Vợ chồng cô giáo vượt 600 km tìm con, hưởng trái ngọt sau lần đầu chuyển phôi thất bại

Thùy Dương. - Ngày 16/03/2023 09:00 AM (GMT+7)

Với hành trình dài 11 năm nỗ lực tìm con, cuối cùng ánh sáng đã xuất hiện nơi cuối đường hầm khi vợ chồng cô giáo Hằng vỡ òa hạnh phúc, tận tay bồng bế con yêu.

Ai cũng hiểu mang thai ở tuổi tứ tuần là điều rất khó khăn. Đây là thời điểm chức năng sinh sản nữ giới suy giảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại cho cả hai mẹ con, nhưng chị Bùi Thị Hằng (SN 1981, Hà Giang) lại là minh chứng cho điều ngược lại. 

Chị chia sẻ: “Tôi là cô giáo mầm non rất yêu trẻ, là một trong nhiều bà mẹ hiếm muộn may mắn đón được con yêu dù đã lớn tuổi”.

Chị Hằng hạnh phúc rạng rỡ bên chồng và 2 con. (Ảnh: NVCC)

Chị Hằng hạnh phúc rạng rỡ bên chồng và 2 con. (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng chị Hằng lấy nhau từ năm 2009, sau gần 4 năm “thả” tự nhiên nhưng không có con, anh chị quyết vượt chặng đường 600km xuống Hà Nội để thăm khám và điều trị với hy vọng: “Chỉ cần kiên trì, nhất định mẹ con mình sẽ gặp được nhau”.

Kể về quyết định vượt chặng đường dài tìm con, chị Hằng nói, trước đó đã tìm hiểu qua nhiều thông tin, tham khảo kinh nghiệm từ những mẹ cùng hoàn cảnh trong các hội nhóm và nhận được nhiều lời động viên, vợ chồng chị mới quyết nắm tay bước vào cuộc hành trình dài ấy. 

Các kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy một bên ống dẫn trứng của chị Hằng bị dính nghiêm trọng, phải cắt bỏ. Bên còn lại bị tắc, bác sĩ chỉ định mổ thông vòi tử cung, điều trị bằng thuốc để cố gắng có con tự nhiên. 

Cuối năm 2010 chị Hằng có tin vui, nhưng niềm vui chẳng tày gang khi thai nhi vừa được 9 tuần tuổi thì bác sĩ thông báo chửa ngoài tử cung.

Ôm con trong tay, chị Hằng hiểu mọi nỗ lực của mình cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. (Ảnh: NVCC)

Ôm con trong tay, chị Hằng hiểu mọi nỗ lực của mình cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. (Ảnh: NVCC)

Biến chứng phổ biến nhất của tắc dính hoặc cắt một bên ống dẫn trứng là mang thai ngoài tử cung. Chị Hằng bị tắc dính toàn bộ 2 ống dẫn trứng, đồng thời đã cắt bỏ 1 bên nên nguy cơ cao hơn. Căn bệnh này khiến chị phải đối mặt với nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.

“Bác sĩ nói trường hợp của tôi đã mổ tách dính nhưng không hiệu quả. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là lựa chọn duy nhất giúp tôi có cơ hội được làm mẹ”, chị Hằng chia sẻ.

Khó khăn tưởng sẽ dừng lại vì đã tìm ra nút thắt nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng chị Hằng khi lần chuyển phôi đầu thất bại. Chị buộc phải vực lại tinh thần, tiếp tục cuộc hành trình tìm con của mình.

Năm 2013 chị Hằng chuyển phôi thành công, hạnh phúc đón em bé đầu tiên ra đời sau hành trình dài 4 năm lặn lội tìm con. “Lúc ấy tôi cảm giác như mình sắp chết đuối vớ được cọc vậy”, chị xúc động.

Hai em bé là trái ngọt sau nhiều năm mong con của vợ chồng chị Hằng. (Ảnh: NVCC)

Hai em bé là trái ngọt sau nhiều năm mong con của vợ chồng chị Hằng. (Ảnh: NVCC)

Cuộc đời chị Hằng đã “nở hoa” từ đó. Năm 2021 chị Hằng tiếp tục cuộc hành trình đón bé thứ 2 của mình. Ở lần chuyển phôi này, chị lo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì tuổi đã cao. Tuy nhiên, kết quả sau thăm khám cho thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường (không viêm nhiễm, niêm mạc tốt). “Sáng chuyển phôi, trưa tôi vẫn có sức khỏe để bắt xe về quê. Em bé nằm ngoan trong bụng mẹ đủ ngày mới ra”, chị Hằng nhớ lại.

Theo đuổi thụ tinh ống nghiệm (IVF) từ năm 2011, chị Hằng không thiếu những kỷ niệm chẳng thể quên: “Lần làm IVF bé đầu, chỉ còn 30 phút bác sĩ phải ra sân bay nhưng ấn tượng bởi nghị lực của hai vợ chồng nên bác vẫn nán lại chuyển phôi cho mình xong mới đi. Lần thứ 2 mệt quá ngủ quên đúng vào ngày kích trứng, kết quả phải rời lịch sang tháng sau, tuy vậy bác sĩ vẫn nhiệt tình tư vấn, động viên”.

Hiện tại, chị Hằng có cuộc sống rất viên mãn bên chồng và 2 con. Chị chia sẻ, sau một ngày dài làm việc, buổi tối gia đình quây quần vui vẻ bên nhau là điều chị cảm thấy hạnh phúc nhất. “Cuộc sống hoàn hảo hay không là ở suy nghĩ mỗi người. Với tôi như vậy là hoàn hảo rồi”.

Trong cuộc hành trình dài ấy, chị Hằng luôn có chồng bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ, động viên và đồng cảm. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc hành trình dài ấy, chị Hằng luôn có chồng bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ, động viên và đồng cảm. (Ảnh: NVCC)

Trong hành trình dài tìm con ấy, vợ chồng chị Hằng dù trải qua rất nhiều vui buồn, mệt nhọc nhưng vẫn luôn thuận hòa, đón nhận mọi việc với nguồn năng lượng tích cực nhất. “Có lúc cũng nản, nhưng đổi lại khi thấy que thử thai hiện 2 vạch thì hạnh phúc vỡ òa, cuốn trôi hết những buồn đau trước đó”, chị Hằng bộc bạch.

Nói về kỉ niệm đáng nhớ sau khi sinh con, chị Hằng cho biết, vì 2 con đều sinh giáp Tết nên vợ chồng chẳng đi được tới đâu, cả ngày quanh quẩn bên con nhưng lại thấy vui vô cùng. 

Chị chia sẻ thêm, hiện rất nhiều mẹ cùng hoàn cảnh nhắn tin hỏi bí quyết và xin động lực tìm con, chị đều nhiệt tình chia sẻ, không quên động viên mọi người cần kiên trì, cố gắng, luôn giữ tư tưởng thoải mái, không nên tự gây áp lực cho mình. “42 tuổi như mình còn sinh con được, mọi người tự tin lên, nhất định con sẽ về”.

Bác sĩ Thịnh trong lùm xùm với bà Nhân: Làm vợ người ta có bầu còn được cảm ơn, gắn bó với nghề từ nỗi đau mất mẹ
Là "đạo diễn" từ đầu đến cuối ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam, Thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh - nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM được xem là bác sĩ mát tay cho hàng nghìn người vợ hiếm muộn.

Chân dung bác sĩ sản khoa

Theo Thùy Dương.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai