày; không loại trừ khả năng gây vỡ mạch máu, hoặc tiếp tục di chuyển đến các bộ phận trong cơ thể.
Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, sau sinh để đề phòng que cấy tránh thai đi lạc nguy hiểm, chị em nên thực hiện thủ thuật cấy que ngừa thai ở các bệnh viện uy tín, tái khám để kiểm tra theo hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, nếu không cảm nhận được sự hiện diện của que cấy tránh thai bằng mắt thường cũng nên đến viện khám sớm.