Dù được bác sĩ đặt vòng tránh thai đúng vị trí nhưng ở một số ít sản phụ, thai nhi vẫn làm tổ để khi chào đời, con cầm theo cả vòng tránh thai của bố mẹ.
Ngày 30/6/2020, TS.BS Nguyễn Thanh Hồi - giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ T.T.P.L. (34 tuổi, trú quận Dương Kinh, TP Hải Phòng - nhân viên một ngân hàng trên địa bàn) sinh con lần thứ 3 dù đã đặt vòng tránh thai đúng vị trí.
Trước đó, sản phụ L. đã hai lần đẻ thường vào các năm 2011 và 2015. Bé trai sinh lần này là con thứ 3, cân nặng 3,3kg.
2 năm trước, để tránh thai, chị L. đã lên bệnh viện tuyến huyện để đặt vòng. Khi phát hiện bị chậm kinh, chị đi khám kiểm tra và thấy vòng tránh thai vẫn được đặt đúng vị trí, tuy nhiên thai vẫn làm tổ và phát triển bình thường nên gia đình vẫn quyết định giữ con lại.
Các bác sĩ đã để em bé cầm vòng tránh thai để "gửi trả" bố mẹ và chụp ảnh kỷ niệm.
Trong cuộc vượt cạn của chị L., vòng tránh thai nằm trong bánh nhau, các bác sĩ đã để em bé cầm vòng tránh thai để "gửi trả" bố mẹ và chụp ảnh làm kỷ niệm.
Cách xử trí khi đặt vòng mà vẫn có thai?
Từ lâu đặt vòng tránh thai là một hình thức tránh thai khá an toàn, hiệu quả được nhiều chị em sử dụng. Thực chất đây là vật rất nhỏ bằng nhựa hoặc kim loại được đặt trong tử cung để ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau.
Nguyên nhân một số chị em đặt vòng mà vẫn có thai là do vòng bị rơi ra mà không biết, vòng trong khoang tử cung ở vị trí thấp gần cửa tử cung, không khống chế được vai trò phát triển và quá trình đưa phôi vào trong tử cung hoặc kích cỡ của vòng không phù hợp với kích thước của tử cung. Ngoài ra, có thể vòng đã bị biến dạng làm mất đi tác dụng tránh thai.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc đặt vòng vẫn có thai. (Ảnh minh họa)
Điều này khiến 1 số phụ nữ đặt vòng mà vẫn có thai. Gặp tình huống này, các bà bầu sẽ rất hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa nếu đặt vòng mà vẫn có thai, hãy thật bình tĩnh đi khám thai và khám phụ khoa ngay để kiểm tra tình trạng của vòng tránh thai có còn trong tử cung hay không.
Trong trường hợp nếu vợ chồng muốn giữ thai sẽ không cần tháo vòng. Khi ấy, đợi đến khi sản phụ sinh nở, bác sĩ sẽ kiểm soát tử cung và lấy vòng ra lúc sinh con xong.
Tuy nhiên, trong 9 tháng thai kỳ, bà bầu cần phải khám thai thường xuyên, định kỳ để kiểm soát và theo dõi thai thật cẩn thận phòng tránh bất thường xảy ra.
Cuối cùng, bà bầu hãy xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, đầy đủ để có thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con.